Nghệ An, những bước đi vững chắc

Năm 2020, vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp, bằng những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Nghệ An đã có 'mùa quả ngọt', với những bước đi vững chắc.

Nghệ An xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Thu hoạch ngô bằng phương tiện cơ giới tại Công ty Bò sữa TH.

Nghệ An xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Thu hoạch ngô bằng phương tiện cơ giới tại Công ty Bò sữa TH.

Năm 2020, vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp, bằng những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Nghệ An đã có “mùa quả ngọt”, với những bước đi vững chắc.

Hoàn thành mục tiêu kép

Với sự đoàn kết, thống nhất cao, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Nghệ An vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng. Là địa phương có diện tích rộng nhất cả nước, dân số đông, đường biên giới dài, số lượng người di chuyển rất lớn, nhưng đến nay tỉnh Nghệ An đã cách ly hơn 42 nghìn người; trong đó cách ly tập trung hơn 15.700 người. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Trước khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, tỉnh Nghệ An xây dựng kịch bản tăng trưởng “tiến công”, phân công, tổ chức, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng. Tỉnh đã thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực làm tổ trưởng để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2020, Nghệ An đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) là 4,45%, đứng thứ 19 trong tổng số 58 địa phương tăng trưởng dương và đứng thứ hai vùng Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 14,11% so dự toán đầu năm, tăng 7,3% so năm 2019. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 78,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12,3% so năm 2019. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá. Hơn 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (cao hơn bình quân cả nước). Mặc dù thiên tai liên tục xảy ra, hạn hán và mưa lũ kéo dài nhiều tháng, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chuyển đổi cây trồng ở vùng đất khô hạn hay ngập úng; đưa các giống ngắn ngày, năng suất và chất lượng để “chạy lụt”; phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi sản phẩm OCOP... Nông nghiệp Nghệ An trở thành điểm sáng khi tốc độ tăng trưởng đạt hơn 4,9%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và từng bước nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 3%. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm...

Người dân và doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 76 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nghệ An đã huy động được 153 tỷ đồng (người dân và doanh nghiệp ủng hộ 141 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tỉnh và 43 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền trung khác bị ảnh hưởng bão, lụt.

Năng động thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chỉ đạo rà soát chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng bảng giá đất trong khu công nghiệp. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Giao trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương liên quan chủ động phối hợp và hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc, khó khăn. Tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Môi trường đầu tư kinh doanh ở Nghệ An ngày càng được cải thiện, đã tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2020, đã bắt đầu có sự chuyển dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực quan tâm đầu tư vào tỉnh Nghệ An về sản xuất linh kiện điện tử, như Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn... với số vốn cam kết đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Đây là con số hết sức ý nghĩa đối với tỉnh còn khó khăn như Nghệ An. Mới đây, ngày 6-1, UBND tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 200 triệu USD, doanh nghiệp này sẽ đầu tư tại KCN đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An một nhà máy sản xuất 270 triệu sản phẩm/năm, gồm: vỏ, linh kiện và bộ phận bằng kim loại; lắp ráp dây cáp; các bộ phận từ nhựa ứng dụng cho thiết bị thông minh và ô-tô năng lượng mới. Tiến độ xây dựng nhà máy là 24 tháng; khi đi vào hoạt động sẽ thu hút 15.000 lao động...

Năm 2021, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), Nghệ An đã thông qua 28 chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5% - 8%. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An xác định, tập trung chỉ đạo, phấn đấu quyết liệt ngay từ đầu năm, trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết xóa bỏ tình trạng “tỉnh mở, sở thắt” và đồng hành cùng nhà đầu tư từ khi bắt đầu tìm hiểu đến khi dự án hoạt động, tạo điều kiện cần thiết về mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực... để thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Nghệ An.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nghe-an-nhung-buoc-di-vung-chac-634088/