Nghệ An: Rầm rộ thị trường cây 'xua rủi, rước may' ngày Tết

Những năm gần đây, phong trào dựng nêu đón Tết trở nên phổ biến từ nông thôn đến thành thị ở Nghệ An. Từ sau Rằm tháng Chạp đã có rất nhiều gia đình dựng nêu, nên thị trường tre làm cây nêu, đèn nháy, đèn lồng trang trí nêu khá chạy hàng…

Từ đầu tháng Chạp, nhiều người đã lên các huyện Con Cuông, Tương Dương để tìm mua tre mét. Tre được vận chuyển về xuôi, bán cho người dân dựng nêu Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Từ đầu tháng Chạp, nhiều người đã lên các huyện Con Cuông, Tương Dương để tìm mua tre mét. Tre được vận chuyển về xuôi, bán cho người dân dựng nêu Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Kinh doanh tre làm nêu Tết đã 3 năm nay, trước Rằm tháng Chạp, anh Võ Vinh đã ngược lên các huyện Con Cuông, Tương Dương để tìm mua các loại tre, mét đưa về xuôi bán cho người dân dựng nêu đón Tết.

“Nay, ở các huyện miền xuôi hầu như không còn tre, mét, chỉ ở các huyện Con Cuông, Tương Dương còn nhiều. Để phục vụ thị trường, đầu tháng Chạp là đi khảo sát, chọn tre và đặt cọc, đến sau Rằm tháng Chạp là chở tre về xuôi. Tre làm nêu phải là loại thân thẳng, chặt sát gốc, đẽo sạch các gai mắt, nhưng phải giữ phần lá ngọn nên việc vận chuyển khá vất vả”, anh Vinh cho biết.

Tre làm cây nêu được bày bán khá rầm rộ, cạnh những cành đào, chậu quất Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Nhập về 4.000 cây tre làm nêu Tết, anh Lê Viết Phúc ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) đổ hàng ở 5 điểm bán. Theo anh Huy cho biết thì năm nay, tre làm nêu giá có giảm hơn mọi năm, theo đó, mỗi cây tre làm nêu có giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/cây, giá rẻ hơn năm ngoái từ 30.000 - 50.000 đồng/cây. Đến thời điểm hiện tại, lượng nêu đã tiêu thụ khoảng 40%.

“Sau 23 tháng Chạp thì người dân mới đổ xô mua tre dựng cây nêu. 5 năm bán tre làm cây nêu chưa năm nào ế hàng cả. Đến tầm 27 Tết là hết sạch. Năm nay, sức mua cũng tăng nhẹ so với các năm trước”, anh Phúc cho biết.

Giá tre làm cây nêu năm nay giảm nhẹ so với các năm trước. Ảnh: Thanh Phúc

Ngoài bán tre làm nêu, anh Phúc còn nhận dịch vụ dựng và trang trí cây nêu theo yêu cầu của khách. Tùy theo độ cao của cây nêu, đồ trang trí kèm theo như: đèn led, đèn lồng, cờ Tổ quốc… cộng với công lắp đặt, mỗi cây nêu hoàn chỉnh có giá từ 800.000 - 1,3 triệu đồng. “Từ sau Rằm tháng Chạp đến nay, tôi đã nhận dựng khoảng 50 cây nêu cho các gia đình và các tổ dân cư. Mặc dù nêu nếu làm bằng sắt thép kiên cố, sử dụng lâu bền, song cây nêu bằng tre với ý nghĩa truyền thống được nhiều người ưa chuộng hơn”.

Từ phong trào dựng nêu của người dân mà gần đây, nghề buôn tre và dựng nêu giúp nhiều tiểu thương có thêm thu nhập vào dịp Tết. Thời điểm này, ở các ngả đường thành phố Vinh cũng như các trung tâm thị tứ, thị trấn ở các huyện, bên cạnh quất, đào, hoa Tết thì nhiều bãi đất trống được trưng dụng làm nơi bày bán tre làm nêu Tết.

Sau Rằm tháng Chạp, nhiều địa phương trong tỉnh, người dân đã tất bật mua tre, dựng nêu đón Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Trung bình, mỗi cây tre làm nêu được bán ra, trừ chi phí, người kinh doanh có lãi khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Có những hộ buôn bán lớn, thu về cả trăm triệu đồng mỗi Tết.

“Tre giờ cũng hiếm, kiếm được cây tre đẹp càng khó mà việc chặt, chuyển cũng vất vả nên tôi phải đi mua tre về dựng nêu. Bình thường thì giá cây tre cao lắm cũng chỉ 20.000 - 30.000 đồng/cây nhưng tre làm nêu Tết thì giá gấp 5-7 lần. Đào, quất mua sau, cứ mua cây nêu về dựng cho có không khí đã”, ông Nguyễn Văn Đô ở xã Đại Đồng (Thanh Chương), một khách mua nêu cho biết.

Đồ trang trí cây nêu như đèn led, đèn nháy, đèn lồng cũng tiêu thụ mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Tre làm cây nêu tiêu thụ mạnh kéo theo đó các đồ trang trí nêu như cờ Tổ quốc, đèn lồng, đèn nháy cũng chạy hàng. Dịp này, các ki-ốt tạp hóa, các cửa hàng điện nước đều bán các loại đèn nháy, đèn led trang trí và đều nhộn nhịp người mua.

Theo quan niệm của người Việt từ bao đời nay, cây nêu được dựng vào dịp Tết Nguyên đán mang ý nghĩa thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại một năm mới may mắn cho gia chủ. Nghi lễ dựng cây nêu được thực hiện theo đúng truyền thống từ lâu đời trong văn hóa của người Việt. Đó là dùng cây tre già, lóng tre đều và còn nguyên lá tươi trên ngọn, được treo cờ, phướn, trang trí lồng đèn tạo màu sắc và những vật dụng trang trí tạo âm thanh như chuông... việc tái hiện phong tục dựng cây nêu ngày Tết một lần nữa nhắc nhở mỗi người ý thức giữ gìn một nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa.

Thanh Phúc

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-ram-ro-thi-truong-cay-xua-rui-ruoc-may-ngay-tet-post264012.html