Nghệ An: Sẽ hình thành hệ thống cảng biển hiện đại

Sở hữu bờ biển dài hơn 82km, phát triển kinh tế biển trở thành xu hướng chủ đạo của tỉnh Nghệ An hiện nay và những năm tới. Tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng biển và ven biển khoảng 15%.

Cảng Cửa Lò nâng cao năng lực phục vụ

Nghệ An có 7 cảng biển đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ cảng. Cụ thể, cảng Cửa Lò có 4 bến, 3 kho hàng và bãi chứa hàng diện tích 9ha. Cảng Đông Hồi có các nhà đầu tư như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Possco Hàn Quốc đã lựa chọn các vị trí xây dựng bến cảng chuyên dụng. Cảng The VISSAI có 3 bến khu cảng nội địa cho tàu 3.000 - 10.000 DWT và 2 bến cho tàu lớn đến 70.000 DWT. Cảng Bến Thủy cho phép tàu có trọng tải dưới 1.000 tấn ra - vào thuận lợi... Cảng Nghi Hương chuyên dụng nhập xăng dầu sản phẩm, cho tàu 1 vạn tấn ra vào cảng thuận lợi. Cảng Hưng Hòa cho phép cập tàu 1.200 tấn. Cảng Cửa Hội phục vụ tàu đánh cá. Trên địa bàn tỉnh có 6 cửa lạch, chủ yếu cho tàu thuyền đánh cá neo đậu và tránh, trú bão và hàng hóa tổng hợp ra vào cửa lạch.

Theo Quy hoạch Khu bến cảng biển Cửa Lò giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 và sau năm 2030, cảng Cửa Lò sẽ rộng 5.125ha. Khu bến chuyên dùng có bến cảng tổng hợp, container cho tàu biển có trọng tải từ 30.000 - 50.000 tấn (tương lai tiếp nhận cỡ tàu tổng hợp, container có trọng tải đến 100.000 tấn và tàu khách quốc tế từ 3.000 - 5.000 chỗ khi có điều kiện)... Ông Vương Bình Minh - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An - cho biết, việc quy hoạch xây dựng Khu bến cảng Cửa Lò có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận. Cảng biển sẽ giúp lưu thông hàng hóa cho cả Khu kinh tế Đông Nam rộng trên 21.000ha, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng đã nêu: Nghệ An cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương trong vùng tập trung nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt; nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế; xây dựng và khai thác hiệu quả các cảng biển. Hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu vận tải và vươn tầm ra quốc tế, trở thành quyết tâm lớn của tỉnh.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 xác định: Cảng Đông Hồi là bến cảng chuyên dùng và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch. Dự kiến, sau năm 2020, lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Nghệ An sẽ tiếp tục tăng nhanh, khi các dự án trọng điểm, trong đó có các Nhà máy xi măng đi vào hoạt động.

Hơn nữa, khi đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) qua cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường ngắn nhất và tốt nhất từ nước bạn Lào, đông bắc Thái Lan về các cảng biển khu vực, nhất là Nghệ An. Lúc đó, hệ thống cảng biển hiện đại được gắn kết với hệ thống sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và các vùng kinh tế trọng điểm khác sẽ tạo động lực cho các ngành nghề, dịch vụ phát triển, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh Nghệ An.

Phát triển kinh tế biển gắn với hoạt động hàng hải, khai thác lợi thế từ cảng, tăng cường các sản phẩm du lịch biển… đang là mục tiêu mà tỉnh Nghệ An hướng đến. Trong đó, các cảng ở địa phương đóng vai trò là "mắt xích" quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế biển vùng Bắc Trung bộ và các nước như Lào, Thái Lan…

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-se-hinh-thanh-he-thong-cang-bien-hien-dai-128258.html