Nghệ An: Sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giao thông

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền tại buổi thảo luận báo cáo đề xuất hệ thống giao thông thông minh.

Toàn cảnh buổi thảo luận

Sáng 25/7, tại TP. Vinh, UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành đã tham gia thảo luận báo cáo đề xuất hệ thống giao thông thông minh (GTTM).

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày và xem video mô phỏng và demo một số hệ thống thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền hoàn toàn nhất trí với việc Sở GTVT Nghệ An xây dựng đề án hệ thống GTTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền, với cơ sở hạ tầng, quy mô và lưu lượng phương tiện giao thông như hiện nay thì cách quản lý thủ công như hiện nay chỉ phát huy hiệu quả ở một mức độ nhất định. Khi đến một chừng mực nào đó sẽ không còn đáp ứng được nữa. "Tôi lấy ví dụ, tỉnh cấp một loạt cân xách tay cho Công an; TTGT. Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực nhưng đến nay việc xử lý cũng chỉ đạt được 60 - 70%. Người dân vẫn kêu rất nhiều việc xe quá tải đi vào các tuyến đường huyện. Hay thực tế đi sang các nước tiên tiến, tôi thấy việc làm thủ tục xuất - nhập cảnh tại các sân bay đều tự động, không cần sự giám sát trực tiếp của con người. Thậm chí, một bãi gửi xe hay một siêu thị cũng đều sử dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát…", ông Điền nói.

Quản lý, giám sát giao thông bằng hệ thống GTTM là hướng đi tất yếu của Nghệ An

“Việc đưa hệ thống GTTM vào quản lý, giám sát là xu thế tất yếu, là bước đi bắt buộc mà các nước tiên tiến đã làm từ lâu. Nó phù hợp với đề án xây dựng đô thị thông minh mà tỉnh đã đề ra; phù hợp với lộ trình tinh giảm biên chế; minh bạch hóa vấn đề quản lý, giám sát giao thông từ đó giảm thiểu tình trạng tiêu cực; lợi ích nhóm…”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở GTVT sớm làm việc với các bên liên quan, xây dựng đề án tổng thể hệ thống quản lý, giám sát GTTM nhưng đầy đủ lộ trình từng giai đoạn, từng bước để tháng 9/2018 sẽ trình UBND tỉnh cho ý kiến, nếu khả thi sẽ tiếp tục trình Ban thường vụ Tỉnh ủy. “Đây là đề án có tính ưu việt cao, phù hợp xu thế tất yếu của xã hội nên tôi mong muốn các sở, ngành, địa phương phối hợp với Sở GTVT để sớm hoàn thiện dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền khẳng định thêm.

Hệ thống camera giám sát thông minh thử nghiệm tại ngã tư đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh)

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Nghệ An cũng nhất trí cao với việc xây dựng hệ thống GTTM tại địa phương này. Để hoàn thiện hơn đề án trước khi trình UBND tỉnh, nhiều đại biểu đã có những góp ý, phản biện. Ông Phan Nguyên Hào - Phó Giám đốc Sở TT&TT Nghệ An góp ý: Việc xây dựng hệ thống GTTM là xu thế tất yếu và với cơ sở hạ tầng hiện tại, Nghệ An hoàn toàn có thể đáp ứng được việc triển khai đề án này. Tuy nhiên, việc triển khai tất cả đề án là rất khó, nên chúng ta cần phải chọn các mục tiêu đầu tư phù hợp, có lộ trình. Trước mắt là triển khai thí điểm tại một số nút giao thông trên địa bàn, nếu hiệu quả thì sẽ có lộ trình để triển khai trên toàn tỉnh.

Cũng theo ông Hào, chúng ta phải tính đến trường hợp có sự cố, mất kết nối mạng và đặc biệt phải lưu ý đến vấn đề bảo mật, tránh trường hợp kẻ xấu thâm nhập xóa bỏ, làm sai lệch thông tin trên hệ thống. Ngoài ra, việc lưu trữ dữ liệu cũng phải được tính toán kĩ lưỡng vì dung lượng lưu trữ là rất lớn...

Nhất trí cao với việc triển khai đề án GTTM, Thượng tá Lê Văn Thanh - Phó Phòng CSGT, Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Hiện tại, chưa có cơ chế pháp lý để xử lý những trường hợp không chấp hành việc đến nộp tiền phạt nguội của lực lượng chức năng. Nên khi xây dựng đề án phải có các bước đi cụ thể phù hợp với cơ sở pháp lý. Ngoài ra, việc phối hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa Sở GTVT với lực lượng Công an cũng phải linh hoạt, kịp thời; tránh việc máy tính phát hiện phương tiện vi phạm nhưng lực lượng chức năng không biết để bị xử phạt trực tiếp hoặc gửi thông báo xử phạt nguội...

Hệ thống GTTM là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống GTVT.

Hệ thống GTTM giúp quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung và các ứng dụng khác nhau nhằm cung cấp những thông tin đồng nhất về hạ tầng giao thông và diễn biến tình hình giao thông theo thời gian thực. Từ đó có thể hỗ trợ quản lý giám sát các lĩnh vực của ngành giao thông, ở cả 5 loại hình vận tải: Đường sắt, hàng không, đường thủy, đường bộ và hàng hải.

Đối với cơ sở hạ tầng, GTTM giúp quản ký hạ tầng, kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải; tổ chức quản lý giao thông; quản lý hoạt động vận tải; thu thập cơ sở dữ liệu giao thông. Đối với con người, GTTM giúp tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông; cung cấp thông tin tình trạng giao thông; đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cưỡng chế, xử phạt. Đối với phương tiện, GTTM quản lý đăng ký, đăng kiểm; giám sát, kiểm soát hành trình; cảnh báo và kiểm soát tình trạng nguy hiểm; giám sát ảnh hưởng ô nhiễm môi trường… Từ những lợi ích đó, hệ thống GTTM hướng đến mục tiêu: giải thiểu ùn tắc giao thông; giảm thiểu TNGT; giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao tính tiện nghi tham gia giao thông; hướng đến môi trường sống văn minh, hiện đại…

Sỹ Hòa - Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nghe-an-som-ung-dung-cong-nghe-40-vao-quan-ly-giao-thong-d265728.html