Nghệ An: Tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị các Sở, ngành, chính quyền cũng như các đơn vị trường học tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn, chất lượng bữa ăn... cho trẻ mầm non trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ thường xuyên ở các cớ sở mầm non là điều cần kíp.

Nhiều bếp ăn chưa đạt

Trao đổi với phóng viên, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay tỉnh này có tổng số trường Mầm non là 545 trường, trong đó có 486 trường công lập và 60 trường tư thục. Toàn tỉnh có 7514 nhóm lớp với 213291 trẻ, với 937 bếp ăn bán trú. Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy có 806 bếp ăn đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP đạt tỷ lệ 86,01%.

Trước đó, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 153/QĐ-ATTP về việc giám sát an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Triển khai giám sát ở 44 bếp ăn bán trú trong trường học tại các địa phương như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, thị xã Thái Hòa, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và thành phố Vinh.

Qua giám sát tại các bếp ăn, Đoàn công tác đã phát hiện một số vi phạm khác như: Chủ cơ sở và nhân viên chưa tham gia tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; thực hiện chưa đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; chưa kiểm nghiệm nguồn nước đưa vào chế biến, nước uống qua lọc theo quy định; thiết kế, bố trí các khu vực sơ chế, chế biến chưa bảo đảm tách biệt và tránh ô nhiễm chéo; không có dụng cụ sử dụng riêng đối với thực phẩm sống và chín.

Ngoài ra, các bếp ăn không trang bị đầy đủ dụng cụ chứa đựng chất thải rắn trong khu vực chế biến; kho bảo quản thực phẩm bố trí, sắp xếp chưa hợp lý; cống rãnh thoát nước khu vực chế biến bị ứ đọng, không được che kín; tường, trần nhà bị bong tróc; nền nhà bị nứt vỡ, đọng nước; chưa có biện pháp phòng chống côn trùng, động vật gây hại; thực hành của nhân viên chưa đúng quy định...

Nhiều bếp ăn cho trẻ chưa đạt theo chuẩn quy định

Trong 44 bếp ăn bán trú trong trường học được giám sát thì có đến 22 bếp ăn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (chiếm 50%). Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước qua lọc được lấy tại 37 trường học thì có 12/37 mẫu không đạt (chiếm 30,43%)…

Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP Vinh Hoàng Thị Phương Thảo thông tin, nhằm tăng cường việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn cũng như chế độ dinh dưỡng chất lượng bữa ăn của trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, Phòng đã có những chỉ đạo rốt ráo, cụ thể yêu cầu Hiệu trưởng các trường, chủ các cơ sở mầm non trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định, tăng cường trách nhiệm đối với bữa ăn an toàn, dinh dưỡng cho trẻ. Đồng thời phía Phòng trực tiếp thanh kiểm tra đột xuất các đơn vị khi có dấu hiệu, thông tin, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm túc.

Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, cũng như trước những thực tế đang tồn tại, nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng cho trẻ tại các cơ sở giáo dục, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 830/UBND-KGVX về nội dung yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc phối hợp triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 423/BGDĐT-GDMN ngày 7/2/2023 về việc phối hợp chỉ đạo công tác nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở Giáo dục mầm non.

Công tác nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo đúng quy định tại Chương trình giáo dục mầm non về số bữa ăn đáp ứng nhu cầu khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp với từng độ tuổi, trạng dinh dưỡng của trẻ em, thời gian tổ chức ăn cho trẻ thực hiện theo lịch sinh hoạt hàng ngày, không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện hợp đồng lao động đối với nhân viên nấu ăn đảm bảo số lượng, chất lượng. Đối với các cơ sở công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn, sử dụng kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP để hỗ trợ cho nhân lực tổ chức nấu ăn.

Bảo đảm bữa ăn của trẻ tại các đơn vị giáo dục mầm non luôn đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm

Đẩy mạnh các giải pháp phối hợp với gia đình để bảo đảm các điều kiện tổ chức nuôi dưỡng và thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ; huy động mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ em tại các cơ sở. Duy trì và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và nguồn nhân lực của các bếp ăn tại cơ sở để tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em đúng nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý cơ sở mầm non trong công tác xây dựng khẩu phần, thực đơn cho trẻ em mầm non và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên nấu ăn về tổ chức bữa ăn bán trú và thực hiện các quy định trong công tác tổ chức nuôi dưỡng cho trẻ em tại cơ sở mầm non.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm trong công tác nuôi dưỡng cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trước những vi phạm liên quan.

Hoàng Phạm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghe-an-tang-cuong-cong-tac-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-324792.html