Nghệ An tăng tỷ lệ xóm trưởng là đảng viên

Khắc phục tình trạng xóm trưởng, khối trưởng, trưởng bản (gọi tắt là xóm trưởng) không phải là đảng viên là một trong những việc cần làm ngay đối với cấp xã mà Tỉnh ủy Nghệ An đặt ra trong Ðề án 09 'Về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo'.

Lãnh đạo Ðảng ủy xã Hưng Ðạo (Hưng Nguyên) gặp gỡ, trao đổi với cán bộ xóm và người dân, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Khắc phục tình trạng xóm trưởng, khối trưởng, trưởng bản (gọi tắt là xóm trưởng) không phải là đảng viên là một trong những việc cần làm ngay đối với cấp xã mà Tỉnh ủy Nghệ An đặt ra trong Ðề án 09 "Về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo".

Xóm trưởng là cánh tay nối dài của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, và cũng là nhân tố quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, xóm trưởng đồng thời là bí thư chi bộ hay đảng viên đều là "đầu tàu" dẫn dắt phong trào địa phương phát triển.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An cho thấy, tỷ lệ xóm trưởng là đảng viên chưa cao. Huyện Yên Thành có 343 trong tổng số 495 xóm trưởng chưa phải là đảng viên, chiếm 69,29%. Trong số 152 xóm trưởng là đảng viên, thì số xóm trưởng đồng thời là bí thư chi bộ rất ít, chỉ có năm người. Ở huyện Hưng Nguyên, có 152 trong tổng số 252 xóm trưởng chưa phải là đảng viên chiếm 60,31%; xóm trưởng là đảng viên có 100 người, xóm trưởng đồng thời là bí thư chi bộ có 17 người.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quốc Khánh, toàn tỉnh hiện có 2.288 xóm trưởng là quần chúng, chiếm 39% tổng số người đứng đầu xóm, khối, bản; trong đó độ tuổi 50 trở lên chiếm đa số. Cùng với đó là trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của các xóm trưởng còn thấp, nhiều người chưa qua đào tạo cả về chuyên môn và lý luận chính trị. Việc triển khai thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là xóm trưởng tại một số đảng ủy cấp xã chậm so với kỳ bầu xóm trưởng nhiệm kỳ 2017 - 2020. Vì vậy, số đảng viên là xóm trưởng nhiều, với 3.598 người (chiếm trên 61%), nhưng cơ cấu để bầu làm bí thư chi bộ còn hạn chế, mới chỉ có 759 người, chiếm 12,9%.

Qua tìm hiểu ở cơ sở, chúng tôi thấy, để nâng cao tỷ lệ xóm trưởng là đảng viên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn để phát triển đảng viên ở nhiều cơ sở hạn chế, do người trẻ chủ yếu đi làm ăn kinh tế ở xa và tình trạng tuổi bình quân của đảng viên cao ở nhiều địa phương. Có những nơi 5 đến 7 năm thậm chí hơn 10 năm không kết nạp được đảng viên mới. Trong khi đó, giải pháp nâng tỷ lệ xóm trưởng là đảng viên bằng cách bố trí bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng đối với một số cơ sở rất khó thực hiện vì bí thư chi bộ chủ yếu tuổi đời cao hoặc là quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, cho nên khó có thể đảm nhận "hai vai". Nhiều trường hợp, bí thư chi bộ hoặc đảng viên được giới thiệu ứng cử chức danh xóm trưởng, nhưng khi đưa ra để người dân bầu lại không được tín nhiệm, không đạt tỷ lệ phiếu bầu theo quy định.

Bí thư Ðảng ủy xã Hưng Ðạo (Hưng Nguyên) Lê Huy Khoa cho biết, ở địa phương hiện có bốn xóm trưởng chưa phải là đảng viên cũng xuất phát từ nguyên nhân nêu trên. Theo đồng chí Khoa, để có thể cáng đáng công việc của một xóm trưởng đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là năng lực hoạt động thực tiễn, làm thế nào để vận động nhân dân nghe và làm theo. Có những cán bộ chỉ phù hợp với công tác đảng chứ chưa hẳn đã phù hợp với việc chỉ đạo trực tiếp
gắn với thực tiễn cho nên rất khó khăn.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành Phan Huy Hải: Hiện tại, qua rà soát, huyện vẫn có 24 xóm trưởng có khả năng kết nạp vào Ðảng. Ðiều đó cho thấy, vẫn còn một số cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giới thiệu đảng viên đủ uy tín, quần chúng có đủ điều kiện vào Ðảng để nhân dân bầu làm xóm trưởng qua các kỳ đại hội; hoặc chưa chú trọng việc tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng xóm trưởng đủ điều kiện vào Ðảng.

Để nâng được tỷ lệ xóm trưởng là đảng viên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cách làm phù hợp. Kinh nghiệm ở huyện Ðô Lương cho thấy, từ năm 2015 đến 2017, Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng với quyết tâm cao và bài bản. Chuẩn bị cho đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2017 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành tổng kết, đánh giá việc lãnh đạo thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng nhiệm kỳ 2015 - 2017 và đề ra giải pháp thực hiện. Do đó, sau đại hội chi bộ, tỷ lệ quần chúng làm xóm trưởng tại huyện Ðô Lương giảm xuống chỉ còn 18%, tương đương 66 xóm. Số bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng có 264 trong tổng số 367 xóm trưởng, bằng 72%. Số xóm còn lại đều do Phó Bí thư chi bộ, chi ủy viên hoặc đảng viên làm xóm trưởng.

Trao đổi về kinh nghiệm thực hiện, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ðô Lương Lê Minh Phúc cho biết: Ngoài sự quan tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy, cần phải phát huy vai trò các đồng chí cụm trưởng, điểm trưởng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy cơ sở, MTTQ và các đoàn thể tổ chức thực hiện chủ trương nêu trên. Các cấp ủy phải thật sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng người đủ uy tín, năng lực để giới thiệu nhân sự bí thư trong đại hội chi bộ và trong hiệp thương giới thiệu nhân sự để nhân dân bầu cử xóm trưởng. Nhất là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân phát huy quyền và nghĩa vụ trong bầu cử.

Bí thư Ðảng ủy xã Nghi Long (huyện Nghi Lộc) Lê Văn Nghĩa chia sẻ: "Ðể đạt mục tiêu toàn bộ xóm trưởng là đảng viên, và từ 4 đến 5 xóm thực hiện được mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, chúng tôi giao UBND xã xây dựng kế hoạch đại hội kiện toàn xóm nhiệm kỳ 2018 - 2021; phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo cơ sở. Ðồng thời, Ðảng ủy xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khắc phục tình trạng xóm trưởng không phải là đảng viên cho nhân dân; chỉ đạo làm tốt công tác nhân sự từ "trong Ðảng, ngoài dân" bảo đảm dân chủ, công khai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm lựa chọn người đủ năng lực, tâm huyết và sức khỏe để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Trong quá trình thực hiện việc sáp nhập xóm, bản theo đề án của tỉnh, các địa phương cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở, ưu tiên lựa chọn xóm trưởng mới là đảng viên hoặc bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quốc Khánh cho biết, để đạt mục tiêu Ðề án 09 đề ra là đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% xóm trưởng là đảng viên và đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 đạt 75% bí thư chi bộ đồng thời là xóm trưởng, Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo các chi bộ lựa chọn, giới thiệu đảng viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, uy tín để giới thiệu ứng cử bầu xóm trưởng. Trường hợp không giới thiệu được đảng viên ra ứng cử xóm trưởng thì chi bộ phải giới thiệu quần chúng ưu tú có đủ các tiêu chuẩn để bầu xóm trưởng nhằm tạo nguồn phát triển Ðảng sau này. Ðồng thời, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo tốt việc tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, trong đó quan tâm đối tượng là xóm trưởng để đến cuối năm 2019, giảm tỷ lệ quần chúng làm xóm trưởng xuống dưới 25%; gắn với đó là xây dựng lộ trình, kế hoạch, từng bước nâng cao tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là xóm trưởng. Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo, trong đó quan tâm chỉ đạo thực hiện quy hoạch đội ngũ bí thư chi bộ, xóm trưởng, thường vụ các đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Bài và ảnh: Hoa Duy Châu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38270902-nghe-an-tang-ty-le-xom-truong-la-dang-vien.html