Nghề báo cho tôi sự trưởng thành

Có đam mê với nghề báo từ khi còn là học sinh phổ thông, thế nhưng con đường vào nghề báo với tôi lại khá vất vả, nhọc nhằn. Chính vì vậy khi được làm việc tại Báo Đồng Nai tôi cảm thấy đây chính là may mắn nhất của cuộc đời mình.

Đồng chí Trương Thị Mai, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải B Giải báo chí quốc gia năm 2016 cho nhà báo Công Nghĩa. Ảnh: C.NGHĨA

Năm 2005, tôi chân ướt chân ráo từ miền Bắc vào Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) học đại học, Báo Đồng Nai chính là một kênh thông tin quan trọng để tôi tìm hiểu thêm về mảnh đất Đồng Nai. Những số báo ngày đó đã cho tôi rất nhiều kiến thức và hiểu biết về tỉnh.

* Từ chiếc nắp cống trở thành phóng viên

Đọc Báo Đồng Nai ngay từ những ngày đầu trở thành công dân Đồng Nai đã giúp tôi có thêm nhiều thông tin về tỉnh. Những thông tin trên báo đều gần gũi với cuộc sống, và đó là lý do tôi mạnh dạn gửi bài cộng tác với Báo Đồng Nai. Tôi vẫn nhớ như in tác phẩm đầu tay của mình được đăng trên Báo Đồng Nai năm 2006 là tấm hình cũng những dòng chữ phản ánh về chiếc nắp hố ga thuộc KP.1 (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị mất, gây nguy hiểm cho người đi đường. Chỉ 1 ngày sau khi báo phản ánh thì một chiếc nắp cống mới đã được thay, điều đó khiến tôi nhận ra tiếng nói giá trị của tờ báo với cuộc sống.

Từ tác phẩm đầu tiên trên Báo Đồng Nai đã thôi thúc tôi tiếp tục “tập tành” với nghề báo bằng những tác phẩm tiếp theo, tất cả đều là những vấn đề không mang tính đao to búa lớn, tuy nhiên sau khi báo đăng các cơ quan chức năng đều cho khắc phục. Chẳng hạn như con hẻm trên đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) làm dở dang nhiều năm không xong, đá chảy xuống đường khiến nhiều người đi xe máy té ngã.

Cảm ơn nghề báo

Năm 2016 lần đầu tiên tôi được nhận giải B Giải báo chí quốc gia tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Khi tài xế taxi chở đến nơi nhận giải tôi sực nhận ra rằng, chiếc cột hiên khổng lồ của Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô chính là nơi những đêm đông cuối năm 2004 tôi đã từng trú rét trên đường đi nhặt ve chai kiếm tiền ôn thi vào đại học. Ngày đó tôi không thể tưởng tượng ra rằng, sẽ có ngày mình xuất hiện ở đây với vai trò là một nhà báo.

Cũng chính từ những tác phẩm đầu tiên đã giúp tôi có được cuộc hẹn cà phê với nhà báo Đinh Kim Tuấn, biên tập viên Tòa soạn Báo Đồng Nai, sau này là Trưởng ban Chính trị - văn hóa - xã hội và hiện là Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai. Sau cuộc gặp đó, tôi có nhiều cơ hội được thử sức với nghề báo chuyên nghiệp khi còn đang là sinh viên. Tôi vẫn còn nhớ những năm 2008-2009 khi Báo Đồng Nai tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng, tôi được “triệu tập” tham gia cùng các anh chị trong báo bằng những đầu việc “điếu đóm” như treo băng rôn, xếp ghế cho học sinh ngồi, cầm micro cho học sinh đặt câu hỏi, lúc rảnh thì tôi lại chụp ảnh, viết những câu chuyện bên lề chương trình...

Được tham gia các hoạt động của Báo Đồng Nai từ khi còn là sinh viên đã cho tôi cơ hội được hiểu hơn về những vất vả của nghề làm báo, đồng thời nuôi dưỡng đam mê với nghề. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh những ngày theo các anh chị đồng nghiệp như chị Thanh Thúy, anh Kim Tuấn, chị Nguyễn Phượng, chị Thu Trang tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh ở các huyện. Có khi phải chờ tới 9 giờ tối, khi bài vở đã được gửi về cơ quan thì lúc đó mới được đi ăn tối. Đến sáng hôm sau lại vội vàng sang huyện khác để tổ chức.

* Bước ngoặt cuộc đời

Năm 2009, dù đang là sinh viên nhưng tôi đã được mời về làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương mong ước. Thế nhưng vì đam mê làm báo, lại được nhà báo Kim Tuấn định hướng nên tôi quyết định xin nghỉ để trở về Báo Đồng Nai thực tập và khi tốt nghiệp đại học thì được Ban Biên tập Báo Đồng Nai tuyển dụng. Dù đã có thời gian học việc, thực tập khá dài nhưng áp lực của nghề báo vẫn luôn là nỗi ám ảnh với tôi trong những năm đầu. Nhiều lần tôi bước ra khỏi cơ quan với mồ hôi nhễ nhãi, đầu óc căng thẳng dù trời vẫn đang rất mát mẻ. Nhưng những điều đó đã khiến tôi trưởng thành hơn và luôn thầm nghĩ phải cảm ơn các anh chị đồng nghiệp đã tạo môi trường thử thách cho mình.

Nhà báo Công Nghĩa tác nghiệp tại Nhà giàn DK1 trên biển năm 2010

Hơn 17 năm kể từ ngày có duyên với Báo Đồng Nai, 13 năm được tuyển dụng chính thức tôi đã cảm nhận Báo Đồng Nai chính là nơi cho tôi sự trưởng thành. Những người nuôi dưỡng cho tôi sự trưởng thành ấy chính là các thế hệ ban biên tập, tòa soạn, trưởng ban và những đồng nghiệp trong và ngoài tờ báo. Trong ngần ấy năm, tôi đã được may mắn tin tưởng giao tuyên truyền nhiều sự kiện, trong đó có chuyến đi thăm Nhà giàn DK1 trên biển, khi đó tôi vẫn còn là phóng viên tập sự. Ngoài ra các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao của Trung ương về Đồng Nai, những sự kiện trọng đại của tỉnh tôi đều được tin tưởng giao trọng trách.

Trong rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ về nghề sau 17 năm có duyên với Báo Đồng Nai thì sự kiện được cử tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng năm 2021 tại Hà Nội đã cho tôi nhiều kinh nghiệm. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, chính vì vậy từ Ban Biên tập, tòa soạn và trưởng ban dù tin tưởng giao nhiệm vụ nhưng vẫn khá lo lắng. Những ngày diễn ra Đại hội XIII cũng chính là những ngày tác nghiệp áp lực nhất mà tôi từng trải trong 17 năm gắn bó với nghề. Điều may mắn là dù lần đầu được cử đi tuyên truyền ở một sự kiện quan trọng đặc biệt nhưng tôi đã được đánh giá làm tốt nhiệm vụ được giao.

Được trở thành một phóng viên của Báo Đồng Nai tất nhiên không chỉ có khó khăn, vất vả, áp lực mà còn có cả hạnh phúc với nghề nhờ tình yêu nghề và tin thần cống hiến. Đến nay tôi đã có được khá nhiều giải thưởng về báo chí, trong đó có 2 lần được vào chung khảo Giải báo chí quốc gia với 1 giải B. Hay cùng với đồng nghiệp giành nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có giải B Giải báo chí Búa liềm vàng. Năm 2020 lần đầu tôi được UBND tỉnh xét tặng giải B Giải thưởng Dương Tử Giang dành cho những nhà báo xuất sắc tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2015-2020).

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/nghe-bao-cho-toi-su-truong-thanh-3169077/