Nghề báo thời... cam khó

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho nhiều ngành nghề trong đó có báo chí trở nên lao đao.

Đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến đội ngũ phóng viên, nhà báo. Ảnh minh họa

Nhiều cơ quan báo chí luôn ở trong tình trạng sụt giảm doanh thu. Bài toán kinh tế báo chí đang thực sự khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đội ngũ những người làm báo.

Sụt giảm doanh thu

Tại Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023 được tổ chức vào cuối tháng 2/2023, đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Song, nghịch lý là, doanh thu báo chí lại ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên.

Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng). Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Thống kê đến tháng 7/2022, sau dịch Covid-19, lượng truy cập vào các báo điện tử đã có xu hướng tăng so với tháng 6/2022. Cụ thể: Báo Lao động tăng 16,23%, Báo điện tử Thanh niên tăng 11,2%, Báo điện tử VietNamNet tăng 5,81%, Báo điện tử VnExpress tăng 3,22%, Báo điện tử Dân trí tăng 2,34%, Báo điện tử Tuổi trẻ tăng 1,97% và Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến tăng 0,53%.

Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình thì nguồn thu vẫn dựa khá nhiều vào quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.

Đơn vị đầu tiên triển khai thu phí nội dung là Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam (năm 2018). Tuy nhiên, dự báo doanh thu từ độc giả chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn thu của báo. Tại Việt Nam, bên cạnh Báo điện tử VietnamPlus, hiện có 4 cơ quan báo chí triển khai thu phí gồm: Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022).

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, cần có thêm thời gian để trở nên phổ biến hơn.

Theo đại diện Cục Báo chí, đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm lộ rõ và trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí. Những tác động trên đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn.

Chia sẻ về nội dung xoay quanh kinh tế báo chí trong năm 2020, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí nhận định, hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ đến mức báo chí không còn nguồn thu.

Nhiều tờ báo, đặc biệt là tờ báo không có bao cấp có nguy cơ tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác, hoạt động ngoài mặt báo... dẫn đến có không ít cơ quan báo chí coi việc câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.

Có những hoạt động “thúc ép” doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn, khiến môi trường kinh doanh đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Bị “mắc kẹt” trong cái bẫy “hợp đồng truyền thông” như vậy, báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả.

Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023 tổ chức hồi tháng 2/2023.

Thay đổi để vượt khó

Chị P.A. hiện đang công tác tại một tòa soạn báo có trụ sở ở Hà Nội. Theo chị A. trong thời gian bùng dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế xã hội đình trệ dẫn đến nguồn thu của tòa soạn nơi chị đang làm việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong giai đoạn đó, mặc dù khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, thường xuyên phải di chuyển để theo dấu các “ổ dịch” Covid-19 nhưng thu nhập của chị không những không tăng thêm mà còn bị giảm đi so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. “Nguyên nhân được lãnh đạo tòa soạn thông báo do dịch bệnh dẫn đến nguồn thu của báo bị ảnh hưởng và cán bộ, phóng viên, nhà báo công tác tại tòa soạn đều bị cắt giảm tiền nhuận bút”, chị A. cho biết.

Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp bắt tay vào giai đoạn tái phục hồi nên nhiều hợp đồng truyền thông với các đối tác trước đó bị cắt hoặc bị hoãn lại do yêu cầu từ phía đơn vị. Chị A. nhớ lại rằng, có thời điểm lương và nhuận bút nhận được không đủ để trang trải sinh hoạt.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, bên cạnh công việc tại tòa soạn, chị A. phải tận dụng thêm thời gian rảnh rỗi vào mỗi buổi tối để viết content cho một doanh nghiệp và bán thực phẩm online trên mạng xã hội.

“Tòa chung cư nơi gia đình tôi sinh sống có nhu cầu rất lớn về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sạch. Do đặc thù công việc thường làm việc trên mạng, “lê la” trong các hội nhóm dân cư để tìm nguồn tư liệu viết bài nên tôi nắm được mặt hàng rau củ, thực phẩm sạch thường rất đắt hàng. Thế nên, một mặt tôi đăng bài phân phối sản phẩm cho một công ty thực phẩm, mặt khác lại xem ở quê có rau củ sạch nào và bán trên nhóm chợ dân cư”, chị A. chia sẻ.

Theo chị A., công việc tuy có vất vả hơn nhưng đổi lại kinh tế gia đình chị được đảm bảo và có phần tăng lên so với thời điểm trước dịch bệnh. Hiện tại, do đã bắt nhịp được với cường độ làm việc cao nên chị A. vẫn song song công việc của một phóng viên và kiếm thêm thu nhập bằng việc bán hàng online.

Nhà báo L.T. hiện cũng đang công tác tại một tòa soạn báo ở Hà Nội. Anh T. chia sẻ rằng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và dịch bệnh dẫn đến tòa soạn nơi anh đang làm việc cơ cấu lại tổ chức và nhân sự nên thu nhập hiện tại của anh chỉ bằng 1/3 so với trước.

Bên cạnh đó, hợp đồng truyền thông được anh T. ký với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trước đó cũng bị hủy ngang vì lý do là trùng hợp đồng truyền thông sau khi sáp nhập. Cụ thể, trước khi được sáp nhập, tờ báo cũ của anh T. và một tờ báo khác cùng ký hợp động truyền thông với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi được quy hoạch và sáp nhập với chính tờ báo kia dẫn đến một bên phải hủy hợp đồng truyền thông do doanh nghiệp không thể ký 2 hợp đồng với một tờ báo.

Những nguyên do khách quan khiến thu nhập từ hoạt động báo chí của anh T. không còn được “vững” như trước nữa. Vừa muốn gắn bó với nghề báo nhưng vừa muốn đảm bảo kinh tế gia đình nên ngoài thời gian hoạt động báo chí, anh T. cũng tìm cách cải thiện thu nhập bằng việc nhận làm nhân viên truyền thông cho một công ty điện tử.

“Báo chí và truyền thông có quan hệ mật thiết với nhau nên tôi bắt kịp khá nhanh. Phải làm cùng lúc 2 công việc với 2 vai trò khác nhau tuy rằng có mệt nhưng ngược lại thu nhập được đảm bảo và được tiếp tục gắn bó với nghề báo nên tôi thấy đáng để đánh đổi”, anh T. chia sẻ.

Giải pháp nào vực dậy?

Tại Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023, Đại diện Cục Báo chí cho biết, các cơ quan báo chí cơ bản đã chủ động trong thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng khó khăn về nguồn kinh phí, nhất là các cơ quan báo chí tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của cơ quan chủ quản về nguồn lực cho cơ quan báo chí hoạt động chưa đồng đều, có nhiều hạn chế...

Phân tích tình hình thực tế báo chí hiện nay, Cục Báo chí đã đưa ra 6 giải pháp trong việc triển khai kinh tế báo chí: Một là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm phát triển báo chí “chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ba là, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí theo tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025. Cơ quan chủ quản xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; quan tâm, tạo cơ chế, giao nguồn lực để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, trong các hoạt động kinh tế báo chí. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí, tăng cường bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.

Năm là, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí. Tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đẩy mạnh phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn.

Sáu là, các cơ quan báo chí đổi mới nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, kinh tế báo chí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao, thường xuyên đổi mới sản xuất theo xu hướng báo chí số với mục tiêu lấy “bạn đọc là trung tâm”. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện nay, Việt Nam hiện có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí. Trong đó, hiện có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Trong 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực này có 15 cơ quan báo chí gồm 11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC được giữ nguyên về số lượng, đầu tư để phát triển mạnh theo hướng dẫn dắt, định hướng.

Ngoài 6 cơ quan chủ lực, nước ta hiện sở hữu 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Về nhân sự, hiện tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là 42.400 người, trong đó báo in và điện tử 24.000 người.

Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-bao-thoi-cam-kho-post643671.html