Nghề báo và những chuyến đi mang trăn trở, nặng nỗi niềm

Tôi từng nghe một nhà báo lão thành có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, nghề báo nhọc nhằn nhưng vinh quang. Được đi, được ăn, được nói và hiếm có nghề nào, người theo nghề lại được biết nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người như vậy.

Các hộ dân Phong Dụ Thượng nhận hỗ trợ. Ảnh: LP

Các hộ dân Phong Dụ Thượng nhận hỗ trợ. Ảnh: LP

Nhưng, không dấn thân, không yêu nghề, không bản lĩnh thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, khó thành công, rất dễ sa ngã và dễ tự đánh mất mình. Bởi, người làm báo cũng như 1 chiến sĩ, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, luôn phải đối mặt với nhiều thử thách, cám dỗ bủa vây, những thật - giả giữa những người làm báo thực thụ và người lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi… Đó là nỗi ám ảnh, những trăn trở của người làm báo.

Hơn 16 năm gắn bó với nghề, thời gian không nhiều, cũng không ít nhưng cũng giúp tôi hiểu rằng, công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những chuyến đi, những trải nghiệm mà ở đó có rất nhiều những kỷ niệm buồn vui mãi mãi không thể nào quên...

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, khi mới vào nghề, tôi nhìn bằng đôi mắt ngây thơ và toàn hoa hồng nhưng khi dấn thân vào nghề mới thấy nghề đã cho tôi nhiều trải nghiệm với đầy đủ hỉ, nộ, ái ố. Cũng có lúc muốn đổi nghề, nhưng rồi nghề vẫn chọn tôi.

Đầu tiên phải kể đến là những chuyến đi công tác nhớ đời. Khi mới chập chững vào nghề, tôi đã chọn điểm đầu tiên đặt chân đến là Yên Bái - tỉnh miền núi phía Bắc. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi phải tìm hiểu rất nhiều, kể cả các anh chị là phóng viên có nhiều kinh nghiệm đi công tác miền núi ở cơ quan như anh Trần Đắc Xuyên (nay là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra), anh Phạm Hoàng Long (đã chuyển công tác đến cơ quan khác). Với tất cả tình cảm và kinh nghiệm có sẵn, các anh chị đã hướng dẫn cụ thể trong tác nghiệp thì nên thế nào, nên đến địa điểm nào, kể cả việc nhỏ nhặt như nhắc nhở nhớ mang theo quần áo dài tay để mặc khi ngủ để tránh bị ngứa, hay việc xả nước ở vòi 1 lúc trước khi sử dụng vì nước đầu vòi có thể bị nhiễm sắt hoặc đá vôi…

Dù có sự chuẩn bị chu đáo nhưng thực tế lại không như mình nghĩ! Chặng đường từ trung tâm thành phố về các xã, các huyện đều là những cung đường đồi núi quanh co, gấp khúc không hề phù hợp với 1 cô gái vừa mới ra trường lại có tật say xe. Thời đó, chỉ cần nghĩ đến phải đi xe ô tô và nhìn thấy ô tô, là tôi có thể “phun” bằng hết. 5 ngày “vật lộn” với cung đường đồi núi, đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc... Nhưng rồi với sự quyết tâm của bản thân, sự động viên của các anh chị đồng nghiệp cùng cán bộ Thanh tra tỉnh Yên Bái lúc bấy giờ là ông Đồng Quang Hưng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh (sau là Chánh Thanh tra, nay đã nghỉ hưu), tôi cũng hoàn thành chuyến công tác với loạt bài: "Chờ sự hồi sinh sau lũ ở thị tứ Ngã Ba - xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn" và "Phong Dụ Thượng thoát nghèo nhờ thanh tra"…

Điểm đầu tiên trong chuyến công tác này, tôi đã chọn về thị tứ Ngã Ba - xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn - nơi cơn lũ lịch sử số 7 càn quét vào cuối tháng 9/2005 gây sạt lở khiến cả thị tứ bị san phẳng bởi cát, đá. Hàng chục héc-ta lúa, hàng trăm con trâu, bò, lợn, gà đã bị lũ cuốn. 60 hộ dân bị lũ cuốn hoàn toàn nhà và tài sản, hàng trăm hộ dân khác bị sập, ngập nhà, hư hỏng tài sản… Người dân Cát Thịnh cho biết, ngay cả trận lũ năm 1971 nước cũng không dâng cao bằng trận lũ này.

Chỉ khoảng hơn 60km, nhưng chúng tôi đã phải vượt qua hàng trăm điểm sạt lở, kể cả đi bộ mất gần 8h đồng hồ mới có mặt tại thị tứ Ngã Ba, xã Cát Thịnh, nơi nước lũ gây ra những thiệt hại thảm khốc nhất của tỉnh Yên Bái. Chứng kiến cảnh tượng đổ nát sau lũ, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi thị tứ sầm uất là thế mà cảnh tượng hết sức hoang tàn. Tận mắt nhìn thấy người dân với khuôn mặt đau khổ, ngơ ngác vì mất người thân, mất nhà cửa, mất tài sản, tôi hiểu rằng, chuyến đi tuy có vất vả nhưng đã mở cho tôi nhiều điều mới mẻ. Tôi học được cách chia sẻ, biết yêu thương nhiều hơn và không bỏ cuộc trước bất cứ khó khăn nào.

Cũng trong chuyến công tác này, tôi còn có cơ hội được các anh chị Thanh tra tỉnh Yên Bái đưa về thăm Phong Dụ Thượng - xã vùng xa, vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên – đơn vị Thanh tra tỉnh Yên Bái đỡ đầu. Theo giới thiệu của cán bộ Thanh tra tỉnh, Phong Dụ Thượng cách trung tâm TP khoảng gần 70km. Nếu đi vào mùa khô thì mất khoảng từ 2 - 3 giờ đồng hồ, nhưng đi vào mùa mưa thì nhanh cũng phải nửa ngày mới tới. Không may cho tôi, chuyến đi này lại đúng vào mùa mưa. Để đến đích, chúng tôi vượt qua rất nhiều cung đường ngoằn ngoèo, ổ trâu, ổ voi, có lúc mọi người phải xuống đi bộ vì bùn lầy xe không chạy được, thậm chí còn phải hỗ trợ đẩy xe phía sau để vượt bùn lầy.

Và rồi, khởi hành từ lúc 4h30 nhưng gần 13h30 đoàn chúng tôi mới đặt chân đến trụ sở UBND xã Phong Dụ Thượng. Điều ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Phong Dụ Thượng là lòng mến khách của người dân nơi đây. Biết có đoàn công tác về, hàng trăm người dân Phong Dụ Thượng đã có mặt ở trụ sở UBND xã từ rất sớm và chờ đến khi gặp được khách chỉ cần nở 1 nụ cười, chào hỏi 1 câu cũng làm họ thấy vui và phấn khởi hơn. Bởi đây là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn, nên việc giao lưu văn hóa, kinh tế còn hạn chế.

14 năm nay, dù chưa có dịp được trở lại Phong Dụ Thượng nhưng tôi thường xuyên hỏi thăm. Mừng là thông tin từ đồng nghiệp cho biết, Phong Dụ Thượng đã thay da đổi thịt. Từ chỗ chỉ canh tác 1 vụ, đến nay 100% diện tích lúa nước đã được cấy 2 vụ bằng giống lúa năng suất cao; diện tích ngô hè - thu tăng nhanh với hàng trăm héc-ta. Bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm các loại. Cùng với đó, người dân còn mạnh dạn trồng nhiều quế, bồ đề, keo... đến nay, toàn xã đã có hàng nghìn héc ta quế, mỗi héc ta quế bán rẻ cũng được vài trăm triệu đồng. Nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Vất vả, gian nan và mệt nhọc là vậy nhưng nghề báo cho tôi nhiều thứ, thậm chí nhiều hơn cả mong đợi. Bởi, nghề cho tôi được đi đến nhiều nơi mà nếu không làm báo thì tôi không được biết; cho tôi nhiều mối quan hệ, những người bạn thân thiết nếu chỉ ngồi một chỗ thì sẽ không bao giờ có. Và đặc biệt, cũng nhờ chuyến đi công tác miền núi này mà nỗi lo say xe của tôi cũng được chấm dứt. Và sẽ thiệt thòi biết bao khi không có những chuyến công tác xa nhà như thế này.

Còn rất nhiều, rất nhiều những chuyến đi để lại ấn tượng đặc biệt, trăn trở trong tôi, nhưng trong khuôn khổ một bài viết, tác giả không thể nào kể hết. Bởi, mỗi chuyến đi, mỗi lần gặp gỡ có được trong nghề là những niềm trăn trở. Sau mỗi chuyến đi là những bài báo được đăng, cũng cảm thấy mình có ích vì đưa được thông tin đến với bạn đọc không chỉ một người mà đến với hàng trăm triệu người. Trăn trở của nhà báo sẽ sinh ra niềm vui và niềm vui sẽ giúp nhà báo tìm ra nhiều trăn trở. Để rồi, những chuyến đi của nghề sẽ là những chuyến du lịch thú vị nhưng đầy trăn trở, nặng nỗi niềm.

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/nghe-bao-va-nhung-chuyen-di-mang-tran-tro-nang-noi-niem_t114c7n150265