Nghề báo với những niềm vui và khó khăn

Mỗi người với mỗi ngành nghề khác nhau và không ai có thể lựa chọn cho bản thân mình một việc làm như ý vì khi tốt nghiệp đại học chuyên môn này nhưng lại làm ở một lĩnh vực nghề nghiệp khác hoàn toàn trái ngành mình đã học và dù có hay không 'nghề chọn mình hay mình chọn nghề' thì có việc làm ổn định giúp ích cho xã hội đều là việc làm tốt. Riêng với tôi ngay từ thuở nhỏ hình ảnh những cô giáo đứng trên bục giảng đã ăn sâu vào tâm trí và tôi luôn ao ước lớn lên mình sẽ trở thành một cô giáo dạy văn nhưng khi bước vào chuyên ngành văn thì tôi lại thích sự năng động, nhanh nhẹn của các cô gái làm nghề phóng viên. Thế nên, sau khi tốt nghiệp đại học tôi đã xin làm ở cơ quan báo chí.

Nhà báo nữ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ_nguồn: hcmussh.edu.vn.

Nhà báo nữ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ_nguồn: hcmussh.edu.vn.

Cũng như bao bạn trẻ khác lúc mới đi làm tôi gặp rất nhiều khó khăn khi đến với nghề mà mình đã chọn, với các bạn nam thì nghề báo có lẽ dễ dàng hơn trong việc tác nghiệp, còn nữ đôi khi có nhiều hạn chế trong tác nghiệp nhưng nam, nữ gì đều có ưu điểm của riêng mình. Trong suốt những năm làm báo tôi có nhiều kỷ niệm không thể quên kể cả chuyện vui lẫn chuyện buồn quanh chuyện nghề và chuyện làm tôi nhớ nhất khi mới viết bài viết đầu tiên là về những người bị nhiễm HIV, được quản lý phòng phân công gặp gỡ câu lạc bộ toàn các bệnh nhân bị nhiễm HIV, dù biết rằng tiếp xúc hay giao tiếp người bệnh kể cả ăn uống chung cũng không thể nhiễm bệnh từ họ nhưng tôi luôn cảm giác lo lắng khi nhìn thấy vài thanh niên trong câu lạc bộ có nhiều hình xăm họa tiết trên cánh tay khá dị thường. Riêng các chị thì xinh tươi khỏe mạnh, tuy nhiên cả câu lạc bộ rất niềm nở chào đón, đã giúp tâm trạng tôi thoải mái hơn.

Ngồi trò chuyện cùng các anh chị trong câu lạc bộ, đôi lúc bất chợt tôi nhìn sang các anh, giọng tôi cứ run run vì sợ, có lẽ hiểu được tâm trạng của “lính mới” như tôi, chị trưởng nhóm câu lạc bộ động viên: “Em cứ yên tâm thấy các anh ấy vậy chứ họ hiền lắm, tất cả họ đều hoàn lương hết rồi và cuộc sống rất ổn định, hằng tháng đều tham gia sinh hoạt nhóm đầy đủ, rất tích cực trong công tác tuyên truyền vận động các đối tượng nghiện từ bỏ ma túy hay đi thu gom kim tiêm ống chích...”. Nhờ câu nói động viên đó mà suốt buổi trò chuyện với gần 10 thành viên của câu lạc bộ tôi không còn cảm giác sợ và những câu chuyện trở nên rôm rả hơn, khi được họ tâm sự cho tôi nghe về hoàn cảnh mà họ bị lây bệnh, về những cố gắng, khó khăn để họ vượt qua căn bệnh thế kỷ này và giờ đây họ là những con người truyền cảm hứng cho những người đang sống chung với HIV trong cộng đồng, họ hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng tránh lây nhiễm căn bệnh HIV...

Một lần khác, tôi đi tác nghiệp ở xã vùng sâu, vùng xa được chủ nhà đãi bữa cơm làm tôi nhớ mãi vì chưa bao giờ được chủ nhà đãi món ăn đặc biệt đó (theo tôi nó khác lạ bởi chưa từng ăn qua), bởi người dân sống vùng sâu vùng xa, thường họ rất ít đi chợ do nguồn cá đồng khá nhiều nên họ sẽ bắt cá trên các con kênh, rạch trước nhà, khách tới nhà có món gì họ đãi món đấy. Vì vậy, khi tôi ghé nhà họ tìm hiểu để viết bài về đề tài “Cuộc sống gia đình”, chú chủ nhà nhiệt tình đón tiếp và trả lời rành mạch từng câu hỏi của tôi, xong buổi trò chuyện, chủ nhà nhiệt tình giữ tôi lại dùng cơm trưa. Chú chủ nhà chạy nhanh ra chiếc khạp da bò sau hè, bắt lên 1 con cá lóc khoảng chừng 300 gram và 2 con rắn trun, rồi ông nhanh chóng đi làm cá, làm rắn. Trong vòng 20 phút món ăn đã được dọn lên là tô canh cá lóc luộc mẻ kèm thêm vài cọng rau cần tàu cho thơm và món rắn nướng, nhìn tô canh thấy lạ vì chỉ có cá, tôi ngán ngại chẳng dám ăn và khi nhìn 2 con rắn càng sợ hơn nhưng chủ nhà lại tiếp tục mời nhiệt tình dùng thử canh cho biết, vượt qua nỗi sợ, tôi chan thử một ít nước canh cá vào chén cơm ăn thấy rất ngon, mùi cá đồng thơm lừng, nước canh mẻ ngọt dịu thanh - một mùi vị mà tôi nhớ tới tận bây giờ.

Mặc dù nghề báo đi nhiều thì cũng nhiều niềm vui nhưng nỗi vất vả không kém, nhất là phụ nữ những lần đi tác nghiệp tại các huyện xa phải thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị mọi thứ mà đó là việc thường xuyên; tuy đường xá bây giờ đi lại cũng đỡ vất vả hơn khi đường giao thông được nối liền mạch liên ấp, liên xã nhưng đôi khi đến các hộ xa phải cuốc bộ hàng vài kilômét hay phải chạy xe qua những đoạn đường đất sình lầy là chuyện thường ngày, chưa kể tới nhà tìm nhân vật họ đi làm đồng, đi rẫy phải ra tận ruộng, rẫy phỏng vấn dù lúc ấy mặt trời đứng bóng, ánh nắng gay gắt chiếu xuống làn da.

Hay mùa mưa như thời điểm hiện nay, đang lúc chạy trên đường mưa xối xả chẳng kịp mặc áo mưa, chịu lạnh chạy về tới nhà cách vài chục kilômét. Có lẽ nhà báo nữ có một vài ưu thế để tác nghiệp hơn nhà báo nam, nhưng cũng có nhiều khó khăn, trở ngại như: Thể lực hạn chế, dễ đuối sức khi thường xuyên phải di chuyển trên các con đường quê vắng lặng vào những tháng mùa mưa, nắng cùng với máy ảnh và các thiết bị tác nghiệp trên tay.

Nhiều năm với nghề báo, tôi nhận thấy nghề báo là một nghề cao quý nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt và sự khắc nghiệt ấy càng nhiều hơn khi những người theo nghiệp báo lại là chị em phụ nữ. Để theo được nghề và đạt được những thành công, với tôi là phải thực sự tâm huyết với nghề để bước qua tất cả những rào cản thực hiện được ước mơ hoàn thành trách nhiệm truyền tải thông tin đến với độc giả, với xã hội và gia đình; điều quan trọng là người làm báo rất cần đến sự đồng cảm, chia sẻ của đồng nghiệp, gia đình và xã hội.

Trương Liễu

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/nghe-bao-voi-nhung-niem-vui-va-kho-khan-n57553.html