Nghề chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cần một chức danh

Trong thời gian gần đây số vụ trẻ em bị ngược đãi bạo hành, lạm dụng sức lao động tăng nhanh cho thấy công tác bảo vệ trẻ em chưa phát huy được hết vai trò của mình. Sở dĩ có thực trạng trên vì hiện nay đa phần cán bộ chăm sóc trẻ em chỉ là kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản và không có chức danh.

Cán bộ chăm sóc trẻ em: Thiếu và yếu Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH năm 2008 số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.641.656 em, chiếm 6,55% tổng số trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu tính cả 4 nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác (trẻ em bị buôn bán, bắt cóc; trẻ em bị ngược đãi, bạo lực; trẻ em sống trong gia đình nghèo và trẻ em bị tai nạn thương tích thì tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.697.242 em, chiếm 20,31% tổng số trẻ em dưới 6 tuổi. So sánh giữa số lượng cán bộ BVCSTE ở cơ sở với số trẻ em thì 1 cán bộ phải chăm sóc cho 470 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (chưa kể là phải chăm lo cho số lượng trẻ khác... Thực tế, ở một số địa phương xảy ra tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, ép làm việc khi chưa đến tuổi...đều do người dân phát giác, chứ không phải do cán bộ làm công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em ( BVCSTE) ở cơ sở phát hiện. Điều này cho thấy đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE hiện nay ở nước ta rất thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Theo TS. Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, công tác xã hội hiện nay đã trở thành một ngành chuyên nghiệp trên thế giới. Các ngành này được các trường đại học hàng đầu trên thế giới đào tạo với số lượng sinh viên khá lớn, hầu hết sau khi ra trường đều có thể làm việc độc lập, và có kiến thức đa ngành nghề, phục vụ trong các cơ quan, tổ chức xã hội như: Công an, tòa án, bệnh viện, cơ quan quản lý nhà nước và các trung tâm công tác xã hội tại cộng đồng. Vì thế, vị thế của ngành học này ngày càng được các nước quan tâm và đầu tư nhiều về hệ thống, cơ sở vật chất cũng như các giáo trình, giáo án và các chính sách khác liên quan. Ở nước ta, ngành công tác xã hội còn khá mới mẻ, các trường đào tạo chuyên ngành này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết sinh viên làm trái với ngành, nghề mình học. Ngoài ra, các trường cũng chưa xác định được nhu cầu của xã hội để đào tạo; các chương trình, nội dung đào tạo chưa bám sát với thực tế... Bên cạnh đó, hệ thống ngành công tác xã hội cũng chưa được hoàn thiện về pháp lý, chức danh. Hiện nay, tại các xã/phường trong cả nước có khoảng 9.974 cán bộ làm công tác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE), còn lại hầu hết do cán bộ lao động - xã hội, cán bộ văn hóa xã hội, cán bộ dân số kiêm nhiệm. 70% cán bộ chăm sóc trẻ em đã qua đào tạo Từ thực trạng trên cho thấy, việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến năm 2020, cả nước sẽ cần khoảng 50 ngàn cán bộ làm công tác xã hội có trình độ từ trung cấp, cao đẳng và đại học và kể cả bán chuyên nghiệp. Mới đây, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai chiến lược phát triển đến năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2009 - 2010. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Hội đặt ra cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, Hội sẽ xây dựng đội ngũ cộng tác viên được tập huấn các phương pháp tiếp cận và kỹ năng để can thiệp các trường hợp có nguy cơ tổn thương, đến năm 2020, 70% cán bộ chăm sóc trẻ em đã qua đào tạo.. Ngoài ra, Bộ LĐTB &XH phối hợp tổ chức nghiên cứu, thu thập và phân tích thông tin từ các tổ chức, cá nhân, từ đó xác định và giải quyết những vấn đề còn tồn tại hoặc mới nảy sinh. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Nguyễn Hữu Huân cho biết; Đề án phát triển công tác xã hội - chuyên ngành BVCSTE từ trung cấp, cao đẳng và đại học được Bộ LĐ - TB & XH xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất thành lập Hiệp hội công tác xã hội; kiến nghị Chính phủ công nhận ngành công tác xã hội - chuyên ngành bảo vệ, chăm sóc trẻ em để xây dựng mã ngành, mã nghề cũng như chức danh, vị trí cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuấn Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=19660