'Nghe dân cần phải nghe cả lời chân thành lẫn lời bực dọc'

Đó là lời nhắn nhủ của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với 322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM trong buổi gặp gỡ, đối thoại sáng 18-1.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đội ngũ những người đứng đầu chính quyền cơ sở ngày càng trẻ hóa, bản lĩnh, tự tin, có trách nhiệm và tràn đầy khát vọng cống hiến. Họ mặc dù chịu nhiều áp lực nhưng đã nỗ lực và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa địa phương mình ngày càng phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: TÁ LÂM

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: TÁ LÂM

Trong năm 2020, ông Phong yêu cầu quận, huyện và đặc biệt là các phường, xã, thị trấn có các hoạt động xuyên suốt bám sát chủ đề năm về đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó cần chú trọng cải thiện văn hóa công sở, văn hóa gia đình và văn hóa doanh nghiệp.

“Cán bộ, công chức, viên chức cần cải thiện văn hóa tiếp công dân. Khi lắng nghe dân cần lắng nghe nhiều chiều, cả lời chân thành, cả lời bực dọc của dân” - ông Phong nói và cho rằng đó chính là chìa khóa, sức mạnh trong quản lý, lãnh đạo.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng cần xem khó khăn của người dân như chính khó khăn của mình, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho cải cách hành chính. “Những chủ trương, chính sách đề ra phải trên cơ sở nguyện vọng của người dân thì chính sách đi vào cuộc sống rất nhanh, phát huy kết quả” - ông Phong nói.

Dành những lời nhắn nhủ đến 322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, ông Nguyễn Thành Phong cũng mong muốn họ phải có ý thức không ngừng đổi mới sáng tạo. “Những gì học ở trường đại học chỉ cho mình phương pháp, đừng bao giờ tự cho mình đã hoàn thiện. Phải trau dồi thêm kiến thức vì có thể trong số 322 lãnh đạo cấp phường ngồi đây sẽ có người sau này làm lãnh đạo TP” - ông Phong nói và dẫn chứng như Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng từng là chủ tịch phường.

Điều mà ông Phong muốn ở các vị chủ tịch phường, xã là không quên học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Trước mắt trong năm nay, Học viện Cán bộ TP và Sở GD&ĐT sẽ tổ chức cho tất cả cán bộ (trước hết là cấp phó giám đốc, cấp phòng ở các sở, ngành và lãnh đạo quận, huyện) thông thạo tiếng Anh.

“TP.HCM chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, để 2-3 năm sau lãnh đạo sở, ngành đi công tác ở nước ngoài không cần phiên dịch. TP là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà lãnh đạo sở đi làm việc vẫn cần phiên dịch thì… lãnh đạo đó không còn phù hợp nữa” - ông Phong nói.

322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn tại buổi gặp. Ảnh: TÁ LÂM

Trước đó, nhiều chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã nêu nhiều vấn đề lớn như rác thải, ô nhiễm môi trường, camera an ninh trật tự, quản lý chung cư, nhất là chung cư có người nước ngoài sinh sống.

Bà Dương Thị Cẩm Hồng, Chủ tịch UBND phường Tân Phú (quận 7), cho biết trên địa bàn phường có khoảng 5.000 cư dân là người nước ngoài, trong đó hầu hết thuộc diện tạm trú.

Theo bà Hồng, công tác quản lý người nước ngoài gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là bất đồng ngôn ngữ. “Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi cán bộ cơ sở tiếp cận cư dân nước ngoài. Hiện nay, phường chúng tôi ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công an có khả năng giao tiếp tiếng nước ngoài” - bà Hồng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Thảo Điền (quận 2), cũng cho biết một số quy định ra vào chung cư cũng là nguyên nhân khiến quản lý người nước ngoài sinh sống trong chung cư gặp khó khăn.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nghe-dan-can-phai-nghe-ca-loi-chan-thanh-lan-loi-buc-doc-884605.html