Nghề dệt thổ cẩm Lào ở Mường Và

Nhiều năm qua, phụ nữ dân tộc Lào ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, duy trì, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, thêu, may trang phục truyền thống, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Truyền dạy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào dân tộc Lào, bản Mường Và, xã Mường Và.

Ðến những bản có đồng bào dân tộc Lào sinh sống ở xã Mường Và, được chứng kiến các bà, các chị miệt mài bên khung cửi, dệt những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo riêng có. Những tấm vải thổ cẩm đa dạng, phong phú về màu sắc, hoa văn, họa tiết đối xứng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp của cuộc sống, thiên nhiên, triết lý âm dương, ngũ hành, đời sống tâm linh…

Bà Lường Thị Chiêng, bản Mường Và, cho biết: Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với tôi hơn 40 năm nay. Từ nhỏ tôi được các bà, các mẹ chỉ cho cách dệt các mẫu đơn giản, từng bước thành thạo nghề. Theo truyền thống, trang phục của bà con dân tộc Lào được may bằng vải làm từ sợi bông, tơ tằm, sợi được nhuộm màu tự nhiên từ cây chàm, củ nâu, cây dương xỉ, củ nghệ vàng... với nhiều hoa văn, họa tiết. Để tạo được một tấm thổ cẩm đẹp, phải kỳ công, tỉ mỉ và sáng tạo của người thợ dệt.

Có được những tấm vải thổ cẩm Lào phải trải qua nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, họa tiết, hoa văn đến chọn sợi, nhuộm màu... tất cả được thực hiện chỉ bằng những công cụ kéo sợi, khung cửi dệt vải thô sơ bằng gỗ, tre. Đồng bào dân tộc Lào thường dệt hoặc thêu nhiều loại hoa văn lên vải thổ cẩm, dùng làm áo, váy, khăn cài chéo. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm Lào là nét tinh hoa văn hóa dân gian được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời, phổ biến nhất là hoa văn, họa tiết cách điệu hình con rồng hai đầu, con chim công hai đầu, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, cây cối, hình chùa tháp nhiều tầng, hình người cưỡi voi… Ngày nay, thế hệ trẻ trong bản đã phát triển thêm nhiều loại hoa văn, họa tiết thêu trên vải thổ cẩm, hoặc dệt tay, gồm các loại hoa lá, cây cỏ, muông thú trong tự nhiên, làm phong phú, đặc sắc hơn hình tượng trên nền vải dệt.

Bà Lò Thị Bun Chăn (ngoài cùng bên phải), bản Mường Và, xã Mường Và, hướng dẫn con, cháu se sợi dệt vải truyền thống.

Là một trong những người trẻ được truyền nghề và thạo nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Và, chị Lò Thị Vân chia sẻ: Lúc nhỏ tôi đã được mẹ dạy cho nghề dệt thổ cẩm. Khi về nhà chồng, tôi được mẹ chồng truyền dạy thêm cách dệt các hoa văn mới, đẹp và khó hơn. Tôi luôn cố gắng học hỏi, xem đây là nghề truyền thống của gia đình. Thổ cẩm Lào dệt thủ công được nhiều người ưa chuộng, sản phẩm thổ cẩm của gia đình tôi được trưng bày và bán tại các cửa hàng lưu niệm ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào.

Thực hiện dự án hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống dân tộc thuộc Đề án “Phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”, xã Mường Và đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ giữ nghề, nhân rộng để nghề dệt thổ cẩm phát triển. Đồng thời, vận động thành lập HTX phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Ông Lò Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Ngoài giữ nghề dệt thổ cẩm và may áo, váy, khăn, thời gian tới, xã vận động những người có kinh nghiệm làm các sản phẩm thổ cẩm Lào tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, thêu khăn của dân tộc Lào theo hình thức cầm tay chỉ việc. Đồng thời, xây dựng, nghiên cứu làm các mẫu đồ lưu niệm đặc sắc từ thổ cẩm Lào, như quần áo, khăn, túi, ví đựng đồ của phụ nữ..., giúp các sản phẩm trở thành hàng hóa, có giá trị về kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho bà con và phục vụ du lịch nông thôn.

Vải dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Lào xã Mường Và được nhiều người ưa chuộng.

Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng nghề dệt vải thổ cẩm, may trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lào nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc, sản phẩm thổ cẩm được nhiều người biết đến, góp phần giữ gìn nghề dệt truyền thống.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Lào xã Mường Và được dệt thủ công với nhiều họa tiết, hoa văn đặc trưng.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nghe-det-tho-cam-lao-o-muong-va-2aIoDmoIg.html