Nghề đọc quảng cáo: Cát-sê cao ngất vẫn khan hiếm nhân lực

TGTTO Một câu thoại nhận cát-sê lên đến 20 triệu đồng, thậm chí với chỉ với 2 chữ 'đúng rồi' đã nhận ngay thù lao 3.000 USD. Điều đáng nói, tìm người có nghề không dễ, quanh đi quẩn lại chỉ có vài cái tên quen thuộc.

Đọc quảng cáo có một nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Hiện, việc tìm kiếm những giọng đọc tốt như "mò kim đáy bể".

Thị trường chỉ "quanh đi quẩn lại" vài ba giọng đọc, những cái tên thường được nhắc đến: Đông Quân, Trung Châu, Kim Phụng, Mai Trinh, Thy Mai, Đạt Phi… Nên không thể phủ nhận một thực trạng tồn tại "một giọng đọc xuất hiện liên tục trong ba bốn đoạn quảng cáo liên tiếp trên truyền hình".

Thực tế, mỗi đoạn TVC quảng cáo chỉ dài chừng 15 đến 30 giây với lời đọc thường là các thông điệp, khẩu hiệu, slogan… chiếm tỷ lệ thời lượng không đáng kể. Để làm nên "thần thái" cho các nội dung này đòi hỏi nội lực của người đọc rất lớn: giọng đọc tròn vành rõ chữ, biểu cảm sắc thái phù hợp, và điều quan trọng nhất là giọng đọc có sức "nâng tầm thương hiệu". Với tiêu chí này thì không có một thước đo cụ thể nào, nhưng những người có tên tuổi vẫn luôn đắt show và khó tìm nhân tố mới thay thế.

MC Đông Quân

Chính vì ít nhân lực nên "vô tình" đã tạo thế "độc quyền" . Được biết, khi tìm giọng đọc quảng cáo nếu giọng miền Nam thường "ưu tiên 1" là Trung Châu và giọng miền Bắc phải là Đông Quân. Thực tế, các thế hệ "giọng đọc vàng" đều đã ở tuổi trên dưới U50 nhưng giọng nói, giọng đọc của họ gần như là “không tuổi”.

Khán giả đa số không hề biết những gương mặt này nhưng đối với không ít nhãn hàng lại cho rằng nếu muốn nâng thương hiệu thì không gì khác hơn là phải mời cho được các "giọng đọc vàng" thể hiện TVC.

Bất ngờ hơn, mức thù lao của các "voice talent" lên đến cả ngàn đô la Mỹ cho một đoạn quảng cáo. Thậm chí, một vgiọng đọc tên tuổi chỉ đọc hai từ "Đúng rồi" là nhận ngay thù lao 3.000 USD từ một nhãn hàng điện tử tầm cỡ.

Nhu cầu thị trường thì rất lớn nhưng trường lớp đào tạo thì hầu như chưa có. Các lớp luyện thanh theo kiểu truyền kinh nghiệm, hay "tiếng nói sân khâu"... thì chưa phải là nơi đào tạo "voice talent". Sân chơi để tìm kiếm và phát hiện tài năng trong lĩnh vực này hầu như còn rất hạn chế.

Mới đây, trong chương trình truyền hình thực tế Gương mặt truyền hình, nhà sản xuất đã mạnh dạn đưa "thử thách giọng đọc TVC" là thử thách đầu tiên và quan trọng để tìm kiếm những nhân tố mới. Đây được xem là sự liều lĩnh của nhà sản xuất bởi không phải MC nào cũng có giọng chuẩn "voice talent" và đây cũng chưa hẳn là yếu tốt bắt buộc cho một MC truyền hình.

Nhà sản xuất cho biết, việc tìm kiếm nhân tố mới trong chương trình Gương mặt truyền hình không chỉ là ở những bề nổi mà còn mong muốn những thí sinh tham gia chương trình có được sự đào tạo chuyên sâu và thấu hiểu hơn về ngành nghề mà mọi người đang theo đuổi.

MAI TRANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nghe-doc-quang-cao-cat-se-cao-ngat-van-khan-hiem-nhan-luc-16100.html