Nghề học ở miền đất văn hiến

Hoài Thượng (Thuận Thành - Bắc Ninh) vốn nổi danh là miền đất văn hiến 'quê thầy - đất thợ' với truyền thống khoa bảng rực rỡ.

Đỗ Trọng Vỹ chính là người đã tu sửa khởi dựng Văn miếu Bắc Ninh.

Hoài Thượng (Thuận Thành - Bắc Ninh) vốn nổi danh là miền đất văn hiến “quê thầy - đất thợ” với truyền thống khoa bảng rực rỡ: Trai thì theo nghề học, gái thì giỏi nghề canh cửi, dệt vải.

Ven dòng sông Đuống, Hoài Thượng nổi lên như một vùng đất sáng quy tụ nho sinh. Thời xưa, ở vùng đất này học được xem là một nghề. Bởi vậy, nơi đây có nhiều người đã đỗ đạt thành danh, trong đó có những người nổi tiếng như: Nguyễn Đình Khuê, Lê Doãn Giản, Lê Doãn Thân, Lê Quýnh, Đỗ Trọng Vỹ…

Dòng họ khoa bảng

Hoài Thượng nay có 9 thôn, trong đó hầu hết các vị đại khoa quy tụ ở thôn Đại Mão - xưa còn gọi là Trung thôn (làng Giữa) nằm trên thế đất tay ngai, hình võng bên bờ sông Đuống. Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng Hai Bà Trưng khi đánh giặc ngoại xâm đã dừng chân nghỉ tại Đại Mão. Vị trí đó được xác định là Đống Sến đi về phía thôn Lam Cầu, qua cổng Dinh và một cái hồ nhỏ.

Xưa trong làng có 12 dòng họ lớn như Lê Nho, Lê Doãn, Trần Đăng, Nguyễn Đình… Đặc biệt, dòng họ Nguyễn Đình có cụ Nguyễn Đình Khuê là Tiến sĩ đầu tiên của huyện Thuận Thành, phủ Kinh Bắc. Theo các tài liệu đăng khoa, Nguyễn Đình Khuê (1533 - ?) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn niên hiệu Sùng Khang thứ 3 (1568) đời vua Mạc Mậu Hợp. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ Hải Dương.

Ngoài họ Nguyễn Đình, họ Lê Doãn càng nổi tiếng hơn. Theo gia phả họ và các tài liệu còn lưu giữ thì họ Lê Doãn là một gia tộc lớn có phả hệ dài với nhiều đời hiển đạt, nhiều người làm công thần.

Cụ thủy tổ họ Lê Doãn đến định cư lập nghiệp tại Đại Mão vào thời vua Lê Uy Mục (1505 - 1509). Tổ tiên họ Lê Doãn học hành đỗ đạt và làm quan nhà Lê trung hưng (từ thời vua Lê Trang Tông cho đến thời vua Lê Chiêu Thống, trong khoảng thời gian 257 năm) kế tiếp nhau 7 thế hệ với 11 người làm quan.

Trong đó, đời thứ 2 có cụ tên hiệu là Đức Xuyên đỗ Hương cống, làm Sử quan biên lục dưới thời vua Lê Trang Tông. Đời thứ 3 có một người đạt học vị nho sinh Trúng thức, làm quan thời vua Lê Trung Tông. Đời thứ 5 có Lê Trung Đạo đỗ Cử nhân và làm quan triều vua Lê Thế Tông. Đời thứ 7 có Lê Doãn Chất Lượng đỗ Cử nhân, được phong tặng Đông các đại học sĩ, sau giữ chức Hàn lâm viện thị giảng.

Đời thứ 8 có Lê Doãn Nghi sinh năm 1690, là con trai cả Lê Doãn Chất Lượng đỗ Hương cống, làm quan giữ chức Thừa chính sứ thời vua Dụ Tông, Thuần Tông, Y Tông. Được phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Lễ bộ Tả thị lang.

Thế hệ thứ 8 cũng có Lê Doãn Nghiêu, sinh năm 1695 là con trai thứ hai cụ Lê Doãn Chất Lượng, đỗ Cử nhân làm quan trong bộ Hộ, giữ chức Điển bạ. Lê Doãn Cẩn Tín sinh năm 1700 con trai thứ ba, đỗ Cử nhân được bổ làm Tri châu.

Sang đời thứ 9 có Lê Doãn Giản, con trai cả của Doãn Nghi, sinh năm 1715, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 4) khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 4 (1743) đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan thời vua Lê Hiển Tông giữ chức Công bộ Hữu thị lang, Hoành Sơn Nam Thừa chính sứ.

Em của Lê Doãn Giản là Lê Doãn Thân sinh năm 1720. Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) thời vua Lê Hiển Tông, giữ chức Nghệ An đẳng sứ Tán trị thừa chính sứ. Sau chuyển làm Khâm sai, Lạng Sơn trấn đốc trấn, phong tặng Công bộ Hữu thị lang.

Nhà thờ Tiến sĩ Lê Doãn Thân - đời thứ 9 dòng họ Lê Doãn làng Đại Mão, xã Hoài Thượng.

Thà chết không chịu làm người Thanh

Đời thứ 10 họ Lê Doãn có Lê Doãn Quýnh thường gọi là Lê Quýnh - con trai Tiến sĩ Lê Doãn Giản. Ông sinh năm 1750, làm quan dưới thời vua Lê Cảnh Hưng. Năm 21 tuổi, ông được bổ làm Nho sinh ở Chiêu Văn Quán, nhờ phúc ấm của cha, được ban tước Hiển cung đại phu, năm 1786 Lê Quýnh giữ chức Tổng quản binh, vâng mệnh vua đi phủ dụ vùng Giang Bắc, khi trở về được phong tước Bá, năm ấy 37 tuổi.

Các tài liệu đăng khoa cho thấy Nguyễn Đình Khuê là người đỗ Tiến sĩ đầu tiên của huyện Thuận Thành, phủ Kinh Bắc.

Mùa Đông năm 1787, nghĩa quân Tây Sơn chiếm được thành Thăng Long, vua Chiêu Thống chạy lên Lạng Giang, Lê Quýnh đem gia binh hộ giá. Vâng mệnh vua, ông đi tìm Thái hậu, Hoàng hậu và Nguyên tử chạy lên Cao Bằng.

Mặc dù bị quân Tây Sơn truy đuổi nhưng ông vẫn đưa được cung quyến nhà vua sang phủ Nam Ninh (Trung Quốc). Lê Quýnh qua Quảng Đông theo đường biển về Vị Hoàng (Nam Định) gặp vua và được phong tước Trường Phái hầu.

Khi nhà Thanh cho Tôn Sĩ Nghị đem quân sang viện giúp vua Lê thì Lê Quýnh được vua ban kiếm ấn và giữ chức Tổng binh lương, sau đổi lại giữ chức Bình chương sự. Mùa Xuân năm 1789 quân Tây Sơn đánh chiếm Thăng Long, thời gian này Lê Quýnh đang chữa bệnh tại quê nhà, quân Tôn Sĩ Nghị tan rã chạy về nước, vua Chiêu Thống và một số bầy tôi chạy sang đất Bắc. Lúc này Lê Quýnh ở quê chữa bệnh mới khỏi, đã đứng ra chiêu mộ nghĩa sĩ, luyện tập binh lính chờ thời cơ khôi phục nhà Lê.

Được tin Phúc Khang An theo lệnh của vua Thanh vời gọi sang Trung Quốc gặp vua Chiêu Thống để tính chuyện khôi phục ngai vàng, Lê Quýnh cùng với em con chú ruột là Lê Doãn Trị sang nhà Thanh. Đến nơi mới rõ là vua và các bầy tôi tòng vong đã chịu cắt tóc, ăn mặc theo người Thanh. Vua Thanh dụ nhóm Lê Quýnh phải làm theo vua Chiêu Thống, Lê Quýnh không nghe, ông nói: “Chúng tôi đầu có thể chặt chứ tóc không thể cắt, da có thể lột chứ quần áo không thể thay”.

Lê Quýnh theo vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh, song quyết không trở thành người nhà Thanh. Ảnh minh họa: ITN

Theo một số nguồn tài liệu, Lê Quýnh và hơn 10 người trong nhóm bị nhà Thanh khép vào tội bất tuân và phân tán làm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm bắt tù một nơi. Bị giam ở ngục Yên Kinh cùng với Lê Doãn Trị, Trịnh Hiến, Lý Bình Đạo, nhóm 4 người này trên đường đi Yên Kinh gặp vua Càn Long đi tuần du, bị Càn Long thẩm vấn. Qua sự đối đáp của Lê Quýnh, vua Thanh thán phục và gọi nhóm 4 người là “tứ nghĩa sĩ” và khen ngợi Lê Quýnh là con người cương nghị, khí tiết.

Sau khi được về nước, Lê Quýnh đem theo hài cốt gia quyến vua Lê cùng các bầy tôi tòng vong về an táng. Sau này, vua Gia Long nhà Nguyễn mời ra làm quan nhưng Lê Quýnh nói: “Chúng tôi chỉ biết thờ một chúa”, hai ông xin về quê dạy học và mất tại quê nhà.

Vì nêu cao lòng trung và khí tiết của kẻ làm tôi của Lê Quýnh nên đến đời vua Tự Đức (năm 1860), triều đình nhà Nguyễn đã tôn Lê Quýnh là nhân vật số 1 trong số 23 bầy tôi tiết nghĩa của nhà Lê và lập đền “Cố Lê Tiết Nghĩa từ” ở phía Tây thành Thăng Long.

Đời này cũng có Lê Doãn Trị sinh năm 1758 - con trai thứ 5 của Tiến sĩ Lê Doãn Thân, là em con chú ruột của Lê Quýnh, được phong tước Siêu Lĩnh bá. Sau có công sang phủ Nam Ninh đưa cung quyến nhà vua về dự lễ đăng quang tại Thăng Long vào năm 1788 nên được phong là Siêu Lĩnh hầu.

Người thầy của nhiều đại khoa

Ngoài ba vị đại khoa họ Lê Doãn, Hoài Thượng còn một nhà khoa bảng rất nổi tiếng là Đốc học Đỗ Trọng Vỹ (1829 - 1899) - nhà giáo dục triều Nguyễn. Ông là hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật.

Đỗ Trọng Vỹ có cha là Đỗ Dư nổi tiếng học rộng tài cao, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1819), từng làm quan đến chức Tri phủ Quốc Oai. Năm 1826, sau khi bị triều đình xét tội cách chức, Đỗ Dư về quê theo nghề dạy học, có nhiều học trò thành danh. Khi Đỗ Trọng Vỹ mới lên 3 thì mẹ qua đời, ông được bên ngoại đón về Thụy Chương (Tây Hồ, Hà Nội) nuôi nấng. Đến năm 6 tuổi, ông được cha đón về trực tiếp dạy bảo.

Năm 21 tuổi, ông đỗ Tú tài khoa Canh Tuất (1850). Khoa thi Hương năm Giáp Tý (1864), lúc 36 tuổi ông đỗ Cống sĩ, đứng thứ ba tại trường thi Hà Nội. Cùng khoa thi với ông có một số bạn bè là danh sĩ nổi tiếng, như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê.

Vì có quân công trước nên khi vừa đỗ Cử nhân, ông được triều đình bổ ngay chức Huấn đạo Văn Giang. Tròn 6 năm sau ông được thăng chức Giáo thụ phủ Từ Sơn, rồi được bổ Tri huyện Yên Dũng kiêm Lạng Giang. Thời gian sau, ông được thăng chức Tri phủ Yên Thế.

Tượng thờ danh sĩ Đỗ Trọng Vỹ ở chùa Hàm Long, TP Bắc Ninh.

Năm 1874, ông được triều đình sung chức Bang tá quân vụ, phụ tá cho Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm và Tán tương quân vụ Tôn Thất Thuyết, suất quân trấn áp các cuộc nổi dậy ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Năm 1876, ông được sung làm quyền Án sát sứ Cao Bằng, rồi được đổi thành Án sát sứ Thái Nguyên.

Sử triều Nguyễn ghi chép, năm 1878 Lý Dương Tài - một cựu võ quan nhà Thanh từng theo Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài sang Việt Nam trấn áp quân Cờ Vàng. Tuy nhiên sau đó lại bất mãn khi bị nhà Thanh cách chức nên tụ tập bộ hạ thân tín sang Việt Nam cướp bóc. Đỗ Trọng Vỹ nhận lệnh triều đình phối hợp với Đề đốc Quảng Tây Phùng Tử Tài dẹp loạn Lý Dương Tài.

Sau khi dẹp được loạn và bắt được Lý Dương Tài giải trả về Trung Quốc, ông được nhà Nguyễn thăng Tuần phủ Hưng Yên. Tuy nhiên, thời gian này do bị bệnh nên ông cáo quan xin về nghỉ tại quê nhà Bắc Ninh. Đầu năm 1882, ông được triều đình triệu ra làm quyền Đốc học Bắc Ninh.

Trong tình thế nước nhà suy vi, với mong muốn giữ gìn phong hóa truyền thống, ông dốc lòng đào tạo thế hệ học trò mới - trong đó có các vị xuất thân đại khoa như: Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân, Tiến sĩ Đàm Thận Bình, các Phó bảng Phan Văn Tâm, Đặng Quỹ, Đặng Tích Trù, Nguyễn Thiện Kế...

Năm 1889, Đỗ Trọng Vỹ chủ trì việc khắc 12 tấm bia đá với tên gọi “Kim bảng lưu phương”, ghi danh gần 677 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc. Năm 1893, ông chủ trương cho dời Văn miếu Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lê sơ - vốn đang bị đổ nát, từ núi Thị Cầu về núi Phúc Đức. Đỗ Trọng Vỹ đã vận động các văn thân, chức sắc, dân địa phương góp tiền, góp sức. Đến năm 1928, Văn miếu chính thức được tu sửa khởi dựng với quy mô lớn và gần như toàn diện.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-hoc-o-mien-dat-van-hien-post672710.html