Nghề khảm sành sứ - Nghệ thuật từ mảnh vỡ ghi dấu ấn trường tồn lên những công trình trăm tuổi đặc trưng xứ Huế

Xuất xứ trong dân gian và đến thế kỷ XVII, nghề khảm sành sứ trở thành nghệ thuật trang trí trong cung đình Huế.

Người ta có thể ngạc nhiên trước những kiến trúc tinh xảo, xa hoa và hoàn mỹ của những điện đài, lăng tẩm ở cung đình Huế, nhưng chẳng mấy ai biết rằng, sự nguy nga ấy được khởi đầu từ thứ cực kỳ mộc mạc và chân phương: Mảnh vỡ của sành sứ.

Những lăng tẩm, cung điện xứ Huế trường tồn theo năm tháng, cô đọng trong mình biết bao thâm cung bí sử, tỏa ra nét thăng trầm, linh thiêng như vậy góp phần không nhỏ của nghệ thuật trang trí xuất phát từ dân gian.

Thời gian phong sương đằng đẵng, những mảnh gốm sứ, mảnh chai, thủy tinh được chọn lọc, cắt bẻ theo nhiều hình dáng để phù hợp với việc thi công. Chúng được kết dính với nhau bằng phụ liệu thật đặc biệt. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xứ Huế, những mảnh vỡ tưởng chừng bỏ đi ấy trở thành những "tấm áo" nguy nga cho những công trình tuyệt tác, đưa nét đẹp nghệ thuật của Huế lên một tầm cao mới.

Từ thuở ban sơ, người ta nhặt nhạnh những mảnh vỏ sò, vỏ ốc về trang trí nhà cửa, cổng hay tường rào. Phát triển sâu hơn nữa là những mảnh vỡ của sành sứ, gốm thủy tinh để tăng thêm độ cao cấp và rực rỡ.

Quả thật, những gì dân dã, đơn sơ nhất lại có thể kết tinh thành nghệ thuật đẹp đẽ, là tinh hoa của cả một xứ sở kinh sư. Không chỉ phát triển thành nghề giúp người dân lo liệu “miếng cơm manh áo”, tay nghề nghệ nhân dần được mài giũa và đưa nghề khảm sành sứ vào nghệ thuật trang trí cung đình. Sau này, đền đài và miếu mạo các đời chúa Nguyễn được ứng dụng sâu sắc nghệ thuật khảm sành sứ.

Men khảm sành sứ - Âm dương Ngũ hành hòa hợp

Chẳng phải ngẫu nhiên nghệ thuật khảm sành sứ lại trở thành hồn cốt cho vẻ đẹp của những lăng tẩm, đền đài và các ngôi mộ táng. Để từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình thì việc chọn men khảm sành sứ không thể tùy tiện.

Trước hết, để tạo nên bối cảnh rực rỡ và đường nét tinh tế cho các công trình khảm, gam màu của men sành sứ rất quan trọng. Phần lớn chúng có màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Những mảnh có tông màu trầm thì đường nét cũng phải sắc sảo, lớp men bóng chất lượng.

Tiếp đó, nghệ thuật phối màu sành sứ cũng được lấy cảm hứng từ tư tưởng Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự kết hợp giữa các gam màu nóng và lạnh, tối và sáng tạo nên sự hài hòa, rực rỡ.

Các màu cam, vàng, đỏ tía, hồng cánh sen thuộc gam nóng sẽ là sắc màu chủ đạo trong các bức khảm. Các màu phụ họa là gam xanh như xanh lục, xanh lam, xanh tím, đặc trưng cho nét đẹp cung đình Huế.

Nếu như khảm các bức linh vật như Long, Ly, Quy, Phượng, Giao, Nghê thì lựa chọn sành sứ có men tốt để khảm mắt rồng mắt phượng. Sau này đã có thêm chất liệu khác như thủy tinh để ốp phủ lên bề mặt để tăng thêm độ tinh xảo.

Từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ, sành sứ có niên đại từ xa xưa, chúng đều được lựa chọn kỹ lưỡng theo mức độ của công trình. Chẳng hạn như đình chùa, nhà dân, mộ táng thông thường thì trang trí họa tiết đơn giản hơn. Nếu là lăng tẩm, đền đài của vua chúa thì cầu kỳ, phức tạp và các loại men khảm cũng có độ bền ưu việt hơn.

Bên cạnh đó, nếu là những công trình quan trọng, thì nguồn nguyên liệu để khảm “càng cổ càng tốt”. Hơn 140 năm trị vì đóng đô ở Huế, nhà Nguyễn đã biến nơi đây trở thành khu vực giao thương sầm uất và nhộn nhịp. Số lượng tàu thuyền trao đổi buôn bán nhiều không kể xiết.

Đây cũng là lý do mà nhiều thông tin cổ cho rằng, dưới lòng sông Hương có cất giữ nhiều lớp trầm tích cổ xưa, đó là: Những mảnh sành, sứ gốm hàng nghìn tuổi.

Bàn tay tài hoa khảm nên nghệ thuật

Những nghệ nhân dân gian dùng bàn tay khéo léo của mình để tạo nên những công trình thật đồ sộ và rực rỡ bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Trong lăng tẩm đền đài, những ngôi mộ táng thuộc cung đình Huế, nghệ thuật trang trí này đã đạt đỉnh cao.

Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ khá đa dạng với các vật liệu như sành, sứ, gốm, thủy tinh màu, thủy tinh trong từ bát, đĩa, bát hương, chén,... Tùy theo dụng ý trang trí mà nghệ nhân sẽ có sự an bài màu sắc, chất liệu và cường độ tiếp sáng khác nhau.

Việc kết dính các mảnh vỡ thành một tác phẩm hoàn chỉnh không hề dễ dàng. Để các nguyên liệu bám chắc vào nhau, không bị ảnh hưởng của biến đổi môi trường như mưa nắng, thay đổi nhiệt độ,... thì nghệ nhân dùng chất kết dính làm từ hàu trộn vôi, dồn thêm một số loại lá cây (giấy dó, bông cẩn, dây tơ hồng,...) và mật thành một chất keo cực kỳ đặc biệt. Chất keo này quánh dẻo, bền chắc, chịu được mưa nắng.

Kỹ thuật cắt mảnh, mài giũa cũng cần sự khéo léo, các mảnh sành sứ đặt cạnh nhau phải khít, độ phối màu chuẩn xác và không bị lộ mạch vữa.

Nếu sắm vai là một du khách thăm thú trong kinh thành Huế, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều các linh vật, chim muông, hoa lá nhưng tuyệt nhiên không có tác phẩm nào giống nhau. Mỗi một công trình nơi đây là độc nhất vô nhị. Chính điều này cũng làm nên sự đặc biệt, độc đáo của nghệ thuật khảm sành sứ cung đình.

Nếu đứng một mình chỉ là những mảnh vỡ thô cứng, vô hồn. Nhưng với nghệ thuật khảm sắp xếp đặt cạnh nhau, những mảnh vỡ ấy đã làm nên nghệ thuật mềm mại, tinh tế. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã giúp các mảnh vỡ ấy vượt qua khuôn khổ của vật liệu thông thường mà trở thành những tác phẩm sắc sảo, rực rỡ, lộng lẫy. Những mảng màu từ sành sứ còn làm bật lên được sự xa hoa, uy nghi của chốn cung đình và các bậc vua chúa.

Đại diện cho sự tinh xảo và hoàn mỹ của nghệ thuật khảm sành sứ, đã có nhiều công trình nổi tiếng áp dụng lối trang trí này, đưa xứ Huế trở thành mảnh đất Cố đô đặc biệt và linh thiêng hơn.

Ứng Lăng - Lăng vua Khải Định

Ứng Lăng, thường gọi là lăng Khải Định được xây 11 năm mới hoàn thành trên núi Ứng Sơn. Nơi đây được mệnh danh là kiệt tác nghệ thuật khảm sành sứ của xứ Huế. Ứng Lăng tọa lạc ở nơi bề thế, chuẩn mực vẻ đẹp phong thủy, núi non hữu tình. Mặc dù, lăng vua Khải Định gây nhiều tranh cãi vì dung hợp nhiều lối kiến trúc khác nhau Đông - Tây có cả, nhưng xét về mức độ xa hoa thì Ứng Lăng khó có thể xếp sau lăng khác ở xứ Huế.

Nếu như trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ Ấn Độ, cột và vòm cửa theo kiến trúc Roman,... nhưng chủ đạo vẫn là nghệ thuật trang trí khảm sành sứ đặc trưng của Huế. Từ những chi tiết nhỏ nhất, qua bàn tay xử lý khéo léo, các nghệ nhân người Huế đã cắt gọt tỉ mẩn những mảnh sành sứ, thủy tinh màu để tạo tác nên những bức phù điêu, tranh lớn đa dạng các họa tiết. Kỹ thuật phối màu đỉnh cao càng làm cho các mảng khối thêm mềm mài, sống động.

Cung An Định

Cung An Định được xây dựng năm 1917. Ngoài việc kết hợp với phong cách nghệ thuật châu Âu, cung An Định cũng được sử dụng lối pháp khảm sành sứ đặc trưng của quê hương. Nơi đây, trước là nơi ở của hoàng tử Vĩnh Thụy, sau khi lên ngôi vua, cung An Định được truyền cho thái tử Bảo Long. Cung An Định cũng là nơi diễn ra các nghi lễ của triều đình.

Nghĩa trang An Bằng

Nằm tại làng chài ven biển An Bằng, thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, có một nghĩa trang được mệnh danh là "thành phố ma" xa hoa, lộng lẫy bậc nhất Việt Nam. Đó là nghĩa trang An Bằng. Tưởng chừng như nơi người đã khuất yên nghỉ sẽ luôn tĩnh lặng, im lìm giữa những bóng cây xanh thì nơi đây mang một khung cảnh thật khác. Không chỉ là nơi "người chết nuôi người sống", nghĩa trang An Bằng còn thu hút không ít khách du lịch đến... tham quan. Nơi nghĩa trang hiu quạnh nay bỗng nhộn nhịp ra vào.

Bởi vì ở nơi đây, có hàng nghìn khu lăng mộ đủ màu sắc lẫn kích thước, nhiều khu xây dựng tới nhiều tỷ đồng. Mặc dù kiến trúc đa dạng, nhưng linh hồn kiến trúc nơi này vẫn là nghệ thuật khảm sành sứ.

Lối trang trí khảm sành sứ không chỉ dành cho vua chúa, mà người dân cũng đặc biệt ưa chuộng. Các ngôi mộ được khảm nổi sành sứ màu sắc rực rỡ tạo nên vẻ lộng lẫy, xa hoa. Nơi đây không chỉ được đắp sành sứ, mà còn "khảm" rất nhiều tiền của người sống dành cho người thân đã khuất. Việc tu sửa cho phần mộ thêm khang trang là lòng thành "bù đắp" cho người thân ở thế giới bên kia đã tạo nên việc làm cho rất nhiều người dân xứ Huế.

Được thế giới biết đến với những mỹ từ như "khu biệt thự của người chết", "thiên đường lăng mộ",... nghĩa trang An Bằng không phải khu du lịch nhưng vẫn ngày càng thu hút nhiều người đến tham quan. Dù bằng cách hơi lạ, nhưng đây cũng là yếu tố giúp nghệ thuật khảm sành sứ của xứ Huế được nhiều người biết đến.

Dẫu biết thời gian trôi đi có thể nhường chỗ cho những nghệ thuật mới mẻ và hiện đại hơn, nhưng đã là tinh hoa thì vẫn còn hồn cốt giá trị lâu dài về lịch sử lẫn văn hóa. Nghệ thuật khảm sành sứ đã “đóng đô” ở xứ Huế, ở dải đất hình chữ S và trong cả tâm thức của con dân đất Việt từ xưa, đến nay và mãi cả sau này.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghe-kham-sanh-su-nghe-thuat-tu-manh-vo-ghi-dau-an-truong-ton-len-nhung-cong-trinh-tram-tuoi-dac-trung-xu-hue-22202226521530739.htm