Nghề làm báo đòi hỏi nhân cách rất khác biệt

Giao lưu nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo là dịp đặc biệt để sinh viên tiếp cận với những người làm báo đi trước, lắng nghe họ chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

PGS, TS. Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền chia sẻ với các sinh viên báo chí.

Sáng 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn "Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ" - Giao lưu nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo.

Tại diễn đàn, nhiều sinh viên hỏi về việc giữ lửa, đam mê của mình tại thời đại báo chí 4.0. PGS. TS. Đỗ Thu Hằng cho rằng: "Các bạn đã chọn nghề, bản thân các bạn phải cháy lên ngọn lửa, tự cách bạn phải tính cách để đạt được ước mơ của mình. Nếu các bạn chưa từng đam mê, bản thân mình đã nguội lạnh thì đừng nghĩ người khác phải truyền cho mình, đấy là điều chắc chắn. Nghề báo là nghề rất đặc biệt, nó sáng tạo không phải sáng tạo trên lý thuyết đơn thuần, mà phải sáng tạo trên môi trường thực tiễn. Người làm báo phải có kiến thức đủ để có thể dùng và đúng hướng khi chúng ta học tập rèn luyện. Kỹ năng nhiều khủng khiếp, kỹ năng và kiến thức phải đi liền với nhau. Học báo chí khác hẳn so với nghề khác, phải có kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đặc biệt là phẩm chất chính trị nó giống như kiềng 3 chân. Nhà báo đòi hỏi nhân cách rất khác biệt..."

PGS. TS. Đỗ Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền

Cũng trong diễn đàn, nhiều người đặt ra câu hỏi về việc nhà báo trẻ với đam mê để tránh rơi vào "tình, tiền, tù, tội". Đây là chủ đề được đánh giá hay bởi theo PGS, TS. Nguyễn Văn Dững nhiều tòa soạn hiện nay đẩy các phóng viên trẻ đi làm hợp đồng truyền thông, vô tình đẩy các em vào nhiều cạm bẫy và nguy hiểm.

"Sinh viên nghĩ làm báo là săn tin nóng, tin độc, nhưng nhiều toàn soạn bảo chỉ cho phóng viên làm hợp đồng tuyên truyền, đẩy sinh viên vào tình - tiền - tù - tội, đâm - chém - giết - hiếp. Thang nhuận bút của chúng ta cần phải thay đổi, trước đây phóng viên chủ yếu là săn tin nhưng trong môi trường số săn tin không phải là cái mọi người cần mà vai trò thẩm định tin tức là quan trọng..." - PGS, TS. Nguyễn Văn Dững chia sẻ.

Về kỹ năng tác nghiệp trong nghề báo, TS Trần Bá Dung có câu hỏi cho các phóng viên trẻ: "Kỹ năng là gì". Ông cho biết đó là kỹ năng khai thác kiến thức, kỹ năng tác nghiệp, kỹ năng xử lý thông tin và phải làm được một cách thuần thục. TS Trần Bá Dung khuyên các bạn sinh viên nên đọc nhiều, viết nhiều và đi nhiều để có kiến thức thực tế.

TS Mai Đức Lộc cho biết nghề báo là một trong những nghề thú vị nhất hiện nay. Ông khuyên các nhà báo trẻ nên trở thành chuyên gia của mỗi vấn đề. Bởi vì nhà báo chính là "thư ký của thời đại", là "tai mắt của lịch sử".

Nhiều sinh viên đặt ra câu hỏi để lắng nghe những chia sẻ từ các nhà báo.

Kết luận Diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Đây là cuộc đối thoại sôi nổi, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ; thể hiện trách nhiệm của những người làm báo đi trước đối với thê hệ làm báo trẻ. Trong thời đại công nghiệp 4.0 công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay tâm thế, trách nhiệm, đạo đức rất quan trọng, nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng.

Vấn đề này đang được Hội Nhà báo Việt Nam rất quan tâm và đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi kết luận, qua Diễn đàn, Hội Nhà báo sẽ tiếp tục tổ chức những tọa đàm, diễn đàn ý nghĩa cho các nhà báo trẻ và sinh viên ngành báo, đồng thời cũng hướng đến cho sự thành công của Hội Báo toàn quốc năm 2020.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nghe-lam-bao-doi-hoi-nhan-cach-rat-khac-biet-d141288.html