Nghề mới và nguồn lao động

Tại hội nghị của ngành vào cuối tháng 2-2023, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị chú trọng thực hiện 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Trong đó, tập trung cao độ cho vấn đề lao động, việc làm, phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao về các ngành nghề mới, nổi trội như: sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon…

Đây là định hướng quan trọng để nâng cao năng lực quản lý ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển. Càng đi sâu vào hội nhập, công nghệ tiến nhanh như vũ bão, đòi hỏi phải nâng chất nguồn lao động để theo kịp bước tiến toàn cầu. Thế giới phẳng kéo các khoảng cách gần lại về biên độ nhận thức, tốc độ thông tin sự kiện toàn cầu chỉ trong chớp mắt, những công nghệ ngỡ như chỉ có trong mơ đã trở thành hiện thực. Những xu hướng công nghệ đang thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật toàn cầu như: Trí tuệ nhân tạo và Học máy, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây và điện toán biên, robot và cobot, các phương tiện tự lái, mạng 5G…

Việt Nam cũng chủ động hội nhập và nỗ lực phát triển để theo kịp thời đại. Nhiều ngành nghề mới đã và đang có mặt tại Việt Nam, điển hình như sản xuất chip bán dẫn, trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn khi thu hút sự quan tâm, hiện diện của những tập đoàn hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như Intel, Samsung… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỉ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...

Ngành công nghiệp hydrogen xanh (còn gọi là ngành công nghiệp PtX) và công nghệ sản xuất nguyên nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydrogen đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng và phương tiện lưu trữ năng lượng hiệu quả, góp phần giúp thế giới cũng như Việt Nam có thể đạt mục tiêu không phát thải carbon (Net Zero) vào năm 2050.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đòi hỏi phải có nền tảng học vấn, tay nghề vững vàng để được lựa chọn và bảo đảm việc làm, thu nhập. Ngay thị trường lao động trong nước cũng cho thấy những nghịch lý về cung - cầu lao động; tình trạng dịch chuyển lao động cũng thay đổi so với trước, như "ly nông mà không ly hương" ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chất lượng lao động công nghiệp của nhiều địa phương chưa cao, đông đảo lao động phải đào tạo và đào tạo lại. Nhiều ngành nghề cần nhân sự tinh thông trong công nghệ, kỹ thuật, logistics, quản lý nhân sự… vẫn tiếp tục tìm kiếm, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm. Nhiều năm qua, vấn đề này được nhiều lần đặt ra, được đẩy mạnh với nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt yêu cầu thực chất. Do đó, phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Khi giáo dục nghề nghiệp bắt kịp dòng chảy thời đại, đất nước ta mới có thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và hội nhập.

Xem link nguồn

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-moi-va-nguon-lao-dong-post268605.html