Nghề nào cũng cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp

Ngày 28/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức diễn đàn khoa học 'Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay'.

Đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc chi phối hành vi của một người hoặc một nhóm trong môi trường công việc. Giống như các giá trị, đạo đức nghề nghiệp cung cấp các quy tắc về cách một người nên hành động đối với người khác và các tổ chức trong một môi trường như vậy. Chính các quy định về đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.

Các đại biểu đều tham dự Diễn đàn đều khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu với bất kỳ ngành nghề nào. Ảnh: Lê Hồng

Do vậy theo đại diện Ban tổ chức, mục tiêu của việc tổ chức Diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề liên quan tới thực trạng đạo đức hành nghề và những yêu cầu đặt ra đối với đạo đức hành nghề tại Việt Nam hiện nay, hướng tới xây dựng các quy định pháp luật, quy tắc về đạo đức hành nghề ở Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đều đồng tình rằng, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề lớn, là những phẩm chất cần có của mỗi người theo đúng những quy tắc chuẩn mực của một nghề nhất định được cộng đồng xã hội thừa nhận nhằm điều chỉnh hành vi, thái độ của con người trong quan hệ với con người, tự nhiên và xã hội khi hành nghề. Và nghề nào cũng cần có đạo đức, không thể nói rằng nghề của tôi không cần đạo đức.

Nêu ý kiến về đạo đức hành nghề hiện nay, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, trong tất cả các ngành nghề, đa phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, lối sống và phong cách tốt đẹp.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, tích cực thì vấn đề đạo đức con người cũng có những biểu hiện cần phải lên án, bài trừ để làm trong sạch môi trường văn hóa", ông Khải nói.

Ý kiến của ông Phan Văn Tân, Liên hiệp các tổ chức Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, hiện đạo đức hành nghề ở Việt Nam đã được đề cập như một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy chưa có đầy đủ các quy định, yêu cầu, quy tắc về đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, các ngành nhưng nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã có các quy định về chuẩn mực, quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc hành nghề.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hóa. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiêp.

Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ thân thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người cũng như giá trị động lực của lao động. Do vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể, hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.

Quan điểm của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định đạo đức nghề nghiệp là thứ đặc trưng cho nghề đó, mỗi nghề có phạm vi riêng để con người hoạt động. "Đạo đức nghề nghiệp phụ thuộc vào nhu cầu, nhưng căn bản là đặc trưng của nghề. Mỗi nghề có đạo đức nghề nghiệp riêng, không áp dụng máy móc sang nghề khác, hành nghề không có đạo đức thì không ai tôn trọng", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Bàn về một số giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay, Ths. Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng cần thiết phải tăng cường quản lý hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp, từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động, chỉ đạo và kiểm tra.

Bên cạnh đó, theo Ths. Bùi Kim Tuyến, để thực hành đạo đức nghề nghiệp, cần xây dựng được bộ tiêu chí đạo đức nghề nghiệp chuẩn với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi.

"Ngoài ra, các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp phải dựa trên đánh giá thực trạng của ngành lĩnh vực, đánh giá các yếu tố bên trong, bên ngoài có thể tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, có sự so sánh với chuẩn mực đạo đức hiện hành", Ths. Bùi Kim Tuyến nêu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nghe-nao-cung-can-nang-cao-dao-duc-nghe-nghiep-110635.html