Nghe nhạc lễ Triều Châu rằm Nguyên tiêu

Đôi tay thoăn thoắt loang cặp dùi lên mặt trống, tạo âm thanh khi khoan nhặt, khi dồn dập, hòa quyện liên hoàn theo tiếng chiêng vọng, thanh la, não bạt, cùng kèn lá réo rắt… Sự hợp âm của cùng lúc hơn 30 nhạc cụ mang âm vực, tiết tấu, phong cách biểu diễn khác biệt của đội nhạc lễ Triều Châu ở Nghĩa An Hội quán thực sự là một 'di sản' quý giá về âm nhạc của Chợ Lớn xưa và nay.

Để được nghe nhạc lễ của người Triều Châu, ngoài các buổi trình diễn Triều kịch, thời gian còn lại trong năm thường chỉ có vào các dịp trọng đại khác là tết Nguyên đán, Nguyên tiêu và ngày vía Quan Công. Nhắc đến chuyện kèn trống người Hoa vùng Chợ Lớn, vào cuối thế kỷ 18, sử gia Trịnh Hoài Đức từng viết trong “Gia Định thành thông chí” rằng: “Đầu phía bắc đường phố lớn có miếu Quan Thánh… phía tây đường lớn có miếu Thiên Hậu… gặp ngày tết, đêm trăng, tam nguyên (đầu ngày – đầu tháng – đầu năm), sóc vọng (mùng 1 và rằm)… kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu”. Miếu Quan Thánh được nhắc đến chính là chùa Ông ngày nay, nơi thờ vị “nhân thần” uy dũng là Quan Công trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa, và đây cũng là trụ sở của bang Triều Châu – Nghĩa An Hội quán.

 Đội nhạc Triều Quần Công Hội trình diễn ở Hội quán Nghĩa An rằm Nguyên tiêu. Ảnh: Thiên An.

Đội nhạc Triều Quần Công Hội trình diễn ở Hội quán Nghĩa An rằm Nguyên tiêu. Ảnh: Thiên An.

Dòng nhạc lễ Triều Châu vùng Chợ Lớn với xuất phát điểm từ nghệ thuật Triều kịch, môn nghệ thuật bao hàm diễn xướng kết hợp âm nhạc gồm các làn điệu cụ thể được định danh là Triều xoang, Triều điệu đã được đúc kết thành bài bản từ hơn 400 năm trước, vào khoảng thời Gia Tĩnh của triều Minh.

Nhạc lễ là một môn nghệ thuật dân gian đậm bản sắc của người Hoa gốc Triều Châu vùng Chợ Lớn. Ảnh: Thiên An.

Dựa theo thời gian ra đời của “Gia Định thành thông chí” (khoảng 1820) như một dẫn chứng cho thấy từ ngay những ngày đầu khi định cư nơi đất mới, người Hoa Chợ Lớn đã lưu giữ và phát triển cổ nhạc – một loại hình nghệ thuật dân gian - đặc biệt là nhạc lễ để sử dụng trong các nghi thức mang tính linh thiêng, các dịp sinh hoạt trọng đại nơi cộng đồng, hội quán, và được lưu truyền – phát triển cho đến tận bây giờ.

Phần trình diễn của đội cổ nhạc Thống Nhất rằm Nguyên tiêu. Ảnh: Thiên An.

Ngày tưng bừng và lý tưởng nhất để thưởng thức nhạc lễ của người Triều Châu là dịp rằm Nguyên tiêu, những đội cổ nhạc của bang Triều Châu như Thống Nhất, Triều Quần, Sư Trúc Hiên sẽ tề tựu đông đủ để phô diễn những bài nhạc tuyệt đỉnh mà cả đội dày công luyện tập suốt năm ròng.

Âm thanh, hình ảnh của đội nhạc lễ Triều Châu tạo nên một không gian đậm sắc màu lễ hội. Ảnh: Thiên An.

Nhìn vào một đội hình nhạc lễ, tâm điểm sẽ là chiếc xe kéo trang trí bằng cờ hoa, chạm trổ chi tiết và trang trí bông hoa khéo léo, mặt chính diện có ghi tên đoàn nhạc và đôi liễn trang trí, trên xe ngự một chiếc trống cái (đại cổ).

Tay trống cái của đội nhạc Sư Trúc Hiên, nhạc cụ linh hồn của đội nhạc lễ Triều Châu. Ảnh: Thiên An.

Trống cái chính là linh hồn của đội nhạc, người chơi “đại cổ” vừa đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, giữ nhịp, tạo tiết tấu sôi động cùng các nhạc cụ khác với bộ gõ khá phong phú gồm: mã la, đại la, nguyệt la, tô la, thâm la, cẩu tử la, tiểu bát, đại bát…

Đại la – nhạc cụ chủ đạo cùng với đại cổ (trống cái) trong bộ gõ của dàn nhạc lễ Triều Châu. Ảnh: Thiên An.

Nhạc lễ Triều Châu cũng có sự hợp thành của bộ dây và bộ hơi như: hoành địch, dương cầm, nhị hồ, trúc huyền, tiêu, bản hồ, đại so-na, tiểu so-na… Sự liên hoàn nối tiếp nhau của các nhạc cụ khiến cho bài diễn của các đội nhạc lễ dẫn dắt người xem vào một bữa tiệc hoành tráng của âm thanh và hình ảnh đầy sống động.

Bộ kèn hơi tấu khúc trong phần diễn nhạc lễ ở Hội quán Nghĩa An. Ảnh: Thiên An.

Vào lễ Nguyên tiêu ở Hội quán Nghĩa An, các đoàn nhạc lễ sẽ đến biểu diễn, bày mâm cúng dâng lễ vật lên linh thần, thông thường đoàn Thống Nhất sẽ biểu diễn vào ban sáng ngay không gian tiền điện, đoàn Triều Quần biểu diễn sau giấc trưa. Trong thế giới ca – nhạc – kịch Chợ Lớn, đoàn Thống Nhất chính là sự hợp thành của hai nhóm nhạc xã Quảng Đông và Triều Châu nên còn được gọi là Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Triều. Những nét ca kịch và diễn xướng gần như được tách biệt với phần nhạc, thế nên khi diễn ngoài lĩnh vực sân khấu, đội nhạc lễ Thống Nhất với các bài diễn độc lập, phục vụ nghi lễ trong đời sống văn hóa của người Triều Châu.

Các thành viên nghiệp đoàn nhạc Triều Quần dâng lễ vật lên Quan Đế Thánh Quân ở Hội quán Nghĩa An rằm Nguyên tiêu. Ảnh: Thiên An.

Khi đội nhạc lễ Triều Châu chuẩn bị diễn xướng, tiếng trống lệnh được chầm chậm cất lên, như một cách tạo sự chú ý đám đông, tiết tấu nhanh dần khiến các hoạt động xoay quanh không gian giàn nhạc lễ dường như ngừng hẳn lại để tập trung chú ý và nhường chỗ cho sự phô diễn âm thanh tiếp ngay sau đó với các cung bậc ngân vang, trầm bổng của đủ loại nhạc cụ đa dạng chủ yếu thuộc bộ gõ và hơi. Ngày Nguyên tiêu, đội nhạc lễ Triều Châu diễn trong không gian Hội quán, nơi vốn dĩ đã thâm nghiêm với nhang đèn, vật phẩm cúng tế của khách thập phương nhộn nhịp, tiếng chiêng trống khi ấy như một sự ngỏ lời, thức tỉnh linh thần đoái hoài đến những nghi lễ thờ tự, cúng bái tiếp sau màn trình diễn lễ nhạc.

Khách thập phương đảnh lễ trong tiếng nhạc lễ ngân vang ở ngày hội Nguyên tiêu. Ảnh: Thiên An.

Trong cái huyên náo của âm thanh vang dội, không khó để cảm ra trong đó sự nghiêm cẩn với những nhịp điệu vừa phải, chậm rãi, khoan thai, thành kính của người trần khi vào chốn thâm nghiêm, nhưng cũng có cả những tiết khúc oai võ, hùng tráng như binh đoàn đang rầm rập quân hành. Cái hấp dẫn của nhạc lễ Triều Châu chính là ở những điểm nhấn, những khoảng chuyển làn điệu ấy khiến cho người xem cứ mải mê đến quên cả không gian và thời gian.

Bộ gõ đủ loại tạo nên âm thanh trầm bổng trong đội nhạc lễ Triều Châu. Ảnh: Thiên An.

Do được trình diễn trong những không gian văn hóa đặc biệt, gắn liền với bang hội, với tín ngưỡng, kiến trúc và thế giới tâm linh, sự phức hợp của nhạc lễ khiến loại hình âm nhạc này tự thân phát triển một cách độc lập, nhưng vẫn mang tính hài hòa, kết hợp chứ không tách biệt. Thế nên ngoài khuôn phép bài diễn mang tính nghi lễ, nghi thức của cúng tế nơi chùa miếu, đội nhạc lễ cũng là trọng tâm các đám rước, diễu hành (đặc biệt trong dịp Nguyên tiêu) chỉ với hai loại nhạc cụ la (phèng) – cổ (trống) giữ yếu tố chủ đạo, và chiếm lĩnh được không gian mở nhờ lượng âm thanh vang dội, khiến phần “hội” thêm sôi động, hào hứng.

Đội nhạc Sư Trúc Hiên diễu hành trong đám rước rằm Nguyên tiêu. Ảnh: Thiên An.

Thế nên, nếu có dịp vào Chợ Lớn rằm Nguyên tiêu không chỉ là cơ hội để hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng các bang hội, mà còn là dịp nghe nhạc lễ Triều Châu – một loại hình nghệ thuật mang giá trị tinh thần đặc biệt của cộng đồng Hoa kiều gốc Triều Châu nói riêng, và nhịp sống văn hóa đậm bản sắc của người Hoa nói chung vùng Chợ Lớn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nghe-nhac-le-trieu-chau-ram-nguyen-tieu-158084.html