Nghệ nhân bánh Việt Trần Thị Hiền Minh: Tôi muốn đưa bánh truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè thế giới

Từng là dược sĩ và có môi trường làm việc quốc tế nhưng hơn 20 năm trước, vì tình yêu với ẩm thực dân tộc mà chị Trần Thị Hiền Minh đã rẽ ngang và gắn bó với công việc làm bánh để được thỏa sức đam mê của mình.

Chị Trần Thị Hiền Minh (giữa) giao lưu, ra mắt sách Thơm thảo xôi chè. Ảnh: V.Thế

Cần mẫn, sáng tạo và cống hiến, chị đã góp phần quảng bá hàng trăm loại bánh dân gian mang đậm hương vị truyền thống của Việt Nam. Bánh do chị làm ra được rất nhiều người biết đến và được khẳng định tại các cuộc thi làm bánh trong, ngoài nước.

* 20 năm theo đuổi đam mê

* Thưa chị, từ đâu mà chị lại có niềm đam mê đặc biệt với các món bánh truyền thống của Việt Nam như vậy?

- Bánh và các món ăn truyền thống là thói quen từ bé, ăn sâu vào tiềm thức, tôi cũng như nhiều người ưa món ăn ngọt đều sẽ thích. Tôi rẽ ngang là để thỏa với đam mê và thích khám phá, tìm hiểu về bánh cũng như các loại bánh truyền thống, thoáng cái mà đã 20 năm.

* Chị đánh giá thế nào về ẩm thực Việt Nam, nhất là các món truyền thống như: bánh, xôi chè?

- Bánh truyền thống của Việt Nam rất thú vị. Thú vị ở đây là mỗi vùng miền lại có những thứ quà bánh, hương vị đặc trưng khác nhau. Đi đến mỗi nơi, thưởng thức mỗi loại bánh thì ta đều cảm nhận được hương vị riêng, do nguyên liệu, cách chế biến, bàn tay của bà, mẹ, những người dì làm ra những chiếc bánh.

Cuốn Thơm thảo xôi chè của nghệ nhân Hiền Minh hơn 140 trang, kể về 30 món xôi chè đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam, những bí quyết nấu xôi chè ngon.

Nếu so sánh bánh của Việt Nam đối với thế giới, nhất là những nước trong khu vực thì đâu đó có những nơi tương đồng nhưng không rập khuôn, mà có sự đặc sắc từ nguyên liệu địa phương. Điều đó làm cho các loại bánh trái truyền thống của chúng ta có được tinh tế, màu sắc đẹp mắt hơn trong lòng mọi người.

Trong văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam, các loại quà, bánh đã trở nên rất gần gũi và quen thuộc đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi con người Việt, đặc biệt là các dịp lễ, Tết. Tôi luôn cố gắng giữ hương vị truyền thống để giữ gìn tinh hoa ẩm thực của người Việt xưa. Cũng vì muốn gìn giữ vị bánh truyền thống mà tôi xây dựng thương hiệu bánh - Bếp cô Minh.

* Không chỉ làm bánh mà chị còn viết sách, Thơm thảo xôi chè là cuốn thứ 2 của chị vừa được xuất bản. Xin chị chia sẻ thêm về nội dung của sách cùng độc giả?

- Trước đó, tôi có cuốn sách Hương bếp nhà với chủ đề bánh thuần Việt. Lần này là sự trở lại của Thơm thảo xôi chè. 3 năm qua, tôi đã thực hiện những chuyến đi đến nhiều vùng miền trên đất nước để tìm đúng người nấu món đó ngon nhất, tìm đúng nguyên liệu dân gian của vùng đất đó.

Tôi lắng nghe những nghệ nhân của từng vùng miền kể câu chuyện, ý nghĩa từ những hạt nếp dẻo thơm làm nên nét đặc trưng của từng món xôi, chén chè. Đó là những công thức, những câu chuyện mà tôi muốn truyền tải đến cho các bạn trẻ về ký ức tuổi thơ của thế hệ trước mà các bạn trẻ không được cảm nhận.

Sách cũng có các thông tin, nguyên liệu sản xuất từ gạo, nếp cho đến đường đậu các loại. Đó là những nguyên liệu truyền thống, quý báu từ nhân dân. Tôi muốn các bạn sau này khi đọc sách xong sẽ có ý thức giữ gìn và bảo tồn nguyên liệu truyền thống của Việt Nam mình.

* Chắp cánh nâng tầm ẩm thực Việt

* Là một trong những nghệ nhân bánh truyền thống được công nhận, chị sẽ làm gì để tiếp tục truyền lửa cho các học trò phát huy nét đẹp của ẩm thực Việt?

- Với cương vị là nghệ nhân hay người làm bánh truyền thống, điều mà tôi mong mỏi nhất là quảng bá, giúp mọi người yêu thích nhiều hơn món ăn của quê hương Việt Nam. Và tôi mong sẽ truyền lại nhiệt huyết cho các bạn trẻ yêu thích nghề làm bánh.

Nghệ nhân Hiền Minh là Phó chủ tịch Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, thành viên Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, giảng viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM...

Với nền bánh truyền thống hy vọng các bạn trẻ sẽ chăm chút, bổ sung các hương vị, màu sắc... để thực khách thấy ẩm thực của mình không thua các loại bánh phương Tây.

Tôi vẫn luôn đau đáu muốn có những lớp dạy nghề để các bạn trẻ đến với mình và làm ra được những chiếc bánh truyền thống, giữ gìn bản sắc hương vị của dân tộc vào mỗi dịp họp mặt, lễ tết. Đó cũng là sự nỗ lực góp phần vào phát triển ẩm thực truyền thống của dân tộc.

* Theo chị, hạn chế hiện nay trong việc quảng bá các loại bánh của Việt Nam là gì?

- Nhìn chung, ở những nơi có đông người Việt ở thì bánh Việt đa dạng, dễ tìm. Điều đáng tiếc là bánh Việt thường vẫn bị định vị là bánh không cao cấp, thậm chí rẻ tiền. Một phần vì bà con ra nước ngoài mở tiệm chưa chú trọng đầu tư hình thức cho bánh để có thể bán được giá cao.

Một phần khác vì thói quen cạnh tranh bằng giá vẫn tồn tại trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Người mở tiệm sau cố gắng bán rẻ hơn người trước, cuối cùng là chất lượng bánh bị giảm.

Trên thế giới, bánh Nhật Bản, bánh Đài Loan bán được nhiều và bán được giá cao cho du khách là nhờ hình thức đẹp, hoa văn họa tiết trang trí đậm chất văn hóa bản địa. Tôi nghĩ rằng bánh Việt Nam đa dạng, đa vị và ngon không kém bánh các nước trên, chỉ có điều chúng ta chỉ mới coi trọng hương vị chứ chưa chú ý nhiều đến tính mỹ thuật của món ăn.

* Để đưa ẩm thực Việt ra với thế giới, theo chị cần thêm những điều kiện thế nào?

- Hiện nay, tôi đã liên kết với một công ty xuất khẩu để đưa bánh da lợn, bánh chuối nướng qua thị trường Nhật, đưa kem chuối qua Mỹ... nhưng vẫn mới chỉ bước đầu.

Theo tôi, để quảng bá ẩm thực Việt, điều đầu tiên vẫn phải là chất lượng sản phẩm. Chất lượng tốt mới có thể tiếp cận được thực khách thế giới. Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản, chế biến cũng cần được hỏi học thêm từ các nước. Một vấn đề rất quan trọng đối với ẩm thực là các món ăn ngon nhưng phải an toàn. Người tiêu dùng ở các nước phát triển rất chú trọng đến yếu tố thiên nhiên, bền vững.

Như đã nói, muốn nâng tầm cho thực phẩm nói riêng, các món bánh dân gian truyền thống nói chung thì phải có sự cầu thị. Phải học hỏi cách chăm chút vào mẫu mã, hình thức như bánh nước ngoài, biết cách tiếp thị đúng người đúng chỗ.

Cần đầu tư nhiều chất xám để bánh đẹp hơn, đặc sắc hơn và xuất hiện với tần suất cao hơn ở những kênh quảng bá, kênh phân phối hiện đại.

* Xin cảm ơn chị!

Vương Thế (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/nghe-nhan-banh-viet-tran-thi-hien-minh-toi-muon-dua-banh-truyen-thong-cua-viet-nam-den-voi-ban-be-the-gioi-3168538/