Nghệ nhân Bảy Nghĩa và tình yêu nghệ thuật với lá sen khô

ĐTO - Ở tuổi ngoài lục tuần là giai đoạn nhiều người muốn nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già bên con cháu, song với ông Lê Văn Nghĩa (61 tuổi) quê ở xã Long Hưng B, huyện lấp Vò, lại là thời điểm vàng để “cháy” hết mình cho đam mê hội họa. Chỉ bằng những nguyên liệu bình dị như lá sen khô và vỏ tràm, nhưng với bàn tay tài hoa của mình, ông Nghĩa đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng mang dấu ấn quê hương Đồng Tháp.

Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa khắc họa chân dung ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa khắc họa chân dung ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

Vẽ tiếp đam mê thời tuổi trẻ

Mặc dù có khiếu hội họa từ thời trẻ nhưng trước áp lực “cơm áo gạo tiền”, chàng trai trẻ Lê Văn Nghĩa (Bảy Nghĩa) ngày ấy đành theo nghề thợ mộc. Năm tháng qua đi, tưởng chừng niềm đam mê nghệ thuật xếp vào dĩ vãng, song năm 2017 ở tuổi ngoài 60, trong một lần rảo bước ngoài đồng, ông ấn tượng mạnh với màu sắc và hình khối của vỏ cây. Chính khoảnh khắc này đã nhắc nhớ niềm đam mê hội họa cháy bỏng thời trai trẻ và là động lực thôi thúc ông viết tiếp ước mơ còn dang dở của mình.

Chân dung bà Tuyết Nhung được ông Nghĩa khắc họa từ vỏ tràm

Không có người chỉ dẫn, cũng chưa từng theo học bất kỳ trường lớp mỹ thuật nào, chỉ bằng niềm đam mê và vốn liếng về hội họa được tích góp của những ngày trong quân ngũ, những bức tranh vỏ tràm đầu tiên của ông Bảy Nghĩa ra đời. Ban đầu, ông Nghĩa cũng thử sức ở nhiều thể loại như: tranh phong cảnh, tranh chân dung, nhưng cuối cùng vẽ chân dung vẫn là thể loại mang lại cho ông nhiều cảm xúc nhất.

“Từ ngày bà xã tôi mất, tôi rất hụt hẫng, tinh thần lao dốc, cũng may duyên đẩy đưa để tôi trở về ước mơ thời trẻ. Tôi bắt tay vào sáng tác miệt mài, quên ăn quên ngủ. Có những lúc sáng tác được một bức tranh vừa bụng, tôi thao thức cả đêm vì sung sướng và hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình như tái sinh lần nữa khi được sống trọn với đam mê của mình” - ông Nghĩa xúc động chia sẻ.

Đến thăm ngôi nhà cấp 4 và cũng là xưởng vẽ của ông Nghĩa, chiêm ngưỡng những tác phẩm, có lẽ bức chân dung của bà Tuyết Nhung - người vợ quá cố của ông là một trong những bức tranh để lại nhiều cảm xúc nhất với người xem. Tuy chất liệu chỉ bằng những mảnh vỏ tràm xù xì, thô sơ nhưng đường nét trên gương mặt người phụ nữ ấy vô cùng sống động làm toát lên một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của một người phụ nữ Nam bộ truyền thống.

Cuộc đời thăng hoa với tranh lá sen khô

Sau một thời gian gắn bó với nghề vẽ tranh từ chất liệu vỏ tràm, ông Nghĩa hoàn thành nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Song trong trái tim người nghệ sĩ này vẫn đau đáu một nỗi niềm riêng. Ông Bảy Nghĩa nhớ lại: “Nếu làm tranh từ vỏ tràm thì ở đâu cũng có thể làm được, tôi muốn đưa một loại nguyên liệu rất đặc trưng của quê hương Đồng Tháp là sen vào tác phẩm của mình. Nếu may mắn tác phẩm của tôi có cơ hội đi xa thì nhiều người nhìn vào tranh sẽ biết nó đến từ đâu, tôi chỉ mơ ước làm được điều gì đó ý nghĩa cho quê hương”.

Theo ông Bảy Nghĩa, để cho ra đời một bức tranh lá sen hoàn hảo thì cần phải trải qua khá nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên, những lá sen tươi ngoài đồng được hái đem về phơi sương, phơi nắng để lá sen nhót lại và cố định màu. Sau đó, lá sen sẽ được cắt, ủi, phân loại từng nhóm cẩn thận. Phác thảo bản vẽ, cố định lá sen trên nền bản thảo, phơi khô, đóng khung là những công đoạn cuối cùng của một bức tranh sen.

Khác với các loại tranh sơn dầu hay tranh sử dụng màu vẽ, tranh của ông Nghĩa khá mộc mạc và dung dị, gam màu chủ đạo của hầu hết các bức tranh là trắng - đen hoặc nâu vàng... Đây là những gam màu tự nhiên của lá sen sau khi được trải qua sương, nắng, không bị bất kỳ tác nhân hóa học nào can thiệp. Có lẽ đây cũng chính là điểm đặc biệt và cuốn hút người xem của tranh lá sen.

Tất cả các đường nét và hình khối trên gương mặt nhân vật được ông Nghĩa tỉ mẩn ghép từ hàng vạn mảnh lá sen lại với nhau

Đang tỉ mẩn khắc họa bức chân dung ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam), ông Nghĩa tâm sự: “Một trong những cái khó nhất của khắc họa chân dung chính là thể hiện được thần thái của người được khắc họa. Tùy vào từng đối tượng cụ thể mà cách thể hiện thần thái trên gương mặt sẽ khác nhau. Ví dụ, thần thái của một chính khách sẽ khác rất nhiều so với một doanh nhân, người nghệ sĩ khác xa một huấn luyện viên bóng đá... Trước khi muốn thể hiện một nhân vật nào, tôi thường tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc sống xung quanh nhân vật đó để truyền tải một cách chân thật nhất vào tác phẩm của mình”.

Dù bén duyên với hội họa khá muộn nhưng ông dành tình yêu cho nghề với nhiều tâm huyết: “Lúc trước, tôi còn cà phê sáng, chuyện trò với bạn bè, hơn cả năm nay, tôi thưởng thức cà phê tại nhà, có khi 10 ngày không ra khỏi nhà để chuyên tâm sáng tác tranh. Thậm chí để tập trung cao độ cho công việc, tôi tắt luôn điện thoại vì sợ tâm trí bị chi phối ý tưởng sáng tạo cho bức tranh. Tranh từ chất liệu lá sen thường làm một buổi là xong, nhưng cũng có khi phải hai, ba ngày mới hoàn thành” - ông Nghĩa tâm sự.

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập tranh từ vỏ tràm và lá sen của ông Bảy Nghĩa

Đến thăm phòng tranh của ông Nghĩa, người xem sẽ bắt gặp rất nhiều gương mặt quen, từ huấn luyện viên nổi tiếng Park Hang Seo của Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam, cho đến Tổng thống Mỹ Donald Trump hay danh hài Hoài Linh... Phần lớn các bức chân dung trên đều do ông Nghĩa cảm mến các nhân vật và nghiên cứu sáng tác nên. Thời gian gần đây, ngoài việc sáng tác vì niềm đam mê thì tác phẩm tranh của nghệ nhân Bảy Nghĩa cũng được khách hàng nhiều nơi biết tới. Tranh lá sen của ông có những tác phẩm được địa phương lựa chọn làm quà tặng cho nhiều chính khách và đối tác khi đến làm việc tại tỉnh nhà; tranh của ông cũng được nhiều doanh nhân, khách hàng ở nhiều tỉnh, thành đặt hàng. Hiện các tác phẩm từ tranh lá sen của ông Nghĩa giúp ông thỏa niềm đam mê và có được cuộc sống ổn định hơn.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/nghe-nhan-bay-nghia-va-tinh-yeu-nghe-thuat-voi-la-sen-kho-89098.aspx