Nghệ nhân của bản Dao Thanh Y

Bà Trương Thị Hoa luôn tất bật với các lớp dạy thêu, dạy hát miễn phí, chỉ với mong muốn gìn giữ những tinh hoa hoa văn hóa dân tộc Dao Thanh Y.

Đã ở tuổi 64 nhưng ngày ngày, bà Trương Thị Hoa ở xã Quảng La, huyện miền núi Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh luôn tất bật với các lớp dạy thêu, dạy hát miễn phí, chỉ với mong muốn gìn giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc Dao Thanh Y không bị mai một. Với những đóng góp của mình, bà Trương Thị Hoa đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Bà Trương Thị Hoa (bên phải) trong bộ trang phục người Dao Thanh Y.

Bà Trương Thị Hoa (bên phải) trong bộ trang phục người Dao Thanh Y.

Trong căn nhà nhỏ của mình ở thôn 6, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, bà Trương Thị Hoa đang hướng dẫn chị em phụ nữ trong thôn thêu các chi tiết trong bộ trang phục cô dâu của người Dao Thanh Y. Từng đường kim mũi chỉ, các “học trò” chăm chú theo lời chỉ dẫn để hoàn thiện “tác phẩm” của mình.

Bà Hoa bảo thêu trang phục dân tộc Dao phải kiên trì, khéo léo và tập trung: "Cái này phải thêu bằng chỉ không may được. Cái thêu này phải đếm chỉ, từng nét một nên rất là khó phải cố gắng kiên trì mới được. Tôi thấy nhiều người vẫn muốn học thêu nên tôi cứ gọi các cháu mình, các cháu hàng xóm sang học. Càng khó, càng phải cố gắng nhiều."

Những lúc rảnh rỗi, bà Trương Thị Hoa hướng dẫn chị em phụ nữ trong thôn thêu các chi tiết trong bộ trang phục cô dâu của người Dao Thanh Y.

Trang phục của người Dao Thanh Y có rất nhiều chi tiết, hoa văn và màu sắc, điều đặc biệt là các công đoạn từ khâu cắt cho đến thêu hoa văn đều phải làm bằng tay. Chính vì vậy, được một nghệ nhân có hàng chục năm kinh nghiệm tâm huyết truyền dạy, lớp học thêu của bà Trương Thị Hoa không lúc nào vắng.

Chị Đặng Thị Lê, một trong những "học trò" của bà Hoa cho biết: Để thêu được 1 bộ quần áo nếu ai chịu khó, kiên trì thì mất 1-2 năm, còn ai chậm hơn cũng phải mất vài năm.

"Từ năm 15-16 tuổi bắt đầu mình học bà, không phải lúc nào mình cũng học được bởi mình bận làm nông, nhưng ngày nào rỗi mình cũng sang học. Bà thêu rất giỏi...", chị Lê chia sẻ thêm.

Từng đường kim mũi chỉ, các “học trò” chăm chú theo lời chỉ dẫn để hoàn thiện “tác phẩm” của mình.

Không chỉ dạy cho các thiếu nữ người Dao biết thêu những bộ trang phục dân tộc truyền thống mà Nghệ nhân ưu tú Trương Thị Hoa còn muốn truyền lại cho các thế hệ sau những làn điệu dân ca của dân tộc. Thuần thục nhiều bài hát đối, hát giao duyên, hát cấp sắc,… và luôn sẵn lòng hướng dẫn cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống, bà Hoa luôn quan niệm: "Mình là thế hệ đi trước mà không lưu giữ được thì đời sau khó có thể phát huy. Tôi động viên các cháu phải học hát, học thêu. Khi nào rảnh rỗi ở nhà tôi bảo các cháu sang cùng nhau học. Khi được nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú, tôi càng thấy phải có trách nhiệm động viên, bảo ban các con các cháu chịu khó học để giữ bản sắc dân tộc của mình.”

Lý Thị Như (18 tuổi), cháu nội của bà Hoa cũng là một trong những "học viên" tích cực của lớp học. Từ bé đã được bà thêu quần áo, được bà hát ru từ thuở trong nôi, Lý Thị Như chia sẻ: “Đây là bản sắc dân tộc mình nên em rất thích. Bây giờ em đang tập thêu và sắp tới chuyển sang học hát. Em cảm thấy rất tự hào vì được bà truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc, em rất mong được tiếp nối truyền thống của dân tộc mình.”

Lý Thị Như (18 tuổi), cháu nội của bà Hoa cũng là một trong những "học viên" tích cực của lớp học.

Đau đáu nỗi niềm giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, không tiếc công tiếc sức truyền dạy kiến thức cả đời mình cho những thế hệ sau... những nghệ nhân như bà Trương Thị Hoa rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng và cộng đồng. Đó thực sự là "những báu vật sống" của mỗi dân tộc.

Bà Bùi Thị Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, nói: "Đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi đều có định hướng truyền dạy cho các thế hệ trẻ, nhất là các cháu học sinh và cho những người có sự yêu thích đối với văn hóa truyền thống để có thể trao truyền giữa các thế hệ. Đây cũng là tiền đề tạo ra các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của mỗi địa phương"./.

CTV Thu Hằng/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-nhan-cua-ban-dao-thanh-y-961496.vov