Nghệ nhân đồng thầy Phạm Văn Thăng: Duyên tiền định làm con cửa Cha cửa Mẹ

'Năm 13 tuổi tôi đã có nhân duyên biết đến việc hầu Thánh, vì tôi có những biểu hiện khó lí giải. Chính bản thân tôi cũng không thể giải thích được lý do tại sao khi làm việc âm lại khỏi bệnh. Lúc đó tôi đau ốm liên miên không lí do, đi chữa chạy nhiều bệnh viện, bệnh cũng không thuyên giảm. Ở một góc độ nào đó, người ta tin rằng lên đồng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là một liệu pháp tâm linh chữa bệnh đặc biệt'.

Duyên tiền định làm con nhà Thánh

Trước khi là thủ nhang của Minh Nguyệt điện, thầy chuyên tâm làm kinh doanh, trong tiềm thức lúc bấy giờ chưa bao giờ thầy nghĩ đến việc mở phủ hay làm việc tâm linh phụng sự Thánh mặc dù gia đình có truyền thống 5 đời làm thầy và làm quan trong triều. Nhưng mọi thứ đến với thầy giống như 1 cái duyên tiền định vậy. Trong thời buổi kinh tế khắc nghiệt như hiện nay, việc chuyên tâm làm kinh doanh có lẽ đã khó rồi nên vì thế mà chưa bao giờ thầy nghĩ mình sẽ trở thành một đồng nhân, một người con của Cha của Mẹ. Để trọn đạo với Cha với Mẹ, thầy chọn lui về không làm công việc kinh doanh nữa mà nhất Tâm phụng sự Thánh. Năm 13 tuổi, thầy đã có nhân duyên biết đến việc hầu Thánh, có những biểu hiện kì lạ khó lí giải ngay cả bản thân thầy và gia đình cũng không giải thích được. Năm ấy, thầy ốm đau bệnh tật liên miên, bố mẹ tìm khắp các thầy chữa trị bệnh dương nhiều nơi nhiều cửa nhưng đều không khỏi, chỉ khi được làm lễ âm, kêu tới cửa Cha cửa Mẹ thầy như được cởi bỏ cái áo bệnh tật khoác trên mình mà hoan hỷ hầu Cha hầu Mẹ. Thầy Thăng ngẫm lại, hầu hết những thanh đồng có căn có số, khi sát căn, các lính ghế của Ngài đều bị nhà Ngài thử thách không mắc bệnh tật khó chữa thì cũng đủ bấy nhiêu kiếp nạn. Những người bị Trên cơ đày, ốm đau, thậm chí điên loạn, sau khi biết đến cửa Cha cửa Mẹ mà kêu cầu vọng bái lại trở lại khỏe mạnh bình thường.

Có lẽ mệnh làm con tứ phủ chẳng mong cầu gì hơn là bản thân có thể “Yên căn, yên số, yên sổ thiên đình”; Nghệ nhân đồng thầy Phạm Văn Thăng cũng chỉ mong cầu có vậy. Để có thể hiểu đúng thế nào là Yên căn yên số cùng lắng nghe những chia sẻ của thầy. Người có căn có số chưa ra trình đồng mở phủ được là những người đang trong vòng cơ hành, trả nghiệp. Tùy vào phúc phận, duyên nghiệp mà mỗi người sẽ bị cơ hành khác nhau: cơ tiền, cơ tình, cơ tâm, cơ sức khỏe, cơ kết hợp. Người đã trình đồng mở phủ có những biểu hiện sau đây: Vẫn chưa thoát khỏi vòng cơ hành, cuộc sống vẫn đảo điên thậm chí còn cùng cực hơn trước. Trên sập hầu nhưng bản thân cảm thấy không hoan hỉ, vui tươi, cảm thấy mình làm lỗi làm sai điều gì nhưng không tự mình lý giải được. Đêm hôm vẫn mơ mộng đi đền, đi phủ, mơ được các vị Thánh về báo, mỗi lúc một kiểu lúc rõ ràng, lúc mơ hồ, hoặc mơ thấy ma quỷ, đi lang thang nghĩa trang, bị rượt đuổi… Các đồng này khi đi lễ đền, phủ bị ốp bóng, đảo bóng khóc lóc, quỳ lạy, mất kiểm soát. Thỉnh thoảng bị hết người này đến người kia ốp vào tự xưng là bóng Thánh, gia tiên, vong…Nhiều thanh đồng ra hầu rồi vẫn hoang mang không biết ai là người cầm bản mệnh của mình (có người ra hầu nhưng thầy mở phủ không nói ai là người cầm bản mệnh, nói chung chung, hoặc nói theo kiểu căn người này, bóng người kia, ăn lộc người này, sát người kia…), hoặc biết nhưng vẫn cảm thấy có gì đó không đúng, không có cơ sở để tin. Những người này thần tâm bất ổn, lúc nóng lúc lạnh, có những lúc mất kiểm soát như không phải mình, mất cân bằng cuộc sống, hoang mang lo sợ, mất niềm tin.

Sau hơn 10 năm làm việc tâm linh, thầy luôn hướng thiện và giúp đỡ chữa bệnh âm cho rất nhiều người. Hàng năm, thầy luôn dành một quỹ thời gian, công sức và tiền bạc của mình để tham gia các công tác an sinh xã hội, giúp đỡ những gia đình nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Bởi lẽ thầy hiểu hơn ai hết là một đồng thầy có “Tâm, Tài” để mọi người theo không hề đơn giản. Có những thanh đồng mặc dù đã ra trình đồng mở phủ, “bắc ghế cha ngồi bắc ngôi mẹ ngự” mà vẫn chưa được yên căn yên số, yên bản mệnh. Đồng thầy là người phải hiểu được tường tận những đạo lý, nguyên tắc căn bản trong tứ phủ công đồng. Không phải đồng nào cũng được cha mẹ giao cho chức phận làm “Đồng thầy”, “Làm lính có công, làm đồng có phép”, đồng hầu, đồng pháp, đồng dí, đồng soi, đồng chữa không được phép mở phủ trình đồng cho đồng con. Nhưng nếu vô tình hoặc tự ý làm đồng thầy dẫn đến làm sai, không mở thông được 4 phủ cho con đồng. Việc đồng thầy có khả năng mở phủ hay không, không thể nhìn bằng mắt dương được, vì vậy tốt nhất trước khi các bạn định theo đồng thầy nào trước hết phải tỉnh táo suy nghĩ thực tế xem người thầy đó có đủ tư cách, đủ tâm, đủ tài để dẫn dắt mình không? Những người thầy đã dẫn dắt hiện nay họ ra sao, cách thức phong thái thầy làm việc như thế nào? Như vậy có thể thấy một thanh đồng làm trọn đạo Thánh đã khó, làm một đồng thầy dẫn dắt cho con đồng lại càng khó hơn.

Con Rồng Cháu Tiên: Ngàn đời kế thừa tinh hoa dân tộc

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ của người Việt là tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thủy và tồn tại cùng chiều dài của lịch sử. Nó có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình. Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Tôn thờ người Mẹ, đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi và sáng tạo. Nó không giống các tôn giáo khác, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi bởi đạo Mẫu quan tâm trước hết đến đời sống trần gian của con người về nhiều mặt như sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc… Tục thờ Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở và không có bất cứ sách vở nào viết quy chuẩn về Đạo Mẫu nhưng lại được lưu truyền trong dân gian. Tục thờ Mẫu thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý Uống nước nhớ nguồn bởi các nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là những vị anh hùng dân tộc, có công với nhân dân với đất nước. Và để hưởng ứng, báo đáp công ơn của các vị Thánh hiển linh qua các điển tích, truyền thuyết của các vị anh hùng dân tộc lịch sử bằng nghi thức Hầu Đồng diễn sướng.

Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở người Việt đã phát triển hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ rồi Tứ Phủ. Tam Phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ, đó là: Thiên Phủ (Miền trời), Nhạc Phủ (miền rừng núi) và Thoải Phủ (Miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị) trông coi miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ cây, chim, thú... Còn Mẫu thoải (Mẫu Đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp. Đến thờ Mẫu Tứ Phủ thì có thêm Địa Phủ đứng đầu là Mẫu Địa Phủ (Mẫu đệ tứ) quản lý vùng đất đai, nguồn gốc cho mọi sự sống.

Tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa Việt Nam thờ Mẫu Liễu Hạnh, quan niệm dân gian xem bà là hóa thân, thậm chí đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên vì bà là con gái của Ngọc Hoàng thượng đế. Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện từ thế kỉ XVI nhưng cho đến nay chưa có tài liệu chính xác để khẳng định Tứ phủ có từ bao giờ. Cũng có thể từ Tam phủ chuyển sang Tứ phủ là sự thể hiện tư duy trong dân gian, từ Tam Phủ lên Tứ Phủ cho đầy đủ về vũ trụ. Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành thần chủ của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta càng phát triển mạnh và nâng lên một trình độ cao hơn, toàn diện hơn.

Thuộc thế hệ thanh đồng sinh ra trong những thập niên 80, nghệ nhân đồng thầy Phạm Văn Thăng luôn hết lòng sống vì đạo. Thầy luôn cho rằng việc kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu là việc làm hàng ngày của tất cả mọi người chứ không chỉ của riêng ai. Hiểu được đạo đã khó, những người con Cha con Mẹ hành đạo và giữ được đúng đạo lại càng khó hơn. Chính bởi thế giữ cho mình một cái “Tâm sáng” luôn là kim chỉ nam sống và hành đạo của đồng thầy Phạm Văn Thăng.

Xuân Huy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghe-nhan-dong-thay-pham-van-thang-duyen-tien-dinh-lam-con-cua-cha-cua-me-61928