Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân: Cả đời cùng cánh diều bay cao

Giữa TP.HCM xô bồ, náo nhiệt có một nghệ nhân đã dành hơn nửa đời để theo đuổi bộ môn dân gian chơi diều.

Chơi diều, trò chơi dân gian gắn liền với nhiều thế hệ người Việt đang dần vắng bóng. Thế nhưng ở giữa TP.HCM có một nghệ nhân đã dành cả đời để theo đuổi bộ môn này. Ông là nghệ nhân dân gian Nguyễn Thanh Vân, sống ở quận 1, TP.HCM.

Bỏ ăn vì… mê diều

Sinh ra ở TP.HCM, tuổi thơ của nghệ nhân Thanh Vân gắn liền với những trò chơi dân gian như đá cầu, bắn bi, ô ăn quan, thả diều giấy… Thời của ông, TP.HCM vẫn còn rất hoang sơ và không có nhà lầu nhiều.

Nghệ nhân Thanh Vân đã lập nhiều thành tích đáng nể đối với bộ môn nghệ thuật dân gian diều. Một trong số đó là con diều rồng dài 100 m được ông trình diễn tại Festival biển Vũng Tàu tổ chức năm 2006 đã xác lập kỷ lục do tổ chức Vietbook trao.

Tại Festival diều nghệ thuật quốc tế diễn ra ở Trung Quốc năm 2009, con diều sáo sải cánh 4 m, dài 3 m đã mang về cho ông giải bạc. Tại Festival diều 2010 tổ chức ở Ấn Độ, con diều hình chim phượng hoàng (sải cánh 6 m, dài 12 m) của ông đã đoạt giải nhất…

“Từ lúc sáu tuổi, tôi đã bắt đầu tự tay làm diều giấy. Khi đó, chúng tôi làm những con diều hình vuông và cùng bạn bè trong xóm đi thả vào mỗi mùa hè hoặc buổi chiều sau giờ tan học” - ông Vân nhớ lại. Ngày nào cũng vậy, rồi ông mê diều đến nỗi bỏ ăn, bỏ ngủ lúc nào chẳng hay. Đòn roi của cha mẹ cũng không ngăn nổi ông.

“Hồi nhỏ, chúng tôi cũng học ngày hai buổi, trưa phải ngủ để chiều đi học tiếp. Vào những buổi trưa đó, tôi thường không ngủ mà lén dán diều để chiều đi học về là có để thả ngay vì chờ đi học về mới dán thì trễ quá, không có gì để thả. Cha mẹ phát hiện ra thế là ăn đòn” - nghệ nhân Thanh Vân kể.

Không chỉ vậy, vì muốn thấy diều mình bay cao hơn, ông lại thả dây diều thật dài nên đến khi thu hết dây lại thì bỏ lỡ luôn giờ cơm tối.

“Thấy tôi thả diều, nâng diều bị té, trầy xước ở đầu gối rồi bỏ cả cơm, cha mẹ rất phiền lòng. Mỗi lần làm diều xong tôi phải giấu cha mẹ vì ông bà thấy được sẽ bẻ hết, không cho chơi nữa” - ông Vân nhớ lại.

Đến khi cưới vợ, thú chơi diều của ông tiếp tục vấp phải sự phản đối của vợ vì thấy ông cả ngày chỉ làm diều, thả diều mà ít để ý đến công việc gia đình.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân bên cạnh con diều của mình. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên sau này, vì thấy ông quá mê mẩn diều nên vợ ông đã quyết định thử đi theo để xem ông thả diều.

“Bà ấy đi ra bãi thả diều khoảng 2-3 lần, thấy diều tôi làm không những bay được mà bay lên cao nữa nên thấy yêu thích và sau đó xin đi theo chơi diều luôn” - ông Vân kể. Không chỉ vậy, vợ của ông còn làm phó chủ nhiệm CLB diều Phượng Hoàng ở quận 8 do ông thành lập năm 1999.

Tự mày mò làm diều

Bắt đầu từ sự yêu thích, nghệ nhân Thanh Vân đã bắt tay nghiên cứu chế tác đa dạng những con diều, ngày càng tăng về độ khó để thả cùng bạn bè.

Thời gian đầu, ông phải tự kiếm tre rồi về chẻ ra để làm khung diều. Trước đó, chưa biết chỗ mua thì ông lấy những cây nhang lớn của người Hoa để thay thế. Lúc này, các nguyên liệu như vải, giấy thường bở nên cũng không thể làm diều lớn được, làm bao nhiêu hư bấy nhiêu.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân truyền nghề làm diều cho lớp trẻ. Ảnh: NVCC

Hầu hết diều của ông là đều tự nghiên cứu tìm tòi, tham khảo trên mạng rồi bắt chước làm theo.

“Ai đưa bất kỳ hình dạng gì, tôi cũng có thể làm được con diều hình dạng đó vì đã hiểu được nguyên lý làm thế nào để diều bay nhẹ, vô gió, xả gió ở đâu. Hiện tại, nửa tháng tôi mới làm xong một con diều. Trong quá trình làm, phải cẩn thận từng mũi may, đường cắt của vải nếu không khi thả diều không bay lên được thì bỏ chứ không xài được nữa” - ông Vân cho hay.

Bán lại diều để nuôi đam mê

Liên tục xác lập kỷ lục trong và ngoài nước nhưng đôi lúc nghệ nhân Thanh Vân vẫn trăn trở bởi “sở thích là một chuyện nhưng sống được với nó là cả một vấn đề”.

Quá trình mưu sinh bằng nghề làm diều của ông cũng trải qua không ít thăng trầm. Trước đó, ông làm thợ điện chuyên bảo trì điện, nước trong một khách sạn của Nhà nước. Đến khi nghỉ hưu, ông đã rút hết số tiền hưu để đầu tư mua đồ làm diều bán. Tuy nhiên, việc buôn bán cũng trắc trở vì bị các nhà buôn làm khó về tiền bạc. Chẳng hạn, lô diều ông làm 1.000 con nhưng chưa được trả tiền liền, đến khi bán gần hết và đặt làm thêm thì họ mới trả.

Từ đó, ông không buôn bán nữa và chỉ làm diều để chơi, ai có hứng thú mua thì ông bán lại để đầu tư cho sở thích của mình.

“Chẳng hạn một con diều tôi làm khoảng 2 triệu, ai muốn mua tôi sẽ bán lại 2,5 triệu, lời 500.000, đủ tiền đầu tư vào vật liệu để làm một con diều khác. Tôi chơi không tốn tiền nhà mà dựa vào tiền bán diều để nuôi đam mê” - ông Vân bộc bạch.

Mong TP.HCM có sân chơi thả diều

Xã hội phát triển, những trò chơi dân gian dần bị thay thế hiện đại hơn. Dù vậy, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân vẫn cố gắng truyền nghề cho những “đệ tử” của mình. Ông có 10 “đệ tử” do chính mình dạy từ nhỏ đến lớn, thường tụ tập lại để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm diều.

Ông mong mỏi TP sẽ có thêm nhiều sân chơi để thả diều. Bởi theo ông, ở nước ngoài như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… đều có những bãi diều lớn để tổ chức lễ hội thả diều trong nước.

“Trong tương lai tôi vẫn tiếp tục duy trì và theo đuổi đam mê thả diều của mình. Dù TP không còn sân chơi và phải đi mỗi ngày hơn 20 km mới đến chỗ thả diều thì tôi cũng vẫn đi” - nghệ nhân Thanh Vân bộc bạch.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghe-nhan-nguyen-thanh-van-ca-doi-cung-canh-dieu-bay-cao-post730836.html