Nghệ nhân Thanh Liêm: Từ 'đờn bẹ dừa' đến tiếng đờn tài tử điêu luyện

Đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, song ngọn lửa đam mê Đờn ca tài tử trong Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Thanh Liêm dường như chưa bao giờ giảm.

Hơn mấy chục năm qua, NNƯT Thanh Liêm luôn miệt mài rèn luyện, cống hiến tài nghệ của mình phục vụ tại Đoàn văn công Cần Thơ lúc thời chiến và truyền tình yêu đối với bộ môn Đờn ca tài tử đến biết bao thế hệ trẻ trong thời bình.

Ông là một trong những “người anh cả” của giới Đờn ca tài tử Nam Bộ trên hành trình gìn giữ và phát triển văn hóa phi vật thể của nhân loại.

NNƯT Thanh Liêm.

NNƯT Thanh Liêm.

NNƯT Thanh Liêm tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1949, tại xã Xuân Hòa – huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng. Ông biết đến Đờn ca tài tử khi mới lên lên 8, lên 9 bằng công việc quay dĩa hát hàng ngày kiếm tiền phụ gia đình.

Trong thời gian ngắn, ông đã thuộc làu hết các bài bản cổ, kỹ thuật ca ngâm, ngân, luyến láy của các tài tử đi trước. Khi ấy, nhà nghèo, ông sáng tạo bằng cách lấy bẹ dừa làm đờn, miệng thì nhép theo tiếng đờn phát ra từ đĩa trong máy hát. Chiếc đờn dừa theo ông suốt hai năm, 11 tuổi, ông được học chính thức với thầy tại chợ quê cũ Cái Côn và đây cũng là lần đầu ông tiếp xúc với chiếc đờn kìm, đờn guitar ao ước bấy lâu.

Điều NNƯT Thanh Liêm luôn tự hào là khoảng thời gian hoạt động thanh niên, làm công tác tuyên huấn, phục vụ kháng chiến vào năm 1966 khi đó ông 17 tuổi. Đầu năm 1970, biết được tài ca hay, đờn giỏi của ông nên Tỉnh ủy Cần Thơ cũ rút ông về đoàn văn công, phục vụ văn nghệ ở các chiến trường. Cùng với các đồng đội ở đoàn văn công, ông di chuyển khắp các trận địa thuộc tỉnh Cần Thơ, 9 tháng di chuyển, 3 tháng ở hậu cứ tập dợt. Chính “tiếng hát át tiếng bom” của đoàn văn công đã góp phần vực dậy tinh thần chiến đấu, cổ vũ lao động, sản xuất để hậu phương và tiền tuyến lúc nào cũng đoàn kết một lòng.

NNƯT Thanh Liêm hào hứng: "Hồi đó kháng chiến mà, phục vụ đông lắm, ngồi trên xuồng câu, du kích và cán bộ địa phương gặp đoàn lên hát, rồi vỗ tay muốn sập cầu, vui lắm. Chết sống trong gang tấc, nhưng mà được phục cho các đồng đội thấy rất vui".

Năm 1972, NNƯT Thanh Liêm chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam, ông tự hứa sẽ cống hiến hết sức mình để đưa bộ môn sân khấu cải lương, đờn ca tài tử đến nhiều hơn với công chúng. Ông vừa phục vụ, vừa học nâng cao (đờn, ca, diễn), vừa truyền dạy lại cho đàn em. Sau giải phóng, ông sinh hoạt tại Nhà hát Hậu Giang, Phó đoàn hát Sông Hậu 1, Trưởng đoàn hát Sông Hậu 2 và làm Trưởng bộ môn Sân khấu trường Trung cấp sân khấu nghệ thuật Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng sân khấu nghệ thuật Cần Thơ), từ năm 1994 cho đến khi về hưu vào năm 2010.

Đã mang trong mình dòng máu tài tử, NNƯT Thanh Liêm quan niệm, về hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi, là thôi hoạt động nghệ thuật. Ông tiếp tục thỉnh giảng tại Trường Cao đẳng sân khấu nghệ thuật Cần Thơ (chỉ ngưng dạy cách đây 2 năm); mở lớp đào tạo cho giới trẻ, người yêu thích bộ môn đờn ca tài tử, làm giám khảo trong Liên hoan đờn ca tài tử trong khu vực… Sự yêu nghề, lòng nhiệt huyết của ông đã giúp thế hệ trẻ thêm yêu bộ môn nghệ thuật dân tộc.

Nghệ nhân Thanh Liêm được phong tặng NNƯT vào tháng 3/2019.

Ông Nguyễn Thanh Bình, hiện là giảng viên bộ môn sân khấu - Trường Cao đẳng sân khấu nghệ thuật Cần Thơ, từng là học trò ngồi trên giảng đường do NNƯT Thanh Liêm giảng dạy chia sẻ: "Thầy nói rằng, đây là môn nghệ thuật truyền thống chỉ có ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, thì sao chúng con không tiếp tục phát huy, gìn giữ, chia sẻ kinh nghiệm? Niềm đam mê của thầy với đờn ca, nhà trường và chúng tôi thấy rõ, nhất là những lần Hội thảo khoa học, những vở tốt nghiệp thầy cũng lên xem, rồi sau đó thầy truyền đạt kinh nghiệm, góp ý rất tận tình, mong cho nghệ thuật truyền thống này phát triển lên".

Hơn 60 năm gắn bó với bộ môn sân khấu, thông thạo nhiều loại đờn (đờn guitar, đờn kìm, đờn sến, đờn violon…), NNƯT Thanh Liêm đã truyền nghề cho biết bao lớp nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử. Trong đó, có nhiều người đã thành danh như: NNƯT Kiều Nga, nghệ nhân Trường Út, nghệ sĩ Võ Minh Lâm (Giải nhất Chuông vàng vọng cổ 2006), nghệ sĩ Hồng Thủy… cũng đang từng ngày góp phần đưa cải lương, đờn ca tài tử đến gần với giới trẻ hơn.

Là thế hệ học trò đầu tiên của NNƯT Thanh Liêm, NNƯT Kiều Nga, hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô – Cần Thơ cho biết: "Không chỉ giảng dạy tại trường thầy mới ân cần, ngay cả khi đã thành danh, khi tôi cần đến sự giúp đỡ, trong các cuộc thi hay trong việc đào tạo thế hệ trẻ, thầy vẫn chỉ bảo tận tình, không phiền hà".

Dù cải lương, đờn ca tài tử vẫn đang tồn tại nhưng thực tế, loại hình nghệ thuật này ngày càng mất vị thế trong lòng công chúng so với những loại hình giải trí khác. Đây cũng là điều mà NNƯT Thanh Liêm và các nghệ nhân khác luôn trăn trở.

Theo NNƯT Thanh Liêm, để cải lương, đờn ca tài tử sống được trong lòng mọi người, nhất là giới trẻ thì sân khấu cần có cuộc “thay da đổi thịt”: "Muốn cho giới trẻ làm được thì mình phải sáng tác sao cho phù hợp với cuộc sống. Thay đổi từ gốc, có nghĩa là chính bản thân đờn ca tài tử phải làm mới mình, thay đổi nội dung, thay đổi phương pháp, cả trang phục, cách biểu diễn phải làm mới, tất nhiên vẫn dựa trên quy cũ. Chủ yếu là nội dung, cách thể hiện trên sân khấu, phương pháp về nghề nghiệp làm sao cho mới hơn, hay hơn, tinh tế hơn, vở diễn, cốt truyện đưa ra gần gũi quần chúng hơn".

Với những cống hiến cho nghệ thuật dân tộc nước nhà, NNƯT Thanh Liêm đã được trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý, trong đó được phong NNƯT loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian Nam bộ, lĩnh vực Đờn ca tài tử” vào tháng 3/ 2019.

Bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn hàng ngày đem kiến thức, kinh nghiệm cũng như bí quyết đã tìm tòi được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, những người đam mê, để Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ mãi là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng./.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-nhan-thanh-liem-tu-don-be-dua-den-tieng-don-tai-tu-dieu-luyen-959414.vov