Nghệ nhân tò he đem niềm vui đến với bệnh nhi

Là truyền nhân đời thứ 5 nhưng anh Đặng Văn Kha ở Phú Xuyên (Hà Nội) đã có 24 năm gắn bó với nghề nặn tò he. Anh từng nhiều lần tham gia các chương trình từ thiện nặn tò he tặng bệnh nhi và trẻ em tàn tật.

Anh Đặng Văn Kha cùng học sinh nặn tò he tặng bệnh nhi

Anh Đặng Văn Kha cùng học sinh nặn tò he tặng bệnh nhi

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K Tân Triều, hay ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Sơn Tây… là những địa chỉ anh thường lui tới cùng niềm vui cho những trẻ em thiệt thòi.

Thích thú với quà tặng tò he

Sinh năm 1973, ngay từ khi còn nhỏ cậu bé Kha đã được trực tiếp xem cha và ông nặn tò he. Lên 4, 5 tuổi Kha đã tự nặn được nhiều hình như hoa, con thú... Thêm vào đó, được sinh ra và lớn lên từ chính làng nghề tò he Xuân La, Phượng Dực với mấy trăm năm lưu truyền đã khiến Kha đam mê nghề hơn.

Nói về công việc nặn tò he của mình, anh Kha chia sẻ: “Tôi nặn tò he từ năm 1995, đến nay đã bước sang năm thứ 24. Đây là nghề gia truyền của cha ông để lại, đã có cách đây khoảng 300 năm. Tính đến tôi là đời thứ 5. Hai con của tôi là đời thứ 6, chúng thường xuyên tham gia công việc này với bố và đặc biệt là rất yêu nghề.

Hôm nay, tôi đi làm cùng với hội thiện nguyện Ban phố cổ của quận Hoàn Kiếm, đến nặn tò he tặng cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Một năm, tôi vào đây nhiều lần, nặn tò he tặng cho các cháu. Những tò he hình công an và siêu nhân ngộ nghĩnh rất được các bệnh nhi thích thú bởi các cháu đều muốn mình khỏe mạnh, khỏi hết bệnh tật”.

Nhìn những bệnh nhi, vừa dịch chuyển vừa phải mang theo bình thuốc truyền bên người nhưng vẻ mặt hồ hởi, thích thú khi được bác Kha tặng cho những hình tò he ngộ nghĩnh, người lớn đứng cạnh cũng thêm ấm lòng.

Những đồ chơi nặn từ bột đã trở thành món ăn tinh thần cổ vũ cho các bé. Thông thường, các bé trai thường thích tò he siêu nhân với đủ màu sắc trang phục đỏ, hồng, vàng, đen. Có bé lại thích tò he hình công an. Còn với các bệnh nhi là bé gái, thích được bác Kha tặng cho những bông hoa, hình búp bê, hoặc những con vật ngộ nghĩnh.

Thấy bác Kha nặn tò he ở hành lang Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tốp học sinh Trường THCS Cầu Giấy vào làm từ thiện cũng sà vào làm cùng. Mỗi tò he được các em trao tận tay bệnh nhi.

Chị Trinh quê ở Bắc Ninh, đang ở viện chăm sóc con tâm sự: “Có nhiều đoàn thiện nguyện đến viện thăm hỏi và tặng quà cho bệnh nhi nhằm chia sẻ khó khăn với các gia đình. Các cháu được tặng bánh kẹo, đồ chơi, sữa… nhưng đây là lần đầu tiên con trai của tôi được chơi tò he và cháu thích thú dõi theo từng động tác nặn tò he của bác Kha”.

Bệnh nhi thích thú với tò he của bác Kha tặng.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian

Để có được một buổi mang tò he đến với trẻ em, anh Kha phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ hôm trước. Thậm chí, để có được hàng trăm tò he trao tặng cho các em bé tàn tật hay bệnh nhi trong mỗi lần đi tặng, nhiều tò he được anh nặn trước ở nhà, như thế hình nặn sẽ khô, kịp tặng cho các bé.

Có những chuyến từ thiện, anh Kha còn huy động thêm một số lượng tò he của bà con trong làng Xuân La gửi tặng.

Anh Kha kể ngày trước, cứ dịp rằm tháng Tám, các cụ nặn tò he là anh lại lân la ngồi nặn cùng. Lúc bé, mất 10 - 15 phút mới nặn được những bông hoa và con lợn, con gà nhưng học xong phổ thông, tốt nghiệp Cao đẳng Y tế mới là giai đoạn anh Kha gắn bó với nghề gia truyền này.

Lúc rảnh rỗi, vào dịp nghỉ lễ, Tết anh Kha ra công viên, khu vui chơi ngồi nặn tò he bán cho trẻ em. Khi đã có tay nghề thuần thục, chỉ trong một giờ anh Kha có thể nặn được 50 - 60 tò he. Riêng muốn nặn đẹp một bộ tò he 12 con giáp, thì phải mất cả tiếng đồng hồ.

“Nói chung, nghề nặn tò he không đem lại thu nhập cao như công việc buôn bán, không thể làm giàu nhưng cá nhân tôi chỉ muốn gìn giữ nghề truyền thống, không để nó mai một dần trước sự thay đổi của xã hội. Tôi cố gắng truyền đạt cho các con cũng như thế hệ trẻ lưu giữ được nghề tò he, một nét đẹp văn hóa dân gian.

Cháu lớn là sinh viên Trường Đại học Đại Nam, cháu bé học Trường Cao đẳng nghề Điều dưỡng Hà Đông (Hà Nội). Cả hai con của tôi đều biết làm tò he, giúp bố nặn tò he để đi bán, đặc biệt là đi làm từ thiện. Năm nào tôi cũng đến Bệnh viện K Tân Triều có đông bệnh nhi, hoặc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hay những trung tâm bảo trợ xã hội tặng tò hè cho các cháu bé. Mỗi lần theo chương trình từ thiện vào viện nặn tò he tặng cho bệnh nhi, tôi cảm thấy rất vui và ý nghĩa, mong muốn góp phần nhỏ bé động viên các cháu và gia đình”, anh Kha chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nghe-nhan-to-he-dem-niem-vui-den-voi-benh-nhi-3982437-b.html