Nghề 'săn' thảo dược của người Dao đỏ

Thấy khách vào nhà, lang y Lý Thị Mùi, người Dao đỏ, ở bản Việt Tân, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang niềm nở: 'Người dưới xuôi tìm mua thảo dược cho người nhà sắp sinh à? Từ sáng tới giờ, cũng có mấy người dưới Vĩnh Phúc lên bắt mạch bốc thuốc đấy…'. Rồi chị Mùi bắt đầu tiết lộ với chúng tôi về nghề bắt mạch, bốc thuốc, vốn trở thành một nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Dao đã tồn tại qua bao thế hệ dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vĩ.

Nghề hái thuốc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai và kinh nghiệm lâu năm. Ảnh: H. Lưu - P. Uyên

Nghề truyền thống lâu đời

Tạm dừng công việc, lang y Mùi vồn vã rót cốc nước lá rừng có màu nâu sậm mời khách và giới thiệu với chúng tôi về nghề làm thuốc truyền thống vốn rất nổi tiếng của người Dao đỏ ở xã Việt Vinh. Theo chị Mùi, các bài thuốc gia truyền của người Dao đỏ ở xã Việt Vinh có rất nhiều loại thảo dược khác nhau được hái từ rừng sâu để chế ra các bài thuốc có tác dụng chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, mẩn ngứa... và tăng cường thể lực. Do công năng của các bài thuốc này đã được khẳng định trong thực tế từ lâu đời, nên người dân các địa phương, nhất là những gia đình có người nhà sắp sinh nở tìm đến hỏi mua hoặc đặt hàng trước rất đông. "Lúc đặt chân vào bản Việt Tân, các em có thấy dậy mùi ngai ngái không? Mùi lá thuốc đấy! Ở đây có hàng chục gia đình làm nghề tìm kiếm thảo dược, bốc thuốc, đặc biệt là chế lá thuốc tắm nhưng không phải ai cũng nhận mặt cây thuốc được đâu…" - chị Mùi chia sẻ.

Như "say chuyện" về cái nghề truyền thống lâu đời do mẹ truyền lại từ khi còn rất nhỏ, lang y Mùi bộc bạch: Công việc "săn" thảo dược trong rừng về làm thuốc thật lắm gian truân, vất vả, đòi hỏi sức khỏe bền bỉ, lội suối, vượt đèo có khi hai, ba ngày chưa về nhà. Cũng do lá thuốc ngày càng hiếm nên không thể quanh quẩn ở các khu rừng gần nhà, người làm nghề ở bản Việt Tân giờ phải lặn lội xa tít thượng nguồn, phía thủy điện Nậm An thuộc vùng Thượng Sơn, Vị Xuyên, hoặc qua những khu rừng nguyên sinh giáp với Chiêm Hóa, Nà Hang bên Tuyên Quang để kiếm.

"Nghe thì đơn giản thế thôi, chứ không ít người đã gặp nguy hiểm do tai nạn, thậm chí phải giải nghệ vì đụng phải rắn rết, thú dữ, ong vò vẽ. Vì muốn có được những gùi lá thuốc như mong muốn, có lúc họ phải trèo lên những thân cây cổ thụ, lúc thì len lỏi vào bụi rậm, hay đứng chênh vênh trên những vách đá", vừa nói, chị Mùi vừa chỉ tay về phía cánh rừng nhấn mạnh thêm: "Nghề hái lá thuốc đòi hỏi phải cắt hái theo đúng mùa của từng loại thảo dược. Chế biến, phơi, sao phải đủ nắng và bảo quản bằng bí quyết gia truyền. Chẳng may hái được gùi lá về chặt ra phơi mà gặp mưa, hoặc phơi không được nắng, thì thuốc sẽ bị hao hụt tác dụng chữa bệnh...".

Điều khiến chúng tôi cảm kích sau những lời tâm sự của chị Mùi chính là cái tâm của người làm nghề bốc thuốc truyền thống ở bản Việt Tân. Chị cho biết, khi vào rừng, nếu biết những cây thuốc quý như hà thủ ô đỏ, nhân trần, kim ngân, đìa giản, giảo cổ lam, đương quy, thiên niên kiện… vừa được người khác hái, thà chịu ra về tay không, chứ không bao giờ tiếp tục "bòn mót" thêm. "Muốn rừng cho lộc lâu dài, cái bụng của người hái thuốc phải tốt. Dân hái thuốc với nhau, nhìn gùi lá biết ngay con người. Có loại cây, dù biết rõ nếu chặt từ thân thuốc sẽ tốt hơn, lại được nhiều, nhưng chúng tôi luôn tự giác để lại, chỉ thu hái ở mức đảm bảo cây thuốc tiếp tục phát triển. Bây giờ kiếm được bó lá thuốc vất vả hơn nhiều, vì rừng sâu, cây thuốc ngày càng hiếm, vì vậy, việc khai thác không được làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây thuốc…" - nữ lang y chia sẻ.

Mong vốn quý không bị lãng quên

Sau một chặng đường dài từ Hà Giang sang Sa Pa, Lào Cai, chúng tôi tìm đến xã Tả Phìn, nơi từng nổi tiếng với những bài thuốc gia truyền của người Dao đỏ với nhiều công hiệu bất ngờ. "Các lang y người Dao đỏ ở Tả Phìn chữa rất tốt các căn bệnh liên quan đến gan, thận, khớp, tiêu hóa. Ở đây có những dòng họ mấy chục đời làm nghề y học cổ truyền. Rõ ràng, để tồn tại được lâu như vậy, không chỉ uy tín nghề phải cao, mà còn do cái tâm chữa bệnh, cứu người cũng phải hết sức thanh cao, trong sáng…" - Nguyễn Hải An, cô bạn đồng nghiệp người địa phương chia sẻ thông tin với chúng tôi.

Theo An, ở Tả Phìn hiện có rất nhiều lang y nổi tiếng có thể chữa được các bệnh ngoài da, đau nhức xương khớp, hỗ trợ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh nở, đặc biệt là bệnh yếu sinh lý, vô sinh, các bệnh về gan… Nổi tiếng trong số đó là nữ lang y Chảo Sử Mẩy, nhà ở bản Tả Chải. Không chỉ am hiểu các bài thuốc và cách nhận diện lá thuốc trong rừng, bà Mẩy còn dày công sao chế ra nhiều bài thuốc chuyên trị các bệnh cho phụ nữ hậu sản nổi tiếng khắp vùng. Ngoài bà Chảo Sử Mẩy giỏi bắt mạch, cắt thuốc trị bệnh và chế ra các bài thuốc tắm có công năng hữu hiệu chuyên phục vụ người bệnh và du khách còn có lang y Chảo Quẩy Vạng, ở thôn Sả Xéng "kiêm" thêm nghề tắm, ngâm lá thuốc.

Từ khi còn rất nhỏ, ông Vạng đã theo cha mẹ lên rừng hái thuốc và cho đến bây giờ, dù dịch vụ "kinh tế thị trường" đã mở ra và phát triển rất mạnh trong "ngành thuốc" ở Tả Phìn, nhưng ông Vạng vẫn nhất quyết phải đích thân leo núi tìm lá thuốc. Không nề hà vất vả, không phân biệt dân địa phương hay khách du lịch, bất cứ ai có bệnh tìm đến nhà "kể khổ" là ông lại cùng người nhà lặn lội vào rừng để hái lá thuốc. Có lẽ, đối với vị lang y già, công việc đi hái lá thuốc trong rừng sâu còn là cái tâm, cái tình đối với người bệnh. Bởi tự trong sâu thẳm tâm can, ông còn muốn truyền lại những bài thuốc dân gian cho con cháu sau này.

Lá thuốc mang về được sao chế công phu theo bí quyết gia truyền của người Dao đỏ. Ảnh: H. Lưu - P. Uyên

Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, ông Vạng cho biết, cho đến bây giờ, trong mỗi gia đình người Dao đỏ ở Tả Phìn vẫn còn lưu giữ được những cuốn sách cổ dạy làm thuốc nhưng chỉ "lưu hành nội bộ". Nhờ đó, nhiều nhà nắm giữ được các bài thuốc bí truyền, với nguyên liệu 100% tự nhiên được lấy về từ dãy Hoàng Liên. "Ngày xưa, các lang y người Dao đỏ mình chữa bệnh không lấy tiền, mà chủ yếu nhận từ gia đình người bệnh con gà, chai rượu, cùng lắm là cái thủ lợn và gùi gạo. Bây giờ "kinh tế thị trường", nghề thuốc ở Tả Phìn được xem là một nghề kiếm tiền. Thế nhưng, dù kiếm tiền cũng không được xa cái tâm của người làm thuốc. Nếu lấy tiền nhiều cho đầy túi mà người bệnh chưa uống đã lo tiền nong rồi, không khỏi bệnh được đâu…" - lang y Chảo Quẩy Vạng bộc bạch.

Cũng theo ông Vạng thì dãy Hoàng Liên là một kho thuốc quý giá, với hàng nghìn vị thuốc, tuy nhiên, chẳng có cái gì là tồn tại mãi mãi. Nhận thức rõ điều đó, những người làm nghề thuốc ở Tả Phìn đều có ý thức bảo tồn cây thuốc. "Thế hệ lang y đã có tuổi như chúng tôi gắn bó với rừng từ nhỏ nên thấu hiểu con người với rừng luôn là một. Được khỏe mạnh là nhờ rừng cho ăn lộc từ những bài thuốc. Vui hơn là nghề thuốc đã giúp nhiều người ở Tả Phìn có thêm thu nhập để nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Tuy vất vả, nhưng cái tâm thì sướng lắm. Chỉ ước bọn trẻ học theo thế hệ đi trước mà quan tâm tới nghề gia truyền, không lãng quên vốn quý cha ông truyền lại, để giữ gìn bản sắc của người Dao không bị mai một thì hay biết mấy…" - vị lương y già chốn non cao bày tỏ nỗi niềm với chúng tôi.

Hải Lưu - Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-san-thao-duoc-cua-nguoi-dao-do/