Nghệ sĩ cải lương hai miền hội tụ trong vở 'Thầy Ba Đợi'

Vở cải lương 'Thầy Ba Đợi' vừa diễn ra đã quy tụ đến 60 diễn viên cả hai miền Nam – Bắc cùng tham gia. Đây là vở diễn nhân kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương ra đời.

Một trích đoạn trong vở diễn

Tối 28/04, tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn nghệ thuật cải lương Long An tổ chức ra mắt vở diễn “Thầy Ba Đợi” nhân kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương.

Mục đích chuyển tải đến công chúng những giá trị nghệ thuật cốt yếu của sân khấu cải lương, sân khấu vở diễn được dàn dựng theo phong cách đơn giản, mộc mạc, trong đó nhấn mạnh nét diễn của từng nhân vật.

Vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” kể lại một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc thời vua Hàm Nghi. Trong đó, câu chuyện sẽ xoay quanh cuộc đời nhiều thăng trầm của thầy Ba Đợi ( Còn gọi là Nhạc quan - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành và phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương.

Tư liệu về thầy Ba Đợi (ông Nguyễn Quang Đại) rất ít, chỉ có quê quán, năm sinh, sự nghiệp, còn về thân thế, gia đình thì gần như không xác định. Chính vì thế, nội dung kịch bản trong vở diễn được viết lại phần nhiều bằng sự hư cấu, song vẫn đảm bảo tính xác thực cao theo cam kết từ ban tổ chức.

Dù thời lượng kéo dài hai tiếng rưỡi, vở diễn không mang đến cảm giác tình tiết dàn trải lê thê cho gười xem. Phần nhiều câu chuyện được xử lí nhanh, gãy gọn, hợp với tinh thần đổi mới của cải lương.

NSƯT Triệu Trung Kiên – Đạo diễn vở diễn đã chọn bối cảnh vào giai đoạn thầy Ba Đợi vào Nam, bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương. Tại đây, ông đã được con gái quan tổng đốc cưu mang. Mối tình dang dở với nàng tiểu thư đã tạo nên số phận đầy nổi trôi của thầy Ba Đợi và khép lại với cái chết đầy nước mắt của người được ví như “ Ông tổ” của cải lương.

Với mục tiêu nhằm kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương, ê kíp thực hiện mong muốn giới thiệu với khán giả lực lượng nghệ sĩ cả nước, từ thế hệ vàng ngày trước như NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh… đến những thế hệ kế thừa như NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…

4 nghệ sĩ cùng đảm nhận vai Thầy Ba Đợi là NSƯT Xuân Vinh, Nghệ sĩ Quang Khải, NSƯT Lê Tứ và NSƯT Thanh Tuấn đã có màn thể hiện tròn vai khi tái hiện 4 giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, mỗi giai đoạn cách nhau khoảng một thập kỷ.

Bên cạnh nội dung vở diễn, khán giả thưởng thức xong cũng sẽ hiểu rõ hơn từ “Cải lương”, vốn bắt nguồn từ câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Dù có những đoạn ‘khớp’ do phong cách biểu diễn khác biệt của diễn viên hai miền, song vở diễn đã truyền tải đúng cái nhìn toàn cảnh của sân khấu cải lương, một công trình nghệ thuật xứng đáng mang ý nghĩa tổng kết 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.

Một số hình ảnh trong đêm diễn

Nhiều cảnh của vở diễn gây xúc động, như cảnh từ biệt Vua Hàm Nghi khi bị Pháp đưa lên tàu đi đày ở Châu Phi, mở ra một thời kì đen tối cho lịch sử nước nhà.

NSƯT Quế Trân và NSND Vương Hà trong vai hai mẹ con.

NSƯT Thanh Tuấn trong vai thầy Ba Đợi khi về già. Đây được xem là lần tái xuất hiếm hoi của nam nghệ sĩ, sau nhiều năm vắng bóng trên các sân khấu.

Dù giọng Nam, Bắc hay Huế, các diễn viên đã nỗ lực ca, thoại lời bằng đúng ngôn ngữ vùng miền của nhân vật chứ không đơn thuần chỉ là bắt chước bằng giọng miền Nam – Nơi vốn được xem là cái nôi của cải lương.

Các diễn viên đón nhận tình cảm từ khán giả sau đêm diễn. Vở diễn 'Thầy Ba Đợi' tiếp tục được diễn ra ngày 1/5 tại Nhà hát Bến Thành, tối 29.4 tại Long An, nơi đang thờ thầy Ba Đợi.

Tuấn Chiêu – Quỳnh Nga

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nghe-si-cai-luong-hai-mien-hoi-tu-trong-vo-thay-ba-doi-446345.html