'Nghệ sĩ' đèn dầu và bát điếu

Nếu đến xưởng chế tác của ông chủ Ngọc Hùng ở Ngọc Thụy, Gia Lâm ắt sẽ hoa mắt vì hàng trăm bát điếu và đèn dầu, hàng chục kiểu dáng được bọc đồng, với trình độ tinh xảo và được bày la liệt đầy cả hai tầng nhà rộng vài trăm mét vuông…

Ðó chính là hai mặt hàng, điếu và đèn dầu nổi tiếng và cũng là thú chơi độc đáo, làm nên sự nghiệp của anh chàng lãng tử này.

Hungdieu.com

Lần mò theo địa chỉ trên trang web, tôi gặp anh tại phân xưởng cùng những chùm ánh sáng lung linh, toát ra từ những ánh sắc màu đồng như sắc lửa vậy. Nguyễn Ngọc Hùng vuốt mớ tóc dài rồi chậm rãi kể vì sao mình có cái biệt danh “Hùng điêu”. Đó là cả một câu chuyện tình cờ nhưng cũng là ý tưởng bật sáng vào những năm đầu thập kỷ 90. Khi ấy bước vào thời kỳ mở cửa, anh cũng như bao người làm nghề thủ công đều hoang mang, không biết sẽ làm ăn thế nào trước thời kỳ mở cửa và phát triển kinh tế.

Sau 3 năm xuất ngũ trở về, năm 1986 anh bắt tay dựng nghiệp từ cái nghề làm nồi, mâm, chậu đồng và đồ thờ cúng của ông cha đất tổ Đại Bái xưa. Với ký ức về người cha ngày đêm luyện đồng và gò đồng vất vả từ thuở còn thơ, Hùng hì hụi quay lò cùng anh em trong những đêm đông lạnh giá. Những ngọn lửa hun đúc ước mơ trong tâm hồn cậu bé về những con cá vượt vũ môn trong bức tranh đồng. Rồi đó ký ức còn là hình ảnh mẹ cùng với các bà các chị, ngày mỗi ngày, đi khắp phố thị mua hàng đồng nát. Có nhiều đêm tối mịt mẹ mới về với gánh hàng đầy những đồ đồng. Thuở ấy, việc buôn bán đồng còn là việc quốc cấm nên phải đợi tối mới dám lần đường tìm về quê. Nhưng rồi làng Bưởi (tên làng cổ của Đại Bái) không bỏ nghề được, cho dù khó khăn gian khổ đến mấy. Vậy nên ở quê cho đến nay vẫn còn đọng câu ca xưa: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi. Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh. Muốn ăn cơm trắng cá ngần. Thì về làng Bưởi cấu cân buôn đồng”. Từ đó Nguyễn Ngọc Hùng mở xưởng làm đồ đồng tại Gia Lâm và trở thành đời làm thợ thứ tư tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Hùng với phòng trưng bày hàng lưu niệm.

Năm 1990, anh bắt đầu làm hàng phục vụ du lịch, với sự thăm dò dần thị trường, qua những đồ được bọc đồng xinh xắn để làm hàng kỷ niệm. Thế rồi như một sự tình cờ khi gặp lại các chiến sĩ cùng đồng đội xưa với những ký ức hiện về. Đó là những câu chuyện về con trai, con gái bên chiếc điếu cày. Tay nọ chuyền tay kia cùng hút chung điếu thuốc. Cả lũ say bí tỉ rồi lăn ra ngủ với làn khói bay tưởng nhớ về những đôi mắt của người bạn gái quê nhà. Hình ảnh ấy như gợi mở cho Nguyễn Ngọc Hùng về một chủng loại hàng mỹ nghệ mới, độc đáo, đó là những chiếc điếu được bọc đồng với nhiều hoa văn quê hương. Sau này, anh chuyển hẳn sang làm bát điếu từ năm 1992, với nhiều chất liệu được bọc đồng, cùng những hình hài và kích cỡ khác nhau. Có thể nói đó là những góc cạnh sáng tạo của một người nghệ sĩ, bởi sau này Nguyễn Ngọc Hùng còn đi học hội họa và phát huy về hình khối bát điếu như một tác phẩm điêu khắc, qua những giây phút thăng hoa cảm xúc hết sức phong phú.

Vào những năm này, hàng điếu bọc đồng mang tên Ngọc Hùng được bày bán khắp phố Hà Nội. Hiện anh còn lưu giữ trong vài trăm chiếc điếu bát còn lại, trong đó là chiếc điếu cao đúng 1m, có đường kính chừng hơn 30cm, được thiết kế từ chiệc bình sứ lớn. Anh tạo nên một chiếc điếu tam cấp tựa như một kiến trúc cổ có vách chắn gió để ngọn lửa, từ một bó đóm cháy sáng. Lại một làn khói bay lên và ông tiên xuất hiện như trong câu chuyện cổ tích ngày xưa. Đứng bên mái tóc dài và đôi mắt cười của anh, chúng tôi mới hay những chiếc điếu luôn lưu dấu một câu chuyện kể. Hay như trên bàn anh bày ra những chiếc điếu bát nhỏ như quả quýt hay quả thị. Tôi nghe như chúng toát lên mùi thơm trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Kể rằng ngày xửa ngày xưa...

Cả chục năm trời Nguyễn Ngọc Hùng say mê làm điếu bọc đồng. Không biết bao nhiêu mà kể, đến nỗi khách hàng từ khắp nơi đến, thấy anh vui tính nên gọi anh là chàng “Hùng điêu”. Vả lại khi ăn nên làm ra, anh lập trang web cũng không thể ghi dấu, nên đúng như người đời gọi anh là Hungdieu.com. Nghe, anh chỉ cười và còn lấy làm khoái trá, bởi từ cái tên này mà anh vang danh trong giới thương trường. Có lúc vui anh còn giải thích hài hước rằng, đã làm ăn “không điêu không sinh lời”. Nói rồi anh cười tít cung mây.

Các tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Hùng.

A-la-đanh và những cây đèn

Thế rồi 10 năm sau, Nguyễn Ngọc Hùng dừng làm điếu mà chuyển sang làm đèn dầu bằng đồng, chỉ vì sự ngẫu hứng khi xem tranh của ông Bùi Xuân Phái. Anh kể, từ bức tranh chiếc đèn dầu trong bức tĩnh vật của danh họa, lại nhớ đến làng quê và những đốm lửa đèn dầu le lói. Từ chiếc điếu đến chiếc đèn như một duyên nợ với quê hương. Sau bao năm cùng với những người thợ đục, chạm, khắc dát đồng vẽ lên những hình ảnh thân thương bao đời nay. Một thế giới sáng tạo mới hiện ra. Đó là câu chuyện về những cây đèn thần trong câu chuyện cổ A-la-đanh và trong bộ “Ngàn lẻ một đêm”. Chúng ấm áp làm sao. Một thứ ánh sáng thần kỳ đem lại niềm vui và sự sống cho con người. Biết bao những khuôn hình như múa, như say trong giấc mơ xưa. Chỉ với một chiếc đèn dầu thôi mà có trăm ngàn câu chuyện được kể bằng ánh sáng. Anh coi đó là mặt hàng truyền thống mà không có gì thay thế được. Cho dù thời nay điện càng nhiều, công nghệ càng cao, nhưng trong cõi tâm linh sâu thẳm của hàng chục triệu người, nhất là ở thôn quê đều đọng lại từ giọt đèn dầu bên làn khói trầm hương.

Tiếp chúng tôi với câu chuyện cây đèn dầu bằng đồng tạo hình như một cây đèn biển. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Hùng mở từng bộ phận giảng giải thêm về sự vận dụng kiến thức khí động học vào chiếc đèn này sao cho sáng nhất, tốn ít dầu và không có muội. Đó là ngọn đèn điển hình nhất của anh về mỹ thuật thiết kế, bằng chất liệu đồng cùng những suy tư về cuộc sống. Anh kể, trước kia nhiều cây đèn biển của nước ta đều phải thắp đèn dầu để làm mốc tọa độ cho những con tàu vào ra cửa biển và cập bến an toàn. Sau này, anh còn nhớ trong thời kỳ chiến tranh chống máy bay Mỹ ném bom ở đảo hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng. Đèn biển bị đánh sập, nhưng ngay tối hôm đó một cây đèn biển khác, bằng gỗ được các chiến sĩ dựng lên. Anh em kỹ thuật ở đây kịp thời thắp ngọn đèn dầu lớn, để làm tiêu chí chiếu sáng tạo nguồn sống còn, cho những con tàu ngoài khơi. Và, đó còn là những chuyến tàu vận chuyển lương thực, hàng hóa cùng vũ khí bí mật trong đêm nhổ neo, từ “Bến số 0” đưa vào mặt trận phía Nam. Lúc ấy ngọn đèn dầu qua lăng kính chiếu sáng làm mốc tọa độ cho đoàn tàu lên đường.

Một thời việc làm chiếc đèn dầu ngỡ bị lãng quên, khi đèn dầu Trung Hoa nhập ồ ạt vào nước ta. Nhưng nhìn chúng đơn điệu làm sao. Cục mịch và nặng nề. Nguyễn Ngọc Hùng có thể được coi là người đầu tiên khai thông về một loại hàng nghệ thuật đèn dầu Việt Nam. Hiện anh có hàng trăm mẫu đèn dầu, với nhiều chất liệu được bọc đồng hay làm bằng đồng, với nhiều kích cỡ dành cho gia đình đến nhà hàng... Nghĩa là cái tên “Hùng Đen” đã xuất hiện và được khẳng định 12 năm qua. Phía sau cái tên “Hùng Điêu”, những ngọn lửa đèn dầu của Nguyễn Ngọc Hùng luôn luôn lấp lánh ở mọi cung bậc trong cõi thiền dân gian, với tình yêu quê hương đất nước. Anh coi đèn dầu là một nét văn hóa Việt cần phải gìn giữ.

Khu vườn ánh sáng

Đến thăm xưởng và kho hàng của người nghệ nhân tài hoa, ở tuổi “tri thiên mệnh” này, tôi thực sự ngỡ ngàng với hàng ngàn chiếc đèn dầu bằng thủy tinh hay bằng gốm sứ được bịt đồng, chuẩn bị xuất xưởng. Anh đưa tôi xem chiếc đèn hình hoa sen được thiết kế với những chất liệu tự chế và được bọc đồng với những hoa văn rất kỳ ảo. Tôi lang thang trong một khu vườn ánh sáng và ngỡ như đang đi vào đêm hội với chiếc đèn hoa sen của anh dẫn đường. Với tôi đó là ánh sáng mùa xuân. Tôi như đi trong cơn mộng du. Từng bước chậm rãi, tôi bước đến trước bát hương bằng đồng rồi thắp lên những nén hương trầm thơm ngát. Bên tai tôi, tiếng chiêng và tiếng trống đồng đang ngân rung những giai điệu xuân về. Bởi chung quanh tường, những nhạc cụ bằng đồng như đang hát cùng với đôi mắt cười của người nghệ nhân tài hoa này.

Bài và ảnh: Cảnh Linh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nghe-si-den-dau-va-bat-dieu-n136084.html