Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên: Con đường của số phận

Tôi nhận ra một điều rằng, mình chỉ có một đời sống duy nhất, hãy sống và làm những gì mình yêu thích. Tôi bước vào hội họa từ đó. May mắn của duyên phận, tôi gặp được những bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam...

Trò chuyện với Doãn Hoàng Kiên tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày anh có tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với tên gọi "Điều còn thiếu?'' vào đúng Tết Nguyên tiêu và ngày Thơ Việt Nam năm nay, tôi đã có ý nghĩ rằng, không riêng gì nghệ sĩ, sáng tạo dành cho tất cả chúng ta, bất kể họ là ai. Nó là một thế giới mênh mông, không giới hạn. Điều quan trọng nhất là ta có dám nhìn sâu vào chính mình, lắng nghe mình và can đảm với những bước ngoặt của ước mơ.

Cuộc đời và số phận của nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên nói lên điều đó, chính anh đã khơi gợi ra trong tôi những ý tưởng về con đường phía trước.

- Thưa nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên. Nhìn lí lịch nghệ thuật dài dằng dặc của anh, tôi không biết nên bắt đầu gọi anh với danh xưng nào cho hợp lí nhất: Nghệ sĩ xiếc? Họa sĩ? Nghệ sĩ sắp đặt?

+ Xin cảm ơn! Hãy gọi tên tôi, Doãn Hoàng Kiên là đủ.

Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên bên tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của mình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 2019. Ảnh: Tô Chiêm

Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên bên tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của mình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 2019. Ảnh: Tô Chiêm

- Trở thành một nghệ sĩ xiếc không hề đơn giản, nó phải bắt đầu bằng tài năng thiên phú hơn người, và trong vô số người mới có thể có được một người có khả năng đặc biệt đó. Khởi thủy cho việc trở thành một diễn viên xiếc của anh bắt đầu từ đâu?

+ Bắt đầu từ số phận! Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bố tôi là nghệ sĩ biểu diễn xiếc Doãn Ngọc Anh, học trò của NSND Tạ Duy Hiển. Bố là diễn viên đầu tiên của Xiếc Việt Nam hiện đại biểu diễn thành công tiết mục "Đế kiếm trên thang'', một trong những tiết mục tiếp biến tinh hoa của nghệ thuật xiếc thế giới. Ông đã thể hiện xuất sắc và dành được tiếng vang trên sân khấu trong và ngoài nước với tiết mục này. Tôi là con trai của ông, được ông truyền dạy với tất cả niềm đắm say tôn thờ với xiếc.

Không phụ lòng bố, tôi đã kế thừa, phát triển tiết mục này, và đã khẳng định mình trên sân khấu của nghệ thuật xiếc, được mọi người đón nhận, được vinh danh với những danh hiệu và giải thưởng trong những kỳ liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế.

- Anh từng đoạt Giải Đặc biệt Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ 16 (Mondial Du Cirque de Main) tại Paris, Pháp năm 1993; từng có thời gian học xiếc ở Liên Xô (cũ) và đã trở thành một diễn viên xiếc tài năng và thành công trên sân khấu Nghệ thuật Việt Nam. Tại sao anh bỏ xiếc sang hội họa. Dứt bỏ thứ mình đã đeo đuổi bao nhiêu năm, nước mắt mồ hôi đã đổ xuống để có được vinh quang, hẳn anh phải có lí do chính đáng?

+ Sở dĩ tôi nói tất cả mọi thay đổi bắt đầu từ số phận là bởi trong một lần tham gia biểu diễn tại Nhà văn hóa tỉnh Cao Bằng phục vụ người dân, tôi đã bị một tai nạn nghiêm trọng (ngã từ trên độ cao bảy mét rưỡi xuống sàn sân khấu).

Tôi quá may mắn bởi cú ngã của số phận đã không kết thúc cuộc sống của tôi, nhưng nó để lại những dư chấn sâu và mang đến cho tôi những thay đổi kỳ lạ về mặt tinh thần. Tôi hiểu cuộc sống thật là mong manh, bất trắc…

Và tôi cũng nhận ra một điều rằng, mình chỉ có một đời sống duy nhất, hãy sống và làm những gì mình yêu thích. Tôi bước vào hội họa từ đó. May mắn của duyên phận, tôi gặp được những bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam như ông Mai Văn Hiến, cụ Phạm Viết Song đã gợi mở dẫn dắt tôi bước vào một con đường khác. Ở hội họa, tôi tìm thấy sự chia sẻ nội tâm, những khát vọng khám phá đời sống và khám phá bản thân, và cũng chỉ ở hội họa tôi mới được độc lập và tự do sáng tạo thỏa thích.

Tác phẩm sắp đặt: “Điều còn thiếu” của NS Doãn Hoàng Kiên trưng bày tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám trong chuỗi ngày Thơ Việt Nam 2019.

- Xiếc và hội họa có gì giống nhau, có gì liên quan tới nhau?Anh đã mở ra những con đường phía trước, hay những gì ở trên con đường phía trước đã hấp dẫn anh, để anh can đảm bỏ lại một phần đời mình, một phần bản thân mình, mà chưa chắc nó chỉ đã là một phần đời?

+ Thực ra không phải là từ bỏ nghệ thuật Xiếc! Tôi vẫn hoạt động trong ngành nghề, chỉ có điều là không phải trực tiếp đứng trên sân khấu. Vai trò của tôi bây giờ là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ cho diễn viên biểu diễn.

Thi thoảng có thời gian tôi tham gia vào việc chia sẻ kinh nghiệm hay kỹ năng biểu diễn nghệ thuật xiếc/ các tiết mục mà tôi đã biểu diễn thành công cho các bạn trẻ. Với tôi, nghệ thuật biểu diễn xiếc và hội họa đều có điểm chung là khát vọng khám phá bản thân của con người trước thế giới thông qua hành vi thực hành nghệ thuật.

Trong khi nghệ thuật hội họa thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc, đường nét... thì nghệ thuật xiếc thông qua ngôn ngữ tạo hình của cơ thể với lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực bản thân với mong muốn vượt qua những giới hạn của chính mình.

Tuy nhiên tuổi đời sáng tạo của một nghệ sĩ biểu diễn xiếc rất ngắn ngủi, đó cũng là cái nghiệt ngã của nghệ thuật xiếc. Giờ đây, ngoài hội họa, tôi tiếp cận và thực hành với các loại hình nghệ thuật khác như sắp đặt hay trình diễn hoặc phim thử nghiệm, video art.... Những thay đổi của số phận đã giúp tôi rẽ sang con đường khác, nhưng nó vẫn bao trùm một điểm chung, con đường nào tôi đi cũng hướng tới nghệ thuật.

Bản thân tôi nhiều lúc cũng tự hỏi mình đã quyết định tỉnh táo hay là ngược lại! Nhưng rõ ràng, trong bản thân tôi cảm thấy mỗi ngày tôi như chạm vào chính con người mình một cách gần gũi hơn, đích thực hơn. Và đó chính là điều tôi muốn tìm kiếm và khám phá!

Hai tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Điều còn thiếu” của nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên.

- Bước vào hội họa... tiếp tục học lên cao, diễn viên Doãn Hoàng Kiên đã định danh mình qua những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cùng với những đồng nghiệp nổi tiếng trong những triển lãm đình đám, chứng tỏ ở lĩnh vực nào anh cũng thể hiện được bản lĩnh của mình. Nhưng nghệ thuật sắp đặt là một thứ quá khó... Sao anh luôn chọn con đường khó để đi?

+ Tôi yêu nghệ thuật và không ngừng học hỏi, kiên trì sáng tác. Tôi nghĩ, những cái khó không chỉ trong nghệ thuật sắp đặt mà còn ở cả trong cuộc sống, tôi coi đó là những thách thức bản thân mà tôi muốn khám phá và vượt qua.

- Trong số những hoạt động nghệ thuật thuộc về mỹ thuật, anh dành tâm huyết nhất cho sự kiện nào? Anh hãy chia sẻ tác phẩm nghệ thuật mà anh đã mang đến trong sự kiện đó.

+ Một trong những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và tâm huyết nhất cho đến bây giờ - đó là tác phẩm tại triển lãm "Giới Hạn'' (Limits), cũng là tác phẩm cá nhân đầu tiên của tôi năm 2008 được quỹ CDEF Đan Mạch tài trợ. Tôi dùng nghệ thuật sắp đặt kết hợp với tranh, giá vẽ với ý tưởng "cuộc sống, con người là vô vàn những giới hạn và mong muốn khám phá để vượt qua những giới hạn. Đó cũng là ước mơ, khát vọng của con người trước thế giới, cho dù chỉ là đôi khi vượt qua được giới hạn này ta lại bắt gặp một giới hạn khác mà thôi...".

- Trở lại với hai tác phẩm nghệ thuật sắp đặt vào Rằm tháng Giêng 2019 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tên là "Điều còn thiếu?", ý niệm và những giới hạn thông qua tác phẩm của anh rất hay. Những chiếc gương treo trong không gian, ở đó có những gương mặt thân quen và xa lạ, ở đó có thể là tấm gương trong để bạn và tôi soi nhận ra gương mặt của mình. Doãn Hoàng Kiên muốn gửi gắm điều gì ở hai tác phẩm nghệ thuật sắp đặt này?

+ Tác phẩm đơn giản chỉ là một câu hỏi và mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người chiêm nghiệm, tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau khi xem tác phẩm và tự tìm kiếm câu trả lời cho chính bản thân mình!

- Rốt cục Doãn Hoàn Kiên vẫn muốn thay lời nhiều người gửi vào nhân gian với câu hỏi tôi/ bạn là ai? Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta có thật hay chúng ta chỉ là những ký ức những khúc xạ ảnh của thế giới này... của nghìn năm, triệu năm trước?

+ Tác phẩm cũng là một câu hỏi lớn với chính bản thân tôi mà thông qua việc thực hành nó, tôi tìm kiếm câu trả lời cho mình. Còn mọi người, những người có ý thức, tri thức và khát khao khám phá bản thân, khám phá thế giới sẽ phải tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình mà thôi!

- Xin trân trọng cảm ơn anh.

Doãn Hoàng Kiên sinh năm 1970. Tốt nghiệp trường nghệ thuật Xiếc Việt Nam khóa 7 (1983 - 1988), sau đó theo học trường Nghệ thuật Xiếc Moscow, Cộng hòa Liên Bang Nga (Liên xô cũ). Làm việc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc, tiết mục "Thăng bằng kiếm trên thang". Đã tham gia biểu diễn trên toàn quốc và các nước như: Nga, Tuocmenia, Thái Lan, Lào, Pháp và Nhật Bản. Tốt nghiệp Thạc sĩ nghệ thuật - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tham gia nhiều triển lãm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật Graphics, thiết kế Maquette cho các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước.

Từng đoạt Giải đặc biệt Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ 16 (Mondial Du Cirque de Main) tại Paris, Pháp năm 1993. Huy chương Vàng Tài năng sân khấu trẻ năm 1991 (Việt Nam). Danh hiệu "Tài năng sân khấu trẻ" năm 1991 và bằng khen "Nghệ sĩ tài năng sân khấu trẻ" năm 1991 (Việt Nam).

Như Bình (thực hiện)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nghe-si-doan-hoang-kien-con-duong-cua-so-phan-534678/