Nghệ sĩ Hoàng Tùng: 'Tôi hạnh phúc khi được kể những câu chuyện không lời'

Tại tuần lễ kịch câm mới đây, nghệ sĩ Hoàng Tùng cho biết, anh yêu sân khấu kịch câm và muốn gắn bó cả đời với loại hình mà nhiều người 'lắc đầu' này.

Nhiều năm trở lại đây, nghệ thuật sân khấu tại Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, khi người ta dần nhận thấy sự lên ngôi của những bộ môn nghệ thuật khác, để đáp ứng cho những thị hiếu giải trí ngày một khác của khán giả Việt Nam. Và cùng kéo theo đó, nghệ thuật kịch câm cũng dần bị chìm lấp.

Các em nhỏ trong cộng đồng Pháp ngữ tập kịch câm.

Các em nhỏ trong cộng đồng Pháp ngữ tập kịch câm.

Bởi thế, các nghệ sĩ - giáo viên kịch của Sân khấu kịch Hà Nội hợp tác cùng nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng tổ chức Tuần lễ kịch câm nhằm đưa tới cho các bạn học viên những cái nhìn chân thực nhất, gần gũi nhất về bộ môn nghệ thuật này.

Theo đó, nghệ sĩ Hoàng Tùng chính là người hướng dẫn cho các em nhỏ trong cộng đồng Pháp ngữ tập kịch câm mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Nghệ sĩ Hoàng Tùng dạy các em tập kịch.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, nghệ sĩ Hoàng Tùng cho biết: "Tôi bất ngờ khi nhận được lời mời đến hướng dẫn các em nhỏ tập kịch câm trong cộng đồng Pháp ngữ thời gian gần đây. Tôi thấy vui vì được hướng dẫn các bạn trẻ nước ngoài, bởi các em rất nhanh và thích học kịch câm.

Trước đây, tôi công tác tại đoàn Kịch hình thể của nhà hát Tuổi trẻ, nhưng sau đó, tôi xin nghỉ và vẫn theo chuyên sâu kịch câm.

Ở Việt Nam, hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã có thế hệ diễn viên kịch câm đầu tiên của Việt Nam, sau đó bị ngắt quãng, rồi đến thế hệ tôi. Vì vậy, Hoàng Tùng thấy ai thích và muốn học kịch câm là vui lắm".

Các em nhỏ tập kịch câm trên sân khấu.

Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng.

Khi được hỏi, môn kịch câm khó nhất ở chỗ nào? Nghệ sĩ Hoàng Tùng cho biết: "Khi bắt đầu, môn kịch câm khó ở phần kỹ thuật. Kịch câm cũng giống như các môn học thể hình khác, cần phải trải qua kỹ thuật điêu luyện mới có chuyên môn tốt. Sau khi nắm được kỹ thuật, phải sáng tác được tác phẩm, dựa trên những động tác cũ.

Từ nhỏ, tôi đã rất đam mê môn kịch câm. Tôi thấy sung sướng khi được kể những câu chuyện không lời, dẫn dắt khán giả bằng những động tác không lời. Khi tôi học diễn viên kịch nói, tôi đã thích phần diễn không lời của diễn viên kịch nói. Từ ham thích cá nhân nên tôi đã theo môn kịch câm này và muốn giữ nghệ thuật kịch câm của Việt Nam".

Hoàng Tùng cùng các em nhỏ trong cộng đồng Pháp ngữ.

"Hiện tại, ở Việt Nam không có nơi nào chính quy để dạy môn kịch câm. Chủ yếu là học lỏm của nhau thôi. Ở Việt Nam, hiện nay không còn ai làm kịch câm chuyên nghiệp như có buổi biểu diễn, làm kịch bản nhưng tôi là người thường xuyên có buổi biểu diễn trên sân khấu. Tôi muốn "nối dài" đam mê để giữ lửa nghề cho các thế hệ sau", nghệ sĩ Hoàng Tùng tâm sự.

Lạc Thành

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ns-hoang-tung-toi-sung-suong-khi-ke-nhung-cau-chuyen-khong-loi-a345375.html