Nghệ sĩ ký tên lên tranh, người đáng trách là ai?

Hơn một tháng trước, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên cùng nhiều ca sĩ đã tổ chức một chương trình âm nhạc thiện nguyện, trong đó có phần đấu giá bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình.

Bức ảnh chụp cảnh Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên tranh được cư dân mạng chia sẻ

Đêm nhạc thiện nguyện đã kêu gọi được hơn 800 triệu đồng, trong đó phần đấu giá bức tranh lên đến 200 triệu đồng nhằm giúp đỡ nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương đang mắc bệnh ung thư. Cuối phần đấu giá trong đêm nhạc tại Phòng trà Không Tên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên được đề nghị ký tên lên mặt trước của bức tranh.

Tuy nhiên, không hiểu vì cơn cớ gì, sau hơn 1 tháng, hình ảnh bức tranh có chữ ký của hai ca sĩ được cộng đồng mạng truyền tay nhau kèm với những lời chế giễu, mạt sát nặng nề từ giới hội họa lẫn cư dân mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ký tên lên một tác phẩm hội họa đã phá hỏng bức tranh, thể hiện sự thiếu hiểu biết của nghệ sĩ, thậm chí là vô văn hóa.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng giải thích, vị mạnh thường quân mua bức tranh mong muốn anh và Lệ Quyên ký tên lên bức tranh để làm kỷ niệm. Dù anh đã từ chối nhưng người này vẫn bày tỏ sự tha thiết có chữ ký của cả hai. Anh cũng lên tiếng xin lỗi họa sĩ Hứa Thanh Bình và thừa nhận mình không hiểu sâu về mỹ thuật. Ca sĩ Lệ Quyên cũng đã xin lỗi tác giả bức tranh khi họa sĩ gọi điện tỏ ý không hài lòng về việc này.

Trong hội họa, tác giả là người có quyền ký tên lên tác phẩm của mình. Bất kỳ nét phẩy ngang hay dọc của một vệt cọ nhỏ cũng khiến bức tranh bị ảnh hưởng, mất đi vẻ đẹp nguyên gốc. Thế nhưng, Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên chỉ là ca sĩ, họ không hiểu biết về quy tắc, không am hiểu về hội họa thì khó tránh khỏi sai lầm. Theo ông Trần Anh Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về mặt pháp lý, hành vi viết, ký tên lên tranh (tác phẩm) của người khác mà không nhằm mục đích mạo danh tác giả không bị coi là hành vi xâm phạm về quyền tác giả. Tuy nhiên, về mặt đạo đức thì hành vi này là hủy hoại tác phẩm của người khác và đáng bị lên án. Chúng ta cần tách bạch hai vấn đề pháp lý và đạo đức ở đây. Về mặt pháp lý, tài sản có chủ sở hữu và họ có quyền định đoạt đối với tài sản.

Người đáng trách ở đây, không chỉ là ca sĩ hay người bỏ tiền mua bức tranh mà còn là BTC đêm đấu giá. Bởi, khi đi xin một bức tranh để đấu giá, hơn ai hết, BTC cần hiểu biết và có trách nhiệm với bức tranh được đưa ra đấu giá. Khi hiểu biết và có trách nhiệm thực sự, BTC sẽ tư vấn với mạnh thường quân cũng như các nghệ sĩ cách ứng xử với bức tranh sao cho đúng. Bản thân ca sĩ lẫn người mua tranh sẽ không bị “ném đá” vì thiếu sự hiểu biết và thừa lòng nhiệt tình.

Sau cùng, nếu nhìn sâu vào bản chất vấn đề, ta sẽ thấy nghĩa cử của một đêm nhạc từ thiện, góp chung được hơn 800 triệu đồng để ủng hộ hai trường hợp nghệ sĩ mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này đáng ghi nhận hơn gấp nhiều lần sự soi mói vào chữ ký trên bức tranh nhằm hạ thấp nhân phẩm, tư cách đạo đức của các nghệ sĩ. Những câu mạt sát, xúc phạm được thảy ra trong nhiều ngày qua với Mr Đàm hay với Lệ Quyên trong trường hợp này chỉ thể hiện sự hẹp hòi và thiếu độ lượng, thiếu cách nhìn bao dung và tử tế của con người với con người.

Kêu gọi thiện nguyện một cách vô tư sẽ khó chuyên nghiệp, mà thiếu chuyên nghiệp thì dễ “ăn đòn” với cư dân mạng lắm!

Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên hay bất kỳ nghệ sĩ nào khác chắc chắn sẽ có kinh nghiệm để đời từ sự việc này nhưng tôi tin họ sẽ vẫn tham gia các chương trình thiện nguyện nếu sẵn cái tâm với đồng nghiệp, với những cảnh đời khốn khó. Còn hành vi sai thì phải sửa, họ cũng đã nhận rồi.

Hiểu Đồng - Từ Nữ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nghe-si-ky-ten-len-tranh-nguoi-dang-trach-la-ai-d275610.html