Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng: Hạnh phúc vì giữ được chất H'mông

Được giữ gìn và lan tỏa phần nào câu chuyện quê hương trong tác phẩm của mình, đó là hạnh phúc của chàng nghệ sĩ trẻ đến từ vùng cực Bắc của Tổ quốc.

Là nghệ sĩ chính thức của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM với mức lương cơ bản mỗi tháng 3 triệu đồng, Sùng A Lùng xoay xở thêm đủ nghề để có thể sinh sống ở đất Sài Gòn: làm người mẫu ảnh, nhận show diễn sự kiện. Bạn bè thân có việc gì phù hợp với nghề, anh đều nhận.

Vậy mà những ngày cuối năm nay, Sùng A Lùng bỗng chùng xuống: “Tết đến nơi rồi mà ế ẩm quá, chẳng có nhiều show gì cả. Từ nhỏ đến giờ chưa khi nào em vắng một cái tết ở nhà, vậy mà năm nay chắc không về...”.

Vươn lên từ những ký ức buồn

Hành trình từ quê lên phố của chàng trai sinh năm 1993 người H’mông ở huyện Phong Thổ, Lai Châu chưa bao giờ dễ dàng. Từ lớp 1, Lùng đã đi học cách nhà 20km đường núi. Lớp 2, Lùng đã biết tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự vào rừng hái rau, xuống suối bắt cá.

Mười bốn tuổi, Lùng rời quê lên Hà Nội theo học Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Mười tám tuổi, Lùng bắt đầu vừa làm, vừa học. Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành diễn viên múa tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2010, Lùng công tác tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Hà Nội được 3 năm thì chuyển vào TP.HCM, trở thành diễn viên của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch.

Trở thành “người thành phố” nhưng những ngày gian khổ của tuổi thơ chưa bao giờ rời xa Lùng bởi quê hương còn đó; ông bà, cha mẹ, anh em ở quê còn đó… Cuộc sống tuổi thơ của Lùng là những ngày không thể nào quên. Cả bản có 40 hộ dân, toàn nhà tranh vách đất.

Khi Lùng một tuổi thì cha em chỉ mới hai mươi mấy tuổi nhưng đã bắt đầu nghiện hút. Lùng ba tuổi, mẹ cũng theo cha nghiện ngập. Lùng lớn một chút, lên Hà Nội, cha mẹ hứa sẽ cai nhưng rồi điều đó chưa bao giờ được thực hiện. Cha mẹ Lùng hút từ 7 giờ tối đến 3, 4 giờ sáng, ngủ chút xíu rồi dậy hút mãi đến trưa. Sau vài tiếng làm việc, họ lại hút đến tối. Cứ triền miên thế và họ quắt queo, phờ phạc.

“Tất cả tiền bạc của cha mẹ đều đổ vào chuyện hút xách. Đi học lúc nhỏ thì Lùng có ông bà ngoại lo, lên Hà Nội thì được nhà nước lo vì là người dân tộc thiểu số. Câu chuyện nghiện ngập có thể nói là lý do chính khiến mối quan hệ gia đình trở nên rời rạc, lạnh lẽo. Nếu không thì những ngày cuối năm này, Lùng có thể nhẹ nhàng gọi điện thoại về nhà nói “mẹ ơi, con hết tiền rồi”.

Lùng kể từ năm 18 tuổi, biết kiếm những đồng tiền đầu tiên thì cả nhà lúc nào cũng “Lùng, Lùng, Lùng... Em như con nợ của gia đình. Cha mẹ, anh em, ông bà ngoại, cháu ốm đau... cần đều gọi Lùng. Người dân tộc thiểu số như em, nặng gánh gia đình hơn người Kinh ở phía Bắc nhiều lần. Bạn bè ở Sài Gòn ai cũng nói thôi, dứt ra đi. Nhưng không thể được... Cái số của mình rồi”.

Luôn muốn giữ gốc gác

Ít ai biết, Sùng A Lùng là người tự học viết tiếng H’mông vì từ nhỏ, anh đã theo học viết tiếng Kinh, với ngôn ngữ quê hương thì anh gần như mù chữ.

Ở quê Lùng, bây giờ người ta nói chuyện tiếng Kinh nhiều hơn tiếng H’mông, nhất là với những bạn trẻ sinh từ năm 2000 về sau. Khi vào TP.HCM, Lùng liên hệ được với nhiều người H’mông trên khắp thế giới và anh tự học chữ H’mông quốc tế. Mày mò học, hỏi thêm những người H’mông ở Mỹ, Lùng đã tự học được khoảng 60% chữ H’mông.

Luôn muốn giữ gìn gốc gác của mình, Lùng tự hào khoe anh vừa biên đạo và trình diễn tại Trung Quốc vở diễn Đuổi tà vào tháng 10. “Ông ngoại của Lùng hay thực hiện nghi lễ đuổi tà ma cho những người bị ma nhập trong bản làng. Nghi lễ này hiếm có ai thấy dù bây giờ người ta phát triển du lịch cộng đồng đến từng bản. Người thực hiện nghi lễ này ngày càng già, do đó nó có thể sẽ mất đi, một phần vì tập tục này không được chỉ dạy lại. Người H’mông tin rằng chỉ người có “căn” thì mới có thể làm. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người H’mông theo đạo Tin Lành nên họ bỏ hết các tín ngưỡng, tập quán của người H’mông”. Được giữ gìn và lan tỏa phần nào câu chuyện quê hương trong tác phẩm của mình, đó là hạnh phúc của Lùng.

Trước Đuổi tà, Sùng A Lùng được giới nghệ thuật đánh giá cao trong các vở múa như Mái nhà, Đi qua tình yêu, Cà phê Sài Gòn, Mùa xuân thiêng liêng, Bolero… Lùng nổi bật và được báo chí nhắc đến nhiều khi anh thành công với vở múa đương đại đầy tính tự sự về cuộc đời mình - tác phẩm Ru đêm, được biên đạo Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải phát triển từ chính tác phẩm đoạt huy chương vàng tại Cuộc thi Tài năng biên đạo trẻ toàn quốc năm 2016 của Lùng. Ru đêm còn được phát triển một cách táo bạo, mới mẻ hơn thành Cánh cửa bởi sự hợp tác của biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, Sùng A Lùng, nghệ sĩ thị giác Sandrine Llouquet.

Lùng còn được cộng đồng LGBT biết đến qua bộ ảnh gây sốt Daydreamers - Những kẻ mộng mơ của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi về cuộc sống của những người đồng tính.

Lùng còn trở thành một nhân vật trong bộ phim ngắn của đạo diễn, nhà soạn nhạc Tôn Thất An. Bộ phim Yet Untitled [Redux] - Chưa có tựa đề được công chiếu trong Liên hoan phim ICI Việt Nam ở Paris - liên hoan phim uy tín dành cho các nghệ sĩ, đạo diễn gốc Việt - được đánh giá cao; sau đó được chiếu ở Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan. “Lùng không nói câu nào, không cần là ai khác mà chỉ cần múa trong không gian là các chung cư cũ của Sài Gòn. Đạo diễn không yêu cầu phải thể hiện điều gì cả, cứ làm theo bản năng của mình.

Và rồi, em xuất hiện, mất tích như một bóng ma. Em len lỏi trong những cầu thang, những không gian cũ kỹ. Em đã trải qua các giai đoạn của một đời người, từ một đứa trẻ, thành người lớn, và già đi, nhưng luôn sống lẳng lặng trong không gian riêng của mình”.

Dù buồn rầu vì cuối năm ít show diễn sự kiện để kiếm thêm tiền, Sùng A Lùng vẫn vui vẻ khi kể anh sắp trình diễn tại một không gian nghệ thuật đương đại mới mở tại Hội An. Sùng A Lùng sẽ múa cùng một nghệ sĩ khác vở Bolero và trò chuyện với khán giả về bộ phim của Tôn Thất An tại CAB (Culture & Art Base) do nghệ sĩ Chinh Ba sáng lập. “Em nghĩ đây sẽ là hoạt động phi lợi nhuận, nhưng được múa và chia sẻ đam mê với khán giả ở vùng đất nhiều sự giao thoa như Hội An là niềm hạnh phúc của em”, Lùng nói.

Bài: Trâm Anh - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghe-si-mua-sung-a-lung-hanh-phuc-vi-giu-duoc-chat-hmong-21617.html