Nghệ sĩ nam - bắc hòa nhịp cùng Thầy Ba Đợi

Thầy Ba Đợi là vở cải lương có nhiều yếu tố thú vị từ kịch bản đến cách dàn dựng, và đặc biệt hơn 50 nghệ sĩ hai miền nam - bắc hòa điệu cùng nhau trong một vở diễn.

Các diễn viên trên sàn tập tại TP.HCM - Ảnh: Tố Tâm

Kể chuyện tình ông Ba Đợi

Vở Thầy Ba Đợi được PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, nói về Nhạc quan Nguyễn Quang Đại (tên gọi dân gian là Thầy Ba Đợi), người được xem đã có công truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam bộ, cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử (sau này phát triển thành ca ra bộ rồi đến cải lương).

Nội dung vở nói về giai đoạn ông vào nam và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp. Tại đây ông đã được con gái quan tổng đốc giúp đỡ và có mối tình dang dở với nàng… Tác giả đã rất khéo léo khi tạo nên số phận của ông Đợi khá thú vị, và thông qua số phận đó, cả bối cảnh xã hội lúc bấy giờ hiện lên. Người xem sẽ thấy được những công trạng của ông đối với sự hình thành nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và sau này là sân khấu cải lương.

“Để hình thành kịch bản, tôi và tác giả đã cùng bàn, tìm ra những ý tưởng. Ngay từ đầu, chúng tôi xác định vở phải tạo được cảm giác thích thú cho khán giả chứ không phải đơn thuần là kể lại một nhân vật, những trang sử hay câu chuyện trong quá khứ. Tuy nhiên hiện nay, tư liệu về ông Nguyễn Quang Đại rất ít, chỉ có quê quán, năm sinh, sự nghiệp, còn về thân thế, gia đình thì gần như không. Vì vậy, chúng tôi quyết định sử dụng thủ pháp hư cấu dựa trên những tư liệu có thực để tạo sức hấp dẫn hơn với khán giả”, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết.

Mỹ thuật sân khấu của cải lương thường thiên về tả thực. Hầu hết các vở cải lương hiện nay vẫn giữ cách dựng sân khấu theo kiểu này. Tuy nhiên, trong vở Thầy Ba Đợi, với phần thiết kế mỹ thuật do NSƯT Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội) thực hiện, sân khấu lại mang tính ước lệ và biểu trưng. Từ đầu đến cuối vở chỉ theo một mô típ sân khấu, mỗi lớp diễn có sự thay đổi, dịch chuyển một chút, kết hợp cùng màn hình led để tạo ra những không gian bối cảnh và thời gian khác nhau.

Cách dựng sân khấu này đã được đạo diễn Triệu Trung Kiên sử dụng trong một số vở của anh, khi phục vụ khán giả miền Nam, cũng đã từng có ý kiến… phản ứng do xem không quen. Tuy nhiên, phong cách nghệ thuật này vẫn được anh sử dụng trong vở Thầy Ba Đợi khi cho rằng: “Đây là xu hướng sân khấu hiện đại và vẫn tạo ra sự tương thích với ngôn ngữ sân khấu cải lương, tạo cảm quan mới mẻ và để cho sức tưởng tượng của người xem được tự do bay bổng”.

Hơn 50 diễn viên hai miền tham gia vở

Có lẽ đây là lần đầu tiên, một lực lượng lớn diễn viên hai miền nam - bắc, với nhiều thế hệ diễn viên, kết hợp cùng nhau trong một vở diễn. Với mục tiêu dựng vở để kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương, ê kíp thực hiện mong muốn giới thiệu với khán giả lực lượng nghệ sĩ cả nước, từ thế hệ vàng ngày trước như NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh… đến những thế hệ kế thừa như NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…

“Mặc dù có sự khác biệt trong phong cách biểu diễn của diễn viên hai miền nhưng sau những buổi tập cùng nhau, diễn ra từ giữa tháng 3 tại TP.HCM, hai phong cách biểu diễn đó lại có sự ảnh hưởng qua lại, hòa điệu vào nhau rất nhanh”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nhận xét. Một điểm đặc biệt trong vở là các nhân vật ở vùng miền nào sẽ dùng ngôn ngữ và hát giọng theo vùng miền ấy. Ví dụ như vai chính Thầy Ba Đợi được 4 diễn viên cùng thể hiện, đầu tiên là NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, đảm nhận hình tượng hương linh ông Đợi ở nghĩa trang, nói giọng miền Nam. Khi câu chuyện được kể lại, diễn viên Quang Khải thể hiện vai lúc ông Đợi mới ở Huế vào nam thì nói giọng miền Trung. Hai giai đoạn tiếp theo do NSƯT Lê Tứ và NSƯT Thanh Tuấn đảm nhận sẽ nói giọng miền Nam do khi ấy ông Đợi đã hòa nhập với văn hóa Nam bộ…

Tố Tâm

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nghe-si-nam-bac-hoa-nhip-cung-thay-ba-doi-947875.html