Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam 'Trôi theo dòng đời'... gặp Cách mạng Tháng Tám

Trôi theo dòng đời là hồi ký của cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bảy Nam, người đã xem nghề hát như cái Đạo và sân khấu như Thánh đường. Dưới đây là dựa theo một đoạn trong tập hồi ký của bà khi thay chồng lèo lái gánh hát Phước Cương đang hồi hoạn nạn cho tới lúc tiếp cận được Cách mạng Tháng Tám...

Tiếng súng dội lên sân khấu…

Đêm ấy, đang diễn tuồng Trần Nhật Chánh hội tam thê (Bảy Nam đóng vai Trần Nhật Chánh) tại Phan Thiết thì tiếng súng nổ ngay trước rạp. Hai lính Nhật không rõ từ đâu bất thần nhảy lên sân khấu, hô to rằng giờ này, toàn cõi Đông Dương người Nhật đã đảo chánh tước hết khí giới người Pháp. Mọi người cứ an tâm coi hát đi. Thế nhưng, từ diễn viên đến khán giả ai nấy đều ngơ ngác, nhốn nháo lo sợ. Viên thông ngôn cho lính Nhật liền trấn an, kêu gọi đoàn cứ hát tiếp cho bà con xem, không chuyện gì phải lo. Nghệ sĩ Bảy Nam liền cho hát tiếp đến vãn tuồng.

NSND Bảy Nam ở tuổi 89 vẫn ngồi trang điểm tỉ mỉ cho vai diễn (Ảnh: Internet)

NSND Bảy Nam ở tuổi 89 vẫn ngồi trang điểm tỉ mỉ cho vai diễn (Ảnh: Internet)

Đêm ấy, cô đào Bảy Nam băn khoăn không biết đưa gánh hát mình về đâu. Trong khi chồng cô là Nguyễn Phước Cương - người sáng lập đoàn hát Phước Cương, đang bệnh nằm liệt giường. Ông vốn dòng dõi hoàng triều. Do vua Thành Thái trước khi bị lưu đày biệt xứ, thực dân Pháp đưa nhà vua vào an trí ở Vũng Tàu. Yêu mê sân khấu, nhà vua hay lẻn đi Chợ Lớn xem hát ở rạp Palikao do bà Ba Ngoan làm chủ. Bà này vừa có nhan sắc quý phái, có bằng lái xe ôtô khi cả nước có bằng này chỉ chừng 100 người, lại cũng rất mê sân khấu nên sớm lọt vào mắt xanh của nhà vua đa tình. Kết quả, một hoàng tử ra đời mang tên Nguyễn Phước Cương. Lớn lên, hoàng tử được sang Pháp du học.

Dòng máu mê sân khấu của cha mẹ dậy lên trong chàng Cương vừa học văn hóa Pháp, vừa nghiên cứu sân khấu cải lương Nam bộ để rồi về nước, ông lập ngay đoàn hát Phước Cương và mời 2 chị em đào hát tài danh là Năm Phỉ và Bảy Nam vào đoàn. Đó là cơ duyên Bảy Nam trở thành hiền thê của vị chủ đoàn hát mang dòng máu hoàng tộc. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông bầu gánh Phước Cương hé lộ lai lịch của mình. Cho tới sau này, nhà nghiên cứu Huế nổi tiếng - Nguyễn Đắc Xuân tìm ra và đưa vào một cuốn sách do ông viết thì mới biết gốc gác ông Nguyễn Phước Cương.

Lúc này, bà Bảy Nam nghe ở Sài Gòn cũng đang lộn xộn, di chuyển khó khăn. Tình thế bức bách quá! Thôi đành thúc thủ trong rạp, có chi ăn nấy... Vài ngày sau, trên miếng đất trống ở sau rạp hát, binh lính Nhật kéo tới dựng trại, đóng quân. Tới tối, họ kéo sang coi hát. Họ thấy gánh hát quá nghèo, bèn bê cả thùng cơm tới cho. Dần dà, 2 bên quen nhau. Lúc này, máy bay quân Đồng minh ngày nào cũng dội bom. Tiếng còi báo động vang lên từng chặp. Cả đoàn hát xuống hầm núp; hết báo động lại leo lên hát. Hát được đồng nào “xào” ngay đồng nấy để sống cầm hơi...

...Tiếp cận Cách mạng Tháng Tám

Xe lửa từ Bắc chạy rùng rùng vô Nam. Cả đoàn hát ùa tới sân ga, tràn cả lên nhưng toa nào cũng đầy nghẹt người và vũ khí các loại... Người trong đoàn hát phải nhường chỗ, quay trở lại rạp. Tiếng đồn vang ra rằng, quân Đồng minh đang tước hết vũ khí của quân Nhật. Asata và Xeano - 2 lính Nhật nhảy lên sân khấu hôm nọ, thân với đoàn hát, bèn mua bánh ở đâu đó mang đến ra dấu mời nghệ sĩ Bảy Nam ăn. Một người bập bẹ tiếng Việt, cho biết họ sẽ trốn theo Việt Minh chứ không về Nhật. Cả 2 khóc nấc lên, kể lể cả gia đình họ bị bom nguyên tử Mỹ tiêu diệt hết rồi, về Nhật làm gì? Vô rừng đi theo Việt Minh tốt hơn! Họ bày mấy gói bánh ra đất, rồi vái lạy từ biệt trong nước mắt. Từ đó về sau, không còn thấy 2 anh lính Nhật này ở đâu nữa.

Gặp người Cách mạng

Nghệ sĩ Bảy Nam đưa đoàn ra Mũi Né khi phong trào Việt Minh đã lan ra tới đây. Tự nhiên cả đoàn bừng lên sinh khí mới, ai nấy tập làm du kích, vào rừng đốn tre làm gậy, làm cung tên, kéo ra mấy đụn cát luyện tập quân sự. Trong đoàn có anh Lê Khanh, văn hóa khá, vận động làm báo tường tuyên truyền cho Việt Minh. Mỗi khi nghe hát Cùng nhau lên đàng, ngỡ là Quốc ca Cách mạng, cả đoàn dù đang ăn cơm cũng buông đũa đứng lên, trang nghiêm thể hiện tinh thần yêu nước, ủng hộ Việt Minh. Anh Vững - tiểu đội trưởng một đội dân quân cách mạng địa phương, thường hay đến chơi với gánh hát. Anh cho biết, anh em trong đơn vị rất thiếu trang phục. Nghệ sĩ Bảy Nam liền động viên gánh hát ráng biểu diễn gây quỹ ủng hộ Việt Minh. Bảy Nam soạn kịch bản Mắng Việt gian, tiếp theo là kịch ngắn Lê Lợi khởi nghĩa, rồi Mặt trận Cầu Bông. Nữ nghệ sĩ nhớ, đêm hát, bán vé cho đồng bào, anh Vững mang cả khí giới thiệt lên sân khấu, lúc đó sôi nổi lắm. Tiểu đội anh có anh Việt Hùng, sau này là chồng của nghệ sĩ Ngọc Nuôi của gánh hát. Có việc làm, anh em trong gánh hát quên cảnh đói nghèo.

Số phận một hoàng tử

Giữa lúc bầu gánh Bảy Nam lèo lái gánh hát ra sức biểu diễn để gây quỹ ủng hộ cách mạng thì bệnh tình chồng bà càng trở nặng hơn. Bà chạy đôn chạy đáo tìm bác sĩ, tìm thầy lang nhưng họ đã di tản hoặc thoát ly theo cách mạng cả rồi. Lúc khỏe mạnh hoạt động, ông Phước Cương trượng nghĩa, hào hiệp, giúp đỡ nhiều người. Giờ đây, ông lâm bệnh nặng, họ lại quay lưng với ông. May sao còn có vợ chồng nghiệp chủ Nguyễn Ngọc Hơn ở Phan Thiết trước kia có hàm ơn ông Cương, nay đứng ra lo cho ông nhưng ông không qua khỏi. Ông Hơn bỏ tiền ra lo hậu sự một cách chu đáo cho ông Cương. Bà Bảy Nam lập bàn thờ chồng ngay tại chỗ và viết 6 câu vọng cổ tế chồng. 2 người của cách mạng là anh Vững và anh Việt Hùng đến thắp nén nhang viếng ông Cương và đưa ông ra tận huyệt, bắn ba phát súng chỉ thiên chào tiễn biệt ông Cương.

Chồng chết, gánh Phước Cương đặt lên vai nghệ sĩ Bảy Nam với gần 50 người. Kim Cương lúc đó mới lên 9 tuổi đã mồ côi cha, khi mẹ Bảy Nam chưa biết đi đâu, về đâu để hát và sống. Chiều hôm đó, từ dưới biển tàu chiến Anh, Ấn nã đại bác lên phố Phan Thiết. Dân gồng gánh chạy dạt ra ngoại ô. Bảy Nam ngồi bó gối ở trước rạp hát cùng cả đoàn. Bức bí. Chẳng lẽ cứ ngồi đây mà chịu chết? Bỗng đâu anh Việt Hùng chạy xô tới. Anh nói, anh Vững biết trưởng đoàn hát Bảy Nam đang bơ vơ, bế tắc... nên đã kêu cho 2 cỗ xe trâu đến chở đồ đạc cả gánh hát lên rừng Sara cách đó mấy cây số. Cuối cùng, gánh hát Phước Cương cùng ẩn náu trong một ngôi đình giữa động cát mênh mông. Tại đây, tin chiến sự lan tới, rằng quân Anh đang đổ bộ từ biển lên phố Nha Trang và bắn phá lung tung. Lo sợ quân Anh tràn tới giết hại, Bảy Nam nắm tay nào con nào cháu, dẫn cả đoàn chạy vào rừng. Giữa lúc đói khát ngặt nghèo, ông Nguyễn Ngọc Hơn tay xách giỏ đựng 3kg thịt heo chạy tới trao cho bầu gánh Bảy Nam cùng một cọc tiền, bảo giữ lấy để lo đời sống cho gánh hát. Thật là “Miếng khi đói, gói khi no, của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng”!

Nghe tin trạm xá ở gần đó có nhiều thương binh Việt Minh, bầu gánh Bảy Nam liền kéo anh em chạy tới. Gần một chục người đầy máu me, thương tích, người cụt tay, người cụt chân nằm la liệt. Rõ ràng quân Pháp và quân Anh hùa nhau gieo rắc tai ương chết chóc, giày xéo đất nước ta. Và lực lượng Việt Minh đã kháng cự, diệt xâm lăng, cứu dân, cứu nước. Anh em đoàn hát dùng tấm bạt và đốn tre rừng làm cáng, đưa số thương binh này vào sâu trong rừng để tìm phương cứu chữa. “Người nào cũng có một tấm ảnh, họ móc ra khoe với tôi: “Đây là đồng chí Nguyễn Ái Quốc”. Tôi đâu biết Nguyễn Ái Quốc sau này là Bác Hồ” - NSND Bảy Nam ghi vào hồi ký.../.

Quang Hảo

------------------------------

Nguồn: Hồn Việt số tháng 9/2009 (các trang 17, 18, 19)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghe-si-nhan-dan-bay-nam-troi-theo-dong-doi-gap-cach-mang-thang-tam-a140684.html