Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán – Một tấm chân tình

Tôi không nhớ rõ tôi quen với anh Nguyễn Đình Toán từ bao giờ, chỉ nhớ cái ngày tôi cầm tập bản thảo trên tay, nước mắt lưng tròng, mặt mũi cau có và đau khổ vì bị nhà đầu tư mang đi rồi đánh mất nửa đầu (khi tôi chưa kịp phô tô). Anh ghé tòa soạn chơi, chớp luôn cái mặt tôi đầy nước mắt đó. Anh cười cười: 'Thôi, việc quái gì, anh chụp cái này, em cứ giữ, nếu họ lấy thì có ảnh này làm chứng…'.

Thấy anh "đứng về phe nước mắt", tôi vô cùng cảm động. Từ đấy, mỗi khi anh ghé tòa soạn chơi, tôi luôn bỏ đấy mọi việc để uống trà và trò chuyện cùng anh. Anh cho tôi xem những bức ảnh anh chụp, tôi rất thích… Hồi đó, tôi là trợ lý cho một số ca sĩ nổi tiếng khi làm live show cá nhân.

Thấy nhiều ảnh Nguyễn Đình Toán chụp các chương trình rất hiệu quả, tôi đưa vé để anh qua cửa bảo vệ nhà hát. Anh bảo: “Thôi, vé em cũng có lấy không được đâu, cũng phải hạch toán, em đừng lo anh sẽ vào được…”. Và anh có mặt cả 5 đêm liền.

Trời thì rét, hồi đó ai cũng còn nghèo, Nguyễn Đình Toán còn nghèo hơn nữa, anh chỉ có mặc đủ ấm, đi chiếc xe cà tàng, nhưng anh say mê chụp, chọn ra những kiểu đẹp nhất, rồi rửa, cầm đến cho tôi hơn 30 bức, đẹp từ thần thái người biểu diễn, ban nhạc đến quang cảnh nhà hát, khán giả… Tôi biết, để có được ngần ấy tấm anh phải chụp vài trăm bức.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Ngày đó, chụp bằng phim, đen trắng hoặc mầu, tiền phim đã đắt, anh không có phòng ảnh nên tiền tráng rửa mang ra ngoài hàng cũng không rẻ… Khi anh mang ảnh đến, tôi bảo anh đưa cho người được chụp, anh ngại ngần, anh bảo ngại bắt quen với người nổi tiếng… Tôi cầm ảnh, đưa, và người kia đưa cho tôi số tiền thanh toán 30 tấm ảnh giá thấp hơn giá cửa hàng ảnh lấy của khách (mà khách thì phải đến cửa hàng để chụp).

Tôi giải thích, nhưng người kia lạnh lùng bảo: nhiều thứ phải chi quá, ảnh là một khoản không có trong dự trù. Khi gặp Nguyễn Đình Toán, tôi nói lại chuyện, mặt anh hơi ửng đỏ, anh bảo, em đưa lại tiền cho người ấy, và nếu họ vẫn muốn những tấm ảnh này thì anh tặng, còn không em mang ảnh về cho anh…

Đó là câu chuyện rất buồn đối với tôi và đối với người ấy và một vài người khác sau này cũng tương tự, nhưng Nguyễn Đình Toán thì quên. Anh quên ngay tắp lự, và cuộc đời anh, cho đến giờ, không thay đổi, cứ chụp và cứ “cho không biếu không”, rồi quên, nếu người ta không tự thanh toán cho anh.

Những bức ảnh lịch sử

Bất cứ tòa soạn nào cũng có phóng viên ảnh, nhưng dường như mỗi khi cần ảnh chân dung cho bài thì thư ký của nhiều tòa soạn đều nghĩ ngay đến Nguyễn Đình Toán. Số điện thoại của anh hầu như ai cũng có, cả phóng viên, nhất là vào cái thời điện thoại di động chưa có camera. Và ngay cả có rồi, thì ảnh chân dung của Nguyễn đình Toán vẫn là chất nhất…

Anh thường nói, bất kỳ ai cũng có cái để mà chụp. Một chính khách, một nhà văn, một họa sĩ hay một dân thường, một người nghèo, hay một kẻ đau khổ… anh đều nhìn thấy ở đó những gương mặt phản ánh thời đại, hoặc chí ít là chứa đựng một tâm sự cá nhân. Bây giờ anh đã sắm được máy ảnh kỹ thuật số, ảnh chụp lưu trong đó, khi nào cần rửa, hay cần gửi cho các tòa soạn thì anh gửi đi qua internet, chứ trước đây, chụp và làm ảnh như thế, anh lao động nhọc nhằn mà vẫn rơi xuống gần như tầng đáy xã hội.

Anh là bạn của con trai ông Văn Cao, cũng như việc chụp ảnh khiến anh quen không ít các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà báo. Họ cũng quý mến anh, nhất là việc anh thân với gia đình và ông Văn Cao nên cũng gặp được nhiều nhân vật lịch sử khác. Chụp Văn Cao từ năm 1987 và liên tục những năm sau đó, nhưng nhiều nhất là trong khoảng 3 năm, từ 1991 đến 1993, quan sát biểu cảm, thần thái Văn Cao ở các góc độ: lúc trầm ngâm bên chén trà, lúc lặng lẽ chìm vào khoảng không trước mắt, hay đăm chiêu nghĩ ngợi bên ly rượu…, anh thấy say mê và hạnh phúc được chứng kiến và được ghi lại bằng hình ảnh tất cả những khoảnh khắc biểu cảm của con người đặc biệt đó. Hoặc có thể, đặc biệt hơn là trong một ngày xuân (1992) anh đã chụp được tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao, cả hai đều ngồi trầm tư, gương mặt đượm buồn, không nói gì, đầy tâm trạng trước một chai rượu chưa mở… Chẳng phải là bức ảnh chứa đựng nhiều hơn một cuốn sách hay sao?

Không ít người mê nghệ thuật chụp ảnh nhưng đều phải bỏ nửa chừng vì tốn kém. Tôi có người thân là một nhiếp ảnh gia có tiếng, con nhà nòi, giàu có ngày xưa. Thấy tôi định học chụp ảnh, ông bảo: “Nếu cháu chưa biết thế nào là ném tiền qua cửa sổ thì hãy theo đuổi ý nghĩ đó. Chấm dứt ngay…”.

Không biết trong loạt ảnh Văn Cao, đẹp mê hồn, Nguyễn Đình Toán tốn bao nhiêu tiền để chụp, nhưng không dừng lại mà anh còn bày một triển lãm để cái đẹp ấy được đưa ra rộng rãi với công chúng. Bày một triển lãm, cũng là một lần qua cửa sổ, tiền đã bay đi cùng đam mê.

Chưa hết, anh còn bày 45 bức ảnh nhạc trưởng. Ai đã cầm máy đều biết, tại Nhà hát, khi đang biểu diễn sẽ cấm chụp ảnh có đèn, ngoài ra khán giả đều rất khó chịu nếu có tiếng động. Để tìm góc chụp, để có thể chớp lấy những khoảnh khắc thăng hoa nhất khi chiếc đũa chỉ huy vung lên, Nguyễn Đình Toán đã phải di chuyển trong bóng tối, rất im lìm và nhẹ nhàng. 45 bức ảnh, đều rất quyến rũ…

Hiểu được sự quyến rũ của những hình ảnh như thế, từ 1990, dù không có “tai” nghe nhạc anh vẫn đêm đêm đến nhà hát, tập trung cao độ để “rình” từng nét biểu cảm trên mặt, trên đũa, trên tay, hay cú “nhao người” về phía dàn nhạc của các nhạc trưởng… để có được nó, làm cho nó tồn tại hiện diện trên những tấm ảnh của mình.

Nào là Đàm Linh, Yoshikazu Fukumura, Cao Việt Bách, Đỗ Dũng, Graham Sutcliffe, Nguyễn Thiên Đạo, Honna Tetsuji, Lê Phi Phi, Trọng Bằng, Doãn Nguyên, Đỗ Hồng Quân, Phạm Ngọc Khôi, Nguyễn Khắc Thành...

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán kể về hành trình gần 30 năm chụp chân dung các nhạc trưởng của ông.

Ham thích vô giới hạn?

Nguyễn Đình Toán bắt đầu cầm máy khi tuổi đã cao, còn trước đó anh làm việc tại công ty vận tải biển thuộc Bộ GTVT. Ở đó anh được giao công việc làm truyền thông, chụp ảnh tư liệu. Năm 1987, hằng ngày đi lấy tin ở TTXVN, những lúc nghỉ trưa hay rỗi rãi, anh thường ghé qua nhà các ông Văn Cao (ở Yết Kiêu), hay ông Hoàng Cầm (ở Lý Quốc Sư), ở đó anh sẽ gặp được nhiều văn nghệ sĩ. Không chỉ yêu mến các nhân tài mà Nguyễn Đình Toán cũng thực gắn bó với họ, nhiều câu chuyện nhân văn, nhiều nỗi đau đời, anh nghe hết, hiểu hết, cảm thông hết, nhưng không bao giờ nói gì, chỉ lẳng lặng nghe thôi...

Năm 1992, sau khi nghỉ hưu, anh đầu quân cho Tạp chí Xưa và nay và cho đến lúc ấy, anh mới bắt đầu có ý thức rõ rệt về việc cầm máy. Anh không chú tâm vào các loại ảnh phong cảnh, chỉ thích chụp chân dung. Anh không học nhiếp ảnh ở trường lớp nào, chỉ tự học. Cũng không chụp theo lối bày biện bố trí sắp xếp, đèn hắt sáng... mà nếu muốn anh cũng không có điều kiện. Anh chỉ chụp hoàn toàn ánh sáng với không gian tự nhiên.

Vào những mùa sen, mùa cúc họa mi, mùa nước đổ… mọi người kéo nhau đi chụp, anh cũng thích nhưng không thấy anh theo, nhưng nếu ở đâu có cuộc nói chuyện văn học nghệ thuật, ở đâu có người hay, việc hay thì anh đến. Lẳng lặng chụp ảnh, lẳng lặng nghe. Có người bảo anh hãy chụp những bức ảnh phục vụ thị hiếu, hãy nghĩ đến việc có thêm nhiều tiền, ít nhất thì cũng thay cái máy ảnh “xịn” hơn, nhưng anh không thay đổi, anh chỉ cười hiền và nói rằng, có máy tốt cũng tốt, nhưng quan trọng là chụp thế nào...

Tôi rất lo cho kho ảnh của anh, cái thời tráng rửa anh có nhiều ảnh quý không biết số hóa như thế nào, chả dám hỏi, vì chưa giúp được gì để anh có kinh phí bảo quản nâng cấp cái thư viện ảnh của anh. Nhưng nếu có giúp thì cũng không dễ, tôi biết Nguyễn Đình Toán là người khái tính. Bạn có tin một kho ảnh là một pho lịch sử trung thực đồ sộ không? Tôi thì tin như vậy.

Hồi trẻ anh là lính cao xạ. Khi trở về, anh cũng mãi mới ra khỏi “nỗi buồn chiến tranh”. Cái cách anh lang thang với máy ảnh, tôi nghĩ, cũng là cách giúp anh vợi đi nỗi buồn đó.

Nguyễn Đình Toán với tôi là một tấm gương về sự tận tụy, yêu nghề, và nhất là yêu văn nghệ sĩ với một tấm lòng bao dung lớn lao, mà chính anh cũng không biết.

Trần Thị Trường

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nghe-si-nhiep-anh-nguyen-dinh-toan-mot-tam-chan-tinh-565036/