Nghệ sĩ piano Suzuki Ryutaro: Cảm nhận sự đồng điệu Nhật Bản-Việt Nam

Lần đầu biểu diễn ở Việt Nam, điều khiến nghệ sĩ Suzuki Ryutaro ấn tượng hơn cả là năng lượng tích cực đến từ đất nước và con người Việt Nam. Chia sẻ với TG&VN, tài năng piano triển vọng của Nhật Bản cho rằng chính sự gần gũi về giá trị quan giúp hai nước có thể thấu hiểu nhau ở nhiều khía cạnh nghệ thuật, trong đó có âm nhạc cổ điển.

Nghệ sĩ Suzuki Ryutaro chụp ảnh cùng Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio vào dịp biểu diễn ở Hà Nội vào tháng 2/2024. (Nguồn: ICD)

Mỗi nghệ sĩ tài năng đều có con đường riêng đến với sự nghiệp âm nhạc, còn hành trình của anh?

Năm 2008, tôi từ Nhật Bản đến Pháp để theo học dưới sự hướng dẫn của những nghệ sĩ bậc thầy như Bruno Rigutto, Hortense Cartier-Bresson, Michel Beroff và Michel Dalberto tại Nhạc viện Paris.

Sau đó, tôi học cùng nghệ sĩ Eliso Virsaladze ở Italy và bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp cho đến bây giờ.

Trong thời gian này, tôi thường xuyên nhận được lời khuyên của các nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới như Murray Perahia và Stephen Kovacevich.

Đến nay, tôi đã biểu diễn tại các lễ hội âm nhạc như Sommets-Musicaux de Gstaad và Festival Chopin tại Paris, cùng với các dàn nhạc như Dàn nhạc Giao hưởng Tokyo, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Colombia, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Odessa, Dàn nhạc Giao hưởng Louisiana, Dàn nhạc Valencia...

Năm ngoái, tôi phát hành CD thứ ba. Tôi chủ yếu hoạt động ở Pháp và đi lưu diễn quốc tế ở Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Á và Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, tôi cũng giảng dạy cho sinh viên trẻ trong các lớp nâng cao tại Đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan, Nhạc viện Trung ương quốc gia Kyrgyzstan, Đại học Los Andes ở Colombia...

Nghệ sĩ piano Suzuki Ryutaro.(Ảnh: NVCC)

Anh ấn tượng đặc biệt gì khi lần đầu đến Việt Nam?

Điều tôi ấn tượng hơn cả là năng lượng tích cực của người dân và thành phố, người dân địa phương vô cùng thân thiện và những món ăn ngon.

Đối với buổi hòa nhạc ở Việt Nam, mặc dù nhiều người không quen với nhạc cổ điển, nhưng họ đã lắng nghe chăm chú từ đầu đến cuối và cảm thụ vẻ đẹp của âm nhạc một cách tự nhiên, nên nghệ sĩ cũng có thể biểu diễn với tâm thế rất thoải mái.

Là một nghệ sĩ biểu diễn, điều đó khiến tôi rất hạnh phúc.

Là Giám đốc Nghệ thuật của Dự án “Tuyển tập âm nhạc cổ điển Nhật Bản”, anh có thể giới thiệu về dự án để những người quan tâm hiểu hơn về đời sống âm nhạc cổ điển ở xứ sở hoa anh đào?

Với chủ đề “Âm nhạc cổ điển mang đậm dấu ấn Nhật Bản”, dự án này quy tụ giới văn hóa, nghệ sĩ và tầng lớp thượng lưu bảo trợ cho họ từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật Bản, nhằm hồi sinh ngành văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản và các địa phương.

Năm 2023, trong chương trình đầu tiên, chúng tôi tổ chức chuỗi sự kiện liền mạch gồm buổi hòa nhạc, bữa tối, trải nghiệm văn hóa và tiệc cocktail xã giao tại các đền chùa ở Kamakura và Kyoto.

Mặc dù buổi hòa nhạc được tổ chức tại chính điện của một ngôi chùa lịch sử, nhưng tất cả các tiết mục biểu diễn đều là nhạc Pháp, bữa tối phục vụ món Italy và trải nghiệm văn hóa là hương đạo của Nhật Bản.

Chúng tôi đã thể hiện một thế giới toàn cầu hóa thông qua trải nghiệm độc nhất vô nhị chỉ có ở Nhật Bản, nên sự kiện này rất được chú ý, đặc biệt là từ giới truyền thông.

Từ quan điểm cá nhân với tư cách là một nghệ sĩ, tôi rất vui khi được biểu diễn với Michel Dalberto - nghệ sĩ piano tiêu biểu của Pháp và là một trong những người thầy của tôi, trong một buổi công diễn.

Trong khuôn khổ dự án, các buổi công diễn ở Kyoto, Nikko và Kamakura dự kiến được tổ chức vào tháng 10 và tháng 11 năm nay. Trong tương lai, tôi thấy dự án này có thể triển khai ở nhiều nơi trên thế giới.

Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao lưu văn hóa nghệ thuật. Anh nghĩ gì về cơ hội chia sẻ và trao đổi về âm nhạc cổ điển giữa hai nước?

Nghệ sĩ Ryutaro Suzuki sinh ra ở Kamakura, bắt đầu sự nghiệp từ năm 9 tuổi ở Nhật Bản và sau đó chuyển đến Paris vào năm 2008 để theo học tại Nhạc viện Paris.

Anh nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi piano quốc tế: Giải Nhất Cuộc thi piano quốc tế Ile-de-France lần thứ 17, giải Nhì Cuộc thi piano quốc tế lần thứ 6 để tưởng nhớ Emil Gilels, Giải Maurice Ravel tại Học viện quốc tế Ravel, hai giải Đặc biệt tại Cuộc thi Piano quốc tế Tbilisi lần thứ 6 và Cách diễn giải âm nhạc Tây Ban Nha hay nhất tại Cuộc thi piano quốc tế lần thứ 27 Ciudad de Ferrol. Năm 2021, anh nhận giải Ba và giải Beethoven tại Cuộc thi piano quốc tế José Iturbi lần thứ 21

Tôi được biết Việt Nam và Nhật Bản có một số điểm tương đồng lớn bắt nguồn từ nhiều mối liên kết xa xưa.

Một trong những điểm tương đồng đó là duy trì “sự cân bằng giữa tự do và kỷ luật ở mức độ nhất định” và “không tiếc công sức trau dồi các kỹ năng của bản thân nếu cần”.

Luận điểm này đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của âm nhạc cổ điển ở Việt Nam và Nhật Bản, thể loại nhạc có xuất xứ từ phương Tây nhưng đã trở thành một phần của văn hóa toàn cầu.

Nguyên do là vì quá trình học nhạc cổ điển không chỉ đòi hỏi tài năng và cảm hứng nghệ thuật, mà việc tiếp thu các kỹ thuật và lý thuyết cơ bản, nỗ lực hằng ngày và sự cân bằng của các yếu tố trên cũng rất quan trọng. Đặc điểm dân tộc của hai nước đều giống nhau ở khía cạnh này.

Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực nhạc cổ điển, giữa hai quốc gia Đông Á là Nhật Bản và Việt Nam mang ý nghĩa rất lớn, trở thành biểu tượng cho sự giao thoa giữa toàn cầu hóa và tính truyền thống.

Một trong những lý do âm nhạc cổ điển phát triển ở phương Tây trong quá khứ là vì các nhà soạn nhạc từ thời Mozart và Schubert đã sử dụng các giai điệu dân tộc của Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “mới lạ” bấy giờ. Sau đó, các nhà soạn nhạc như Dvořák, Grieg, Albéniz, Chopin đã thể hiện những giai điệu, nhịp điệu của đất nước mình theo phong cách nhạc cổ điển và được công chúng đón nhận.

Tất nhiên, các nhà soạn nhạc kể trên chỉ là một vài ví dụ. Trên thực tế, hầu hết các tác phẩm âm nhạc cổ điển đều có yếu tố “giai điệu hoặc nhịp điệu dân gian”. Những bản nhạc này sẽ được biểu diễn bởi những người mang các quốc tịch khác nhau. Có thể nói, đây chính là sự tổng hòa giữa toàn cầu hóa và tính truyền thống.

Khu vực Đông Á - nơi âm nhạc cổ điển du nhập vào từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX - có xu hướng tiếp thu các khía cạnh lý thuyết và phương pháp luận của âm nhạc cổ điển, cũng như chú trọng hoạt động biểu diễn các tác phẩm phương Tây, nhưng vẫn có một số ít nghệ sĩ đưa “giai điệu và nhịp điệu dân tộc” vào tác phẩm âm nhạc cổ điển như được đề cập ở trên.

Ví dụ như “Tổ khúc Nhật Bản” (sáng tác năm 1936) của Hisatada Otaka mà tôi biểu diễn trong chuyến lưu diễn Việt Nam gần đây. Ngoài ra, vở opera “Công nữ Anio” do Nhật Bản và Việt Nam hợp tác sản xuất trong năm 2023 có thể coi như bước tiến xa hơn của phong cách sáng tác này.

Một buổi biểu diễn của nghệ sĩ piano Suzuki Ryutaro. (Ảnh: NVCC)

Trong tương lai, chúng ta bước vào thời đại mà truyền thống và giá trị quan của Nhật Bản và Việt Nam lan tỏa khắp thế giới thông qua thể loại và thủ pháp sáng tác mang tính phổ quát toàn cầu của nhạc cổ điển.

Tôi nghĩ rằng hai nước gần gũi về giá trị quan nên có thể thấu hiểu lẫn nhau ở nhiều khía cạnh nghệ thuật.

Vậy sau chuyến đi đầu tiên, anh có dự định trở lại Việt Nam?

Hiện tại, tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng chuyến thăm lần này đã đem đến cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời nên tôi muốn sớm trở lại Việt Nam và biểu diễn. Tôi cũng mới chỉ tham quan được một số nơi nên tôi rất mong chờ dịp ghé thăm tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!

(thực hiện)

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghe-si-piano-suzuki-ryutaro-cam-nhan-su-dong-dieu-nhat-ban-viet-nam-265932.html