Nghệ sĩ Quang Đạt và chiếc xe Vespa kỷ lục Việt Nam

Quang Đạt là nghệ sĩ thực thụ. Anh luôn tự hào và sống có trách nhiệm với danh hiệu cao quý đó - trung thực, không bon chen, hết lòng vì bạn bè, vì hoạt động nghệ thuật và say mê những công việc mang lại lợi ích cho công đồng.

Cũng bởi thế, mấy mươi năm theo đuổi nghiệp diễn, làm nhà sưu tầm, viết báo, ca hát… với rất nhiều thành công, Quang Đạt luôn được bạn bè, đồng nghiệp trân trọng và yêu quí.

Là người say mê điện ảnh, Quang Đạt đã tham gia gần 100 bộ phim với những vai trò khác nhau: Đạo diễn, diễn viên, họa sĩ thiết kế, cố vấn võ thuật… phần lớn là phim nhựa. Trong đó, một số bộ phim khá nổi tiếng như: Tây Sơn hiệp khách, Ngọc trản thần công, Cảnh sát hình sự, Người con gái Đất đỏ, Người đàn bà không hóa đá, Tổ quốc tiếng gà trưa, Mỹ nhân… và nhiều bộ phim liên kết với nước ngoài, trong đó có phim Người Mỹ trầm lặng.

Nghệ sĩ Quang Đạt bên chiếc xe nắm giữ kỷ lục - chiếc Vespa cổ có nhiều chữ ký nhất của các nhà báo (879 chữ ký).

Năm 2006, nghệ sĩ Quang Đạt thực hiện hành trình xuyên Việt lần thứ nhất với chiếc xe Lambretta cổ nhằm quyên góp ủng hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam và tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong chuyến đi này, anh đã đến hầu hết các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc, quyên góp được trên 100 triệu đồng và chuyển toàn bộ đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp nối thành công và rút kinh nghiệm từ chuyến hành trình xuyên Việt đầu tiên, năm 2008, Quang Đạt lại lên đường thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ 2. Thông điệp mà anh mang theo trong chuyến đi này là “Vì tuổi thơ Việt Nam”. Qua chuyến đi, anh muốn truyền tải đến mọi người những tình cảm và hành động nhằm vun đắp, bảo vệ, chăm sóc những mầm non, là tương lai của đất nước. Sau hơn 1 tháng rong ruổi trên chiếc xe Vespa cổ, trên khắp mọi miền Tổ quốc, anh đã quyên góp được số tiền lên đến trên 300 triệu đồng để mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và chuyển đến những em nhỏ đang cần.

Năm 2011, nghệ sĩ Quang Đạt đã thực hiện thành công một chương trình rất đặc biệt và có ý nghĩa sâu sắc “Hành trình rước Bác vào Nam”. Hành trình mà Quang Đạt chọn để “Rước Bác vào Nam” là từ Làng Sen - nơi Bác sinh ra, Trường Quốc học Huế - nơi Bác đã theo học, Trường Dục Thanh - nơi Bác đã dừng lại để dạy học trên hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ. Và tất nhiên không thể thiếu Bến Nhà Rồng, TP Hồ Chí Minh - nơi Người xuống tàu đi tìm đường cứu nước và điểm cuối là Nhà Lưu niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác tại tỉnh Đồng Tháp. 2011 là năm rất phù hợp để Quang Đạt thực hiện mong muốn của mình.

Với lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quang Đạt đã ra tận Đà Nẵng, tìm gặp nghệ nhân nổi tiếng về tạc tượng ông Hoàng Mẫn để đặt tượng Bác bằng đá Non Nước nguyên khối. Bức tượng bán thân của Bác rất đẹp, sống động, uy nghiêm, tượng, cao 60cm và nặng 70kg. Đúng ngày sinh nhật Bác - 19/5/2011, Quang Đạt đã có mặt ở Khu di tích lịch sử Kim Liên - Nghệ An để làm lễ rước Bác tại bàn thờ. Tham dự buổi lễ hôm đó cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, khu di tích còn có hàng ngàn người con xứ Nghệ đến tiễn đưa. Sau lễ dâng hương, dâng hoa, tượng Bác được đưa lên xe ô tô để vào Nam còn Quang Đạt và một số bạn bè đi theo bằng xe máy Vespa màu trắng có hình vẽ Làng Sen quê Bác, Trường Quốc Học Huế, Trường Dục Thanh, Bến Nhà Rồng và Nhà Lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng chính là lộ trình mà Quang Đạt dừng chân để dâng hương, dâng hoa. 2012, 2013, 2014 là 3 năm liên tục Quang Đạt thực hiện chương trình xuyên Việt với chủ đề “Về với Mẹ Việt Nam anh hùng”. Qua những chuyến đi này, anh vận động được trên 600 triệu đồng và nhận được 3 kỷ lục Việt Nam

Xác lập kỷ lục nghệ sĩ Quang Đạt - Người đi xuyên Việt bằng Vespa cổ để gây quỹ từ thiện nhiều nhất.

Năm 2022, bước sang tuổi 60, Quang Đạt nắm giữ rất nhiều kỷ lục Việt Nam. Những kỷ lục đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận như chiếc xe Lambretta có 449 chữ ký của các văn nghệ sĩ nổi tiếng ký tên lưu niệm, cây bút có 99 chữ ký của các phóng viên, nhà báo, 1 máy quay phim với 99 chữ ký của các nhà quay phim. Ngoài ra, còn có kỷ lục 1 bức tranh được 99 họa sĩ vẽ với chủ đề về cuộc đời, 99 chiếc giày của 99 nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước… Hiện chiếc Vespa mà anh đang trưng bày ở 1A Cầm Bá Thước, phường 7, Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh cũng lập kỷ lục là chiếc xe lưu giữ nhiều chữ ký của các nhà báo nhất Việt Nam, với gần 879 chữ ký của các tổng biên tập, phóng viên, nhà báo trên khắp cả nước. Trong đó, khá nhiều người là tổng biên tập của các tờ báo lớn như: Trần Thế Tuyển - báo Sài Gòn giải phóng, Nguyễn Quang Thông - báo Thanh Niên, Đặng Xuân Dũng - báo Công an TP. Hồ Chí Minh… Chiếc xe này đã xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về “Người đi xuyên Việt nhiều nhất để làm từ thiện”. Những chữ ký đó là sự trân trọng và kính mến bởi không phải ai anh cũng xin chữ ký, đó đều là các nhà báo, phóng viên mà anh kính trọng, nể phục.

Ngoài chữ ký của các nhà báo, điểm nhấn trong xe “độc chiêu” này là 5 bức tranh thể hiện tình yêu quê hương đất nước như: Quê hương Bác ở Nghệ An, Trường Quốc học Huế, Trường Dục Thanh (nơi Bác Hồ từng dạy học), Bến Nhà Rồng và cuối cùng là Khu lưu niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Chiếc xe Vespa độc đáo này đã cùng chủ nhân thực hiện 7 chuyến hành trình xuyên Việt để làm từ thiện. Kỷ lục gia Việt Nam, nghệ sĩ, nhà báo Quang Đạt tâm sự, anh rất yêu quý chiếc xe. “Mỗi chữ ký là tình cảm của anh, chị em nhà báo vui vẻ đặt bút”. Đã có người ngỏ ý muốn mua chiếc xe trên với giá 1 tỷ đồng, tuy nhiên Quang Đạt lại muốn tổ chức một buổi bán đấu giá. Số tiền thu được anh sẽ dành để tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng, những hoàn cảnh khó khăn vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2022), phần còn dùng để sửa chữa, phục hồi, bảo quản và sưu tầm thêm hiện vật cho Bảo tàng Điện ảnh mà anh dày công xây dựng từ nhiều năm nay.

Trong hành trình xuyên Việt, anh ghé qua nhiều địa danh Đất nước, được chào đón nồng nhiệt

Tháng 11/2008, Giám đốc Trung tâm UNESCO Điện ảnh đa truyền thông Việt Nam Lê Hữu Phước và NSƯT, đạo diễn Lê Dân đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Đạt (nghệ danh Quang Đạt) làm chủ nhiệm Bảo tàng Điện ảnh. Năm 2009, trên diện tích đất khoảng 2.000 m2 của gia đình ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận), nghệ sĩ Quang Đạt đã quyết định dành 130m2 xây dựng bảo tàng. Sau hơn 2 năm xây dựng, Bảo tàng Điện ảnh mới hoàn thành, là nơi lưu giữ những kỷ vật về điện ảnh của các thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ mà anh đã tốn nhiều công sức sưu tầm, bảo quản.

Ở đây, rất nhiều kỷ vật có thể coi là vô giá như: Bản gốc kịch bản của cố đạo diễn Hồng Sến, những máy chiếu phim cổ từng phục vụ bao bản làng hẻo lánh, 8 chiếc máy quay phim từng thấm mồ hôi và cả máu của nghệ sĩ - chiến sĩ trong cuộc chiến giành độc lập; 14 chiếc máy ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đảnh, 20 máy quay phim, trong đó có chiếc máy quay phim của NSND Nguyễn Thế Đoàn, NSƯT Khương Mễ, Lê Dũng, Trần Đức Lai và NSND Đường Tuấn Ba… Ngoài ra còn có những chiếc radio cổ, máy hát quay đĩa, máy chiếu phim, máy tráng phim, máy rửa hình, máy thu tiếng động của chiến khu xưa. Bên cạnh đó là những trang sách kỹ thuật của 50 quyển sách xuất bản tại Pháp về nghệ thuật thứ 7 thời kỳ phôi thai đã cũ mòn con chữ do NSƯT Khương Mễ dịch. Quang Đạt còn được các thày, các nghệ sĩ, bậc tiền bối trong làng điện ảnh trao tặng cho bảo tàng trên 100 Huân, Huy chương để trưng bày, trong đó có: NSND Nguyễn Thế Đoàn, NSƯT Lê Dân, NSƯT Khương Mễ, NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn. Cũng tại Bảo tàng Điện ảnh, Quang Đạt xây dựng 3 gian để thờ những nghệ sĩ quá cố như: Khương Mễ, Hồng Sến, Mai Lộc.

Tấn Hiệu

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/nghe-si-quang-dat-va-chiec-xe-vespa-ky-luc-viet-nam-20220621222802.htm