Nghệ sĩ thắng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp gây tranh luận vì yếu tố thương hại

Về chiến thắng của Lost Voice Guy, các báo lớn của Anh là Guardian và BBC News nêu quan điểm liệu có yếu tố thương hại người tàn tật, cần có cái nhìn mới về người tàn tật.

Clip phần thi hài hước giúp nghệ sĩ bại não thắng Quốc Cơ Quốc Nghiệp Trong đêm chung kết Britian's Got Talent 2018, chàng trai mắc bệnh bại não với biệt danh Lost Voice Guy tiếp tục mang đến phần thi hài hước và ý nghĩa về người khuyết tật.

Cả Guardian BBC News đều khen ngợi chiến thắng của Lost Voice Guy thể hiện nghị lực của cá nhân anh và có sức truyền cảm hứng đến cộng đồng người khuyết tật ở nước Anh, nhưng cũng đề cập quan điểm trái chiều cho rằng đó là yếu tố quan trọng giúp anh đoạt giải.

Liệu có sự thương hại người tàn tật?

Theo BBC News, khi Lost Voice Guy thắng, anh được chú ý chủ yếu vì là người "bại não, bị câm" thay vì khía cạnh quan trọng không kém: anh là nghệ sĩ hài đầu tiên thắng Britain's Got Talent.

Viết trên Guardian, cộng tác viên Frances Ryan (cũng là người tàn tật) dẫn lại lời nhận xét của nữ giám khảo Alesha Dixon với Lost Voice Guy cho thấy tầm quan trọng của yếu tố tàn tật: "Bạn đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người. Vì điều đó, bạn đã chiến thắng rồi". Theo Guardian, câu nói này là khen ngợi nhưng chứa đựng sự thương hại.

Quán quân Lost Voice Guy gây tranh luận sôi nổi ở Anh vì yếu tố tàn tật. Ảnh: Mirror.

"Nhiều lúc, tôi lo ngại phải chăng vì sự mong đợi của xã hội đối với người tàn tật quá thấp nên họ bầu chọn cho chúng ta chỉ đơn giản vì chúng ta có thể tự ra khỏi giường mỗi sáng. Tuy nhiên, với sự cuồng nhiệt của khán giả khi theo dõi tiết mục của Lost Voice Guy, cảm giác như tiết mục đó được xem xét dưới góc độ bình đẳng", Ryan viết.

Dù vậy, có ý kiến cho rằng nhiều khán giả bầu chọn cho Lost Voice Guy (chiếm 21%) bị ảnh hưởng bởi cảm giác thương hại. Đây là chủ đề tranh cãi chính về chiến thắng của quán quân năm nay trên các trang mạng xã hội. Hai luồng quan điểm vẫn tồn tại song song và liên tục va chạm với nhau dưới mỗi bài đăng về Lost Voice Guy trên fanpage của chương trình.

Nhưng theo tác giả Ryan, các chương trình tìm kiếm tài năng không chỉ coi trọng tiêu chí tài năng thuần túy mà nên đặt nặng sức ảnh hưởng xã hội.

"Không nên đánh giá thấp khả năng tác động lên văn hóa đại chúng của thí sinh", chị viết, "Những tiết mục như vậy của nghệ sĩ tàn tật trên truyền thông đại chúng sẽ góp phần khiến công chúng có cái nhìn bình thường hóa, có sức tác động xã hội hơn hẳn so với những chiến dịch từ thiện thông thường".

Robert White, nghệ sĩ về nhì tại Britajn's Got Talent, cũng là một cây hài mắc chứng rối loạn tự kỷ. Ảnh: BBC.

Trong nhiều năm qua, Britain's Got Talent luôn ưu ái các thí sinh đến từ nhiều lĩnh vực. Đó là nghệ sĩ diễn với chó (cặp cô chủ Ashleigh và chú chó Pudsey), nhóm nhảy (nhóm Diversity) đến nghệ sĩ ái quốc (dàn hợp xướng nữ D-Day Darlings của năm nay).

Và năm nay, yếu tố "tàn tật" cũng được tôn vinh khi hai nghệ sĩ quán quân và á quân đều là người tàn tật: Lost Voice Guy bị bại não và Robert White, người về nhì, mắc chứng rối loạn tự kỷ Asperger. Các vòng trước đó còn có một ca sĩ nhí tự kỷ, một vũ công ngồi xe lăn là nạn nhân vụ đánh bom Manchester.

Nhận thức xã hội về người tàn tật phải được bình thường hóa

Chính Lost Voice Guy cũng nói: "Người ta thường hỏi tôi vì sao muốn chiếm vị trí chính giữa, nơi ai cũng nhìn mình và cười nhạo những lời mình nói. Nhưng sự thật là cuộc sống thường ngày của tôi cũng giống y như vậy. Ít nhất sân khấu là nơi dành cho điều đó".

Dean Chaffer, một khán giả cũng bị bại não và đã hâm mộ Lost Voice Guy nhiều năm nay, nhận định: "Yếu tố tàn tật nên được bình thường hóa trên truyền thông".

Và trước câu hỏi "Đây có phải khoảnh khắc bước ngoặt đối với người tàn tật trên truyền hình?", người dẫn chương trình tàn tật nổi tiếng Mik Scarlet trả lời: "Không".

Mik Scarlet, người dẫn chương trình nổi tiếng ở Anh. Ảnh: Daily Mail.

Ông lý giải: "Truyền thông luôn tin rằng công chúng không thể hưởng ứng người khuyết tật, nhưng chính truyền thông phải tự thức tỉnh, và nhận ra rằng công chúng lâu nay vẫn rất đón nhận người tàn tật". Biểu hiện rõ nhất là truyền thông luôn dựng lên những câu chuyện thương tâm về người tàn tật thay vì nhìn nhận bình đẳng.

Nhưng Mik Scarlet công nhận một điều rằng chiến thắng của Lost Voice Guy tại cuộc thi tầm cỡ như Britain's Got Talent sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nghệ sĩ tàn tật khác ở Anh.

Đặc biệt, theo BBC News, người tàn tật có xu hướng nghĩ ra những trò đùa cợt từ chính tình trạng của mình, như cách Lost Voice Guy hay Robert White vẫn làm, và không cần sự thương hại. Nhờ đó, họ cũng có khả năng tấu hài, điều này cũng phù hợp với các chương trình giải trí hiện nay.

Quốc Cơ, Quốc Nghiệp nhảy qua 6 cây cột ở chung kết Got Talent Hai anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp bất ngờ gặp sự cố đổ cột nhưng đã dũng cảm nhảy qua trong đêm chung kết Britain's Got Talent đang diễn ra tại London, Anh.

Mi Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nghe-si-thang-quoc-co-quoc-nghiep-gay-tranh-luan-vi-yeu-to-thuong-hai-post848794.html