Nghệ sĩ Thủ đô kêu khó

Tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Sở Văn hóa-Thể thao (VH&TT) sáng 3/3, đại diện nghệ sĩ Thủ đô nêu nhiều khó khăn, cả về điều kiện cơ sở vật chất, cả về yếu tố con người, những mong được lãnh đạo thành phố thấu hiểu, chia sẻ và có giải pháp kịp thời.

Chương trình “Hà Nội- Xưa và Nay” của nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Ảnh: SVHTTHN

Chương trình “Hà Nội- Xưa và Nay” của nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Ảnh: SVHTTHN

Vất vả quá!

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, hiện nay biên chế dành cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ không có, buộc nhà hát phải ký hợp đồng dẫn đến khó khăn trong chi trả lương. Hai tháng đầu năm đơn vị chỉ trả được lương trong biên chế, còn lương hợp đồng không có. NSND Trung Hiếu mong muốn Thành ủy, UBND thành phố sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm để nhà hát có cơ sở tuyển thêm biên chế cho đội ngũ nghệ sĩ, bớt hợp đồng ngắn hạn “thì mọi người đỡ vất vả”.

Ông Trung Hiếu cũng đề nghị sớm ban hành định mức để nhà hát có cơ sở vật chất, ô tô, xe tải, xe chở văn nghệ sĩ. Theo ông, muốn tự chủ được thì phải có các trang thiết bị, tài sản, cũng giống như “ra ở riêng” vậy. “Sinh lão bệnh tử, ốm đau phải đến bệnh viện; con cái phải đi học là những thứ bắt buộc. Nhưng đưa người dân đến với sâu khấu không phải bắt buộc mà là tự nguyện. Để văn hóa tự chủ là câu chuyện cực kỳ khó, làm sao Thành ủy và các lãnh đạo thấu hiểu tình cảnh của văn nghệ sĩ để có cơ chế đặc thù cho anh em”, NSND Trung Hiếu nói.

“Văn nghệ sĩ phải sống được bằng nghề, đừng để khổ quá, vất vả quá, đây cũng là trách nhiệm của Thành ủy và hệ thống chính trị”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Ông Hiếu cũng cho hay, số lượng các diễn viên trong biên chế đa phần đều trên 40 và dưới 60 tuổi, không thể đóng vai chính được. “Đóng vai chính phải trẻ đẹp, là những diễn viên nhưng tất cả số lượng diễn viên ấy đều không nằm trong biên chế vì hết chỉ tiêu, muốn tuyển phải có cơ chế nhất định để anh em được phát triển”, ông Hiếu nêu ý kiến. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, cuộc làm việc hôm nay là dịp để các văn nghệ sĩ có tiếng nói, có tháo gỡ những vướng mắc vì “theo lộ trình và cách như này thì anh em làm nghệ thuật vất vả quá”.

Mong mỏi lớn lao của nhà hát là có rạp để diễn, dù không cần phải rạp hoành tráng. “Mong Bí thư và cơ quan liên ngành rà soát lại rạp nào của thành phố đang có sẵn mà sử dụng không hiệu quả thì chúng tôi xin tiếp nhận. Để Hà Nội có tâm điểm văn hóa hội tụ, Nhà hát sẽ diễn thường xuyên hàng tuần, thậm chí mời những gì tinh hoa nhất của tỉnh về diễn”, NSƯT Huỳnh Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nói. Ông Minh nêu việc hiện nay khách quốc tế và địa phương muốn đến xem nhưng không có điểm diễn thường xuyên, trong khi đơn vị có rất nhiều chất liệu nhưng không thể diễn được vì đi thuê rạp mất 200 triệu đồng/đêm, điều này rất khó khăn. “Mong Bí thư ủng hộ để anh em có chỗ để biểu diễn, chứ bây giờ đi thuê, đi nhờ thì không chịu nổi”, NSƯT Tấn Minh nói, đồng thời mong Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành có khảo sát thực tế.

Phải sống được bằng nghề

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng cho hay, đầu năm, đơn vị chưa trả được lương cho nhân sự hợp đồng ngắn hạn, cơ chế vấp rất nhiều, mỗi năm một kiểu. Mỗi khóa diễn viên ra trường chỉ tuyển được 1- 2 người, nếu không được thanh toán lương thường xuyên thì mấy chục người của các đơn vị cộng lại rời khỏi Hà Nội sẽ rất nguy hiểm, không có người làm việc. “Đấy là những tinh hoa, chúng tôi chọn rất kỹ. Tôi chấm thi tốt nghiệp của một trường mà 3 năm liền không chọn được một người nào, lựa chọn nhân sự về Hà Nội không hề dễ dàng”, ông Minh bày tỏ.

NSƯT Tấn Minh bày tỏ hy vọng thành phố đầu tư kinh phí để đơn vị khôi phục tất cả những vở kịch kinh điển, vở chèo cổ, điệu múa cổ của Hà Nội, đó là những giá trị của văn hóa, nếu không khôi phục thì sẽ mất dần.

Lắng nghe các ý kiến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định, thời gian qua, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến nghệ thuật. Theo ông Huệ, an cư mới lạc nghiệp được, thể chế chính sách hiện nay chưa tương xứng, đồng thời chưa quan tâm đúng mức hoàn thiện thể chế chính sách cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. “Xe của đoàn nghệ thuật rất đa năng, vừa là phương tiện vận chuyển, vừa là chỗ để thay đồ, không có thì cực khổ lắm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ với những khó khăn mà các nghệ sĩ đang gặp phải.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị cần có định hướng, giải pháp lớn khắc phục tình trạng này, đưa văn hóa, thể dục thể thao, con người phát triển toàn diện, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng với sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô. Cùng với đó, cần đào tạo, tuyển dụng được những người có tài năng; quan tâm, có chính sách kịp thời cho các đơn vị tự chủ, hỗ trợ khó khăn trong điều kiện COVID-19, không để giảm thu nhập so với trước đây. Cho rằng “đội bóng phải có sân, nghệ thuật phải có nhà hát”, Bí thư thành ủy Hà Nội đồng tình đề xuất hỗ trợ về trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh, xe phục vụ biểu diễn lưu động… xứng tầm với nhà hát của thành phố. Các nghệ sĩ diễn viên có thể sống được bằng nghề khi nhà hát chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.

Ông Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những kiến nghị của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở VH&TT. Trong đó, bằng nhiều nguồn vốn, thành phố Hà Nội sớm đầu tư xây dựng rạp mới phục vụ biểu diễn xiếc và tạp kỹ Hà Nội (nhà hát chưa có rạp biểu diễn) và xem xét, bố trí rạp biểu diễn cho các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nghe-si-thu-do-keu-kho-1801472.tpo