Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Anh - Kéo gần khoảng cách, tạo sự gần gũi giữa con người

Trong bài viết mang tên 'The Thing' trong tuyển tập Poetry, Language, Thought viết 1971, triết gia người Đức Martin Heidegger từng viết rằng, mọi cố gắng của nhân loại trong việc bác bỏ khoảng cách về địa lý chỉ không thật sự mang lại sự gần gũi giữa con người, mà chỉ mang lại một trạng thái đồng đều khi mà các khoảng cách địa lý trở nên vừa gần và vừa xa.

Những dấu ấn cách xa hàng nghìn km

Cũng theo vị triết gia Martin Heidegger, sự đồng đều đó đến từ mong muốn thỏa mãn những nhu cầu ngắn hạn, sự thuận tiện của cuộc sống hiện đại hay sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin.

Chuẩn bị cho ra mắt tác phẩm ''Semiotics of Distance'' (Bài học cứu về khoảng cách)- Photos by Georgette Maniatis.

Chuẩn bị cho ra mắt tác phẩm ''Semiotics of Distance'' (Bài học cứu về khoảng cách)- Photos by Georgette Maniatis.

Qua những tác phẩm của Nguyễn Thùy Anh - một nghệ sĩ trẻ đang sinh sống, làm việc và giảng dạy ở TP New York, cô nghiên cứu sự gần gũi thân mật giữa người với người khi đối mặt với những xa cách khác nhau của cuộc sống hiện đại. Các tác phẩm của cô tập trung chuyển tải cảm giác chênh vênh giữa văn hóa và các miền địa lý, nỗi nhớ, sự hoài niệm gắn với sự di cư và lột tả những cảm xúc đó trong vật thể mang tính cơ thể hoặc chính cơ thể của nghệ sĩ.

Trong dự án Meet-by-Touch (tạm dịch: Gặp qua những cái Chạm) Thùy Anh trao đổi dấu ấn của cơ thể trên đất sét với một nghệ sĩ khác sinh sống tại Hà Nội trong thời gian một năm dựa theo một bản hợp đồng hai bên cùng ký. Những miếng đất sét gửi qua bưu điện hàng tháng trải qua gần 13.000 km giữa New York và Hà Nội, thường đến nơi vỡ vụn hoặc thất lạc, nói lên trở ngại của cách trở địa lý mặc dù Internet và các phương tiện trao đổi thông tin của cuộc sống hiện đại tưởng như đã nối liền những trăn trở đó.

Trong một tác phẩm khác mang tên “Semiotics of Distance” (bài học/bài nghiên cứu về khoảng cách) Thùy Anh cắt chiếc mâm truyền thống biểu tượng cho sự sum vầy của người Việt và kết nối 2 mảnh mâm bằng một ống silicone có hình dáng như một bộ phận cơ thể (ruột hay dây rốn) và gắn chúng lên 2 cây chống 3 chân. Tác phẩm đi kèm trình diễn với 2 người đàn ông đi vòng quanh vật thể và liên tục thay đổi vị trí của cây chống họ được giao.

Bài trình diễn như thể nhấn mạnh tính biểu tượng giữa sự thay đổi liên tục về khoảng cách, 2 mảnh mâm không trở nên xa hơn hay gần hơn do chúng luôn nối với nhau bởi độ dài định sẵn của ống silicone. Tác phẩm gợi đến một sự liên kết mạnh mẽ không thay đổi giữa những mảnh mâm cũng là biểu tượng về mối quan tâm những người ruột thịt trong thay đổi về địa lý hay cách trở.

Và những chia sẻ chân thành

Đôi khi tác phẩm của Thùy Anh nói đến sự cách một cách trực diện hơn. Trong tác phẩm An Act of Simultaneous Looking (nhìn cùng một lúc), Thùy Anh tạo ra “dụng cụ” cho 2 người có thể đeo và nhìn qua, với tầm nhìn của họ định sẵn trong 2 ống nhựa và silicone cắt nhau một góc 600. Dụng cụ đó không những cắt tầm nhìn của họ, ngăn trở người đeo nhìn thấy nhau, mà còn đặt họ ở vị trí vai nối vai trong không gian và vô cùng nặng nề đòi hỏi sức của 2 người mới có thể sử dụng được.

Tác phẩm nói lên khó khăn về sự khác biệt giữa 2 người dù ở trong vị trí địa lý gần gũi, cách trở về cái nhìn, về văn hóa và cảm xúc vẫn tồn tại, ám ảnh trong cuộc sống hiện đại thường ngày ở TP như New York.

Những miếng đất sét gửi qua bưu điện trong dự án Meet-by-Touch (gặp qua những cái Chạm) của Thùy Anh được gửi từ Hà Nội sang New York 1

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Anh cũng chia sẻ, mặc dù càng ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt theo học các loại hình nghệ thuật ở Mỹ và cả ở New York nhưng nghệ sĩ tập trung vào học tập và nghiên cứu nghệ thuật đương đại vẫn còn hiếm.

Thêm vào đó chưa có gallery, tổ chức phi chính phủ, hay giám tuyển ở New York tập trung hỗ trợ nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Vì vậy, nghệ sĩ trẻ Việt phải tự cố gắng đơn thân rất nhiều để có truyền thông, có triển lãm, chưa nói đến việc tìm được art advisor or collector để bán được tác phẩm.

Thế mạnh của nghệ sĩ Việt là còn có nhiều mảng văn hóa tư liệu lịch sử về Việt Nam vẫn chưa được nói đến ở New York. “Hy vọng sẽ sớm có triển lãm hay dự án hợp tác của các nghệ sĩ trẻ Việt để có thể trao đổi các nghiên cứu và các tác phẩm tại New York trong tương lai không xa”- nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Anh bày tỏ suy nghĩ của mình.

Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sinh sống 4 năm ở miền Trung - Tây Mỹ và 3 năm ở New York.

“Tôi theo đuổi nghệ thuật này vì quan tâm tới ý niệm, tính biểu tượng và cách biểu đạt ý niệm với vật thể qua các tìm tòi thử nghiệm về mặt thị giác. Tư duy thị giác vốn hay bị nhầm tưởng là tư duy của cái đẹp đơn thuần, thực chất là tư duy của trí tuệ và tính triết học. Tôi cũng quan tâm đến việc thay đổi nhận thức này trong phần đông khán giả khi nói đến nghệ thuật thị giác.

Mục đích của nghệ thuật nên chú trọng vào tính biểu đạt, tính nghiên cứu kể cả khi các nghiên cứu nằm ngoài ngôn ngữ hay văn hóa của một cộng đồng. Mục đích này mang ý nghĩa, nghệ thuật có khả năng xóa nhòa sự khác biệt nhưng cũng có thể khiến nghệ thuật trở thành một hình thức phản ánh sự khác biệt. Một số sự khác biệt không cần thiết phải xóa đi, và một số ranh giới là cần thiết.

Đặc biệt, để xóa đi cái gọi là "ranh giới và sự khác biệt về ngôn ngữ, chính trị, xã hội" là một điều gần như không tưởng, và nghệ thuật không có trách nhiệm giải quyết những vấn đề không tưởng. Bản chất của nghệ thuật là sự thật và nghệ thuật cần môi trường tự do, sự cởi mở và kiến thức của người xem để đón nhận sự thật đấy”- nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Anh chia sẻ.

Phương Đông

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nghe-sy-tre-nguyen-thuy-anh-keo-gan-khoang-cach-tao-su-gan-gui-giua-con-nguoi-339838.html