Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi nhớ mãi cái thời hát đình, hát miễu!

Trung Dân nổi lên trong phong cách hài cá tính mà cụ thể là những nhân vật nông dân với ngôn ngữ đậm chất nhà quê, phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến đạo đức con người, và giá trị xã hội. Thế nhưng ít ai hiểu được rằng đằng sau sự gai góc đó là một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm.

Khẳng định tên tuổi qua vai hài phê phán

Trung Dân sinh ra trong gia đình trí thức tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Dù ở vùng ven đô nhưng cha anh không theo nghề nông. Ông là một trí thức có kiến thức lịch sử và văn hóa sâu rộng, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp. Trung Dân ảnh hưởng nhiều từ cha. Với sở thích mê văn chương, cùng kiến thức được tích lũy qua việc đọc sách, khi tốt nghiệp trung học, Trung Dân thi vào Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Anh học được hơn một năm thì nhận ra ngành học phù hợp nhất với mình chính là nghệ thuật. Anh quyết định bỏ Tổng hợp và thi vào Trường Cao đẳng sân khấu & điện ảnh TP.HCM (nay là Trường Đại học sân khấu & điện ảnh TP.HCM).

Được học tập trong môi trường mình yêu thích, Trung Dân rất hạnh phúc cho dù sinh viên trường nghệ thuật thời đó rất nghèo và thiếu thốn. Chuyện được nổi danh là một cơ hội quý hiếm và chỉ thuộc về những diễn viên nào có thực tài. Bởi ngày ấy môi trường giải trí còn hạn hẹp, truyền thông hạn chế nên người nghệ sĩ muốn được khán giả biết đến phải trải qua quá trình lao động nghệ thuật kiên trì và bền bỉ.

Nghệ sĩ Trung Dân

Hơn ai hết, Trung Dân biết mình không có vẻ đẹp hình thể vượt trội để được giao vai kép đẹp. Từ nhỏ anh đã nhận ra mình là một người có duyên, vì nơi nào anh xuất hiện, nơi đó rộn rã tiếng cười; bất chấp cái tính ăn ngay nói thẳng có khi đụng chạm đến tự ái của người khác. Vì vậy, anh xác định mình đi theo con đường hài kịch. Vấn đề hài kịch phải có một phong cách riêng mới có thể khiến khán giả thích và xem. Anh quyết định mình phải theo phong cách hài cá tánh.

Điều đó được chứng minh qua vai ông Mười hớt tóc trong vở kịch Quán cafe bồ đà trong chương trình Trong nhà ngoài phố nổi tiếng một thời của Đài truyền hình TP.HCM. Với vai này, Trung Dân diễn tâm trạng một người bị phê thuốc, mất kiểm soát lý trí và hành vi. Cách diễn của anh rất phá cách, duyên dáng đến mức nhiều hãng băng đĩa thời đó mời anh ký hợp đồng.

Từ một diễn viên bình thường, anh thành một nghệ sĩ hài danh tiếng. Cái tên Trung Dân bắt đầu xuất hiện dày đặc tại các tụ điểm tấu hài thời bấy giờ.

Phần lớn các tiểu phẩm Trung Dân diễn do chính anh viết kịch bản. Chủ đề anh chọn là những gì ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà đặc biệt là đời sống nông thôn. Anh thấy và hiểu rõ sự thiệt thòi của người dân quê nghèo, ít có cơ hội giãi bày nỗi bức xúc của mình.

Anh muốn nói hộ họ. Anh muốn giành lại công bằng cho họ. Anh muốn nông thôn không bị những thói xấu của thành thị tha hóa. Anh muốn giữ lại sự yên bình và trong sạch vốn có của miền quê. Để tạo sức hút, anh viết những kịch bản phê phán mạnh và nhân vật anh hóa thân “chửi” rất dữ. Đồng nghiệp thân thương gọi đùa anh là “Thánh chửi”.

Ở lĩnh vực hài kịch Trung Dân gắn liền với hình ảnh người nông dân

Dẫu vậy, khán giả nghe lời chửi này rất khoái vì rất trúng, và cấp quản lý cũng rất đồng cảm với tấm lòng người nghệ sĩ, bởi nhưng gì anh nói đều từ thực tế. Trung Dân dấn thân và mải miết với con đường anh đã chọn. Hình ảnh nông dân của anh đậm đặc từ ngôn ngữ đến hình thể. Đến một ngày, khán giả gọi Trung Dân là người nghệ sĩ của ruộng đồng.

Đam mê cải lương

Vùng quê Hóc Môn nơi Trung Dân sinh ra có phong trào đờn ca tài tư cải lương rất mạnh. Ngày còn đi học, anh có một người bạn chơi đàn cổ nhạc xuất sắc. Người bạn này thường đàn cho bạn bè trong lớp hát. Nhờ những tháng năm này mà Trung Dân hát cải lương chắc nhịp, đồng thời cái hay và cái đẹp của cải lương ngấm sâu vào tâm hồn anh.

Thế nên, ngay sau khi nổi tiếng bên lĩnh vực tấu hài và sân khấu kịch, các ông bà bầu cải lương ngỏ ý mời anh tham gia đóng cải lương anh nhận lời ngay. Bởi vì, anh biết rằng một người nghệ sĩ Nam Bộ mà được hát cải lương - bộ môn nghệ thuật ra đời tại vùng đất miền Nam là một vinh hạnh.

Trung Dân (giữa) cùng NSƯT Bảo Quốc (trái) và nghệ sĩ Phú Quý trong vở cải lương "Lý ngư vọng nguyệt"

Ngày đầu tiên anh hát cải lương có sự chứng kiến của cố nghệ sĩ Bảy Bá tức NSND Viễn Châu anh rất hồi hộp. Nghe Trung Dân hát xong, cây đại thụ làng cải lương phán một câu: “Trung Dân là dân kịch mà hát cải lương chắc nhịp, rất duyên, rất cải lương”.

Khi tham gia cải lương, anh không màng cát xê, vì lúc đó sân khấu tấu hài đang ở đỉnh cao. Diễn viên hài kiếm tiền nhiều hơn tất cả các loại hình khác cùng thời. Thế nhưng khi đóng cải lương anh phải lặn lội vào những vùng nông thôn xa xôi để phục vụ dân quê. Nếu không hát trực tiếp, việc quay video cải lương cũng có bối cảnh chủ yếu miền quê nên anh cũng lặn lội xuống ruộng đồng.

Trung Dân nhớ lại: “Có một lần vào dịp lễ Kỳ Yên, tôi cùng các nghệ sĩ cải lương như Trọng Nghĩa, Trinh Trinh, Thoại Mỹ, nghệ sĩ lão làng Bạch Mai được mời hát cúng đình tại một xã ở Đồng Nai. Hát cúng đình thường là hát theo lối lập thành tức là nghệ sĩ không có kịch bản trước, đòi hỏi nghệ sĩ phải bản lĩnh, còn tôi không phải là dân cải lương chuyên nghiệp nhưng vẫn dám hát. Chúng tôi chọn tuồng San hậu. Khi vô diễn thì ứng biến. Bạn diễn hát cái gì thì mình tự nghĩ ra câu hát để đối đáp. Hát vậy mà khán giả xem trong sân đình vô tay rần rần thích thú. Có lẽ ông thần của đình yêu quý chúng tôi nên độ cho chúng tôi hát thành một tuồng hào hứng. Đến giờ tôi vẫn không quên kỷ niệm này”.

Niềm hạnh phúc khác khi Trung Dân hát cải lương là cơ hội làm việc chung với những thần tượng mà mình ái mộ như NSND Diệp Lang, NSND Minh Vương, NSUT Bảo Quốc, NSND Ngọc Giàu... Đó là những người mà ngày nhỏ anh mơ ước được một lần chạm vào họ. Có gì hạnh phúc hơn khi được trở thành bạn diễn của thần tượng mình.

Khoảng một thập niên trước, Trung Dân đóng không biết bao nhiêu video cải lương. Trên sân khấu anh xuất thần vai Hội đồng Thăng trong vở Ánh lửa rừng khuya. Vì vậy, trong thâm tâm Trung Dân, anh cũng cho rằng mình cũng là người của cải lương.

Thế nên trong không khí kỷ niệm 100 năm cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mời anh và Hoài Linh tham gia vở Giấc mộng đêm xuân. Dù chỉ là vai khách mời nhưng Trung Dân rất hân hạnh tham gia. Anh đã hủy nhiều show khác để dành hết tình cảm của mình cho cải lương.

Trung Dân cho biết: “Ngày xưa tôi từng đóng vai ông Hội đồng Thăng. Vai diễn của tôi được khán giả thích. Khi đóng cải lương nhiều tôi càng yêu quý bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nghệ sĩ cải lương là một người phải có kỹ năng tổng hợp gồm giọng hát, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo và một trí nhớ tốt. Nghệ sĩ cải lương là người cống hiến nhiều nhưng thật buồn là cải lương bây giờ rơi vào tình cảnh quá khó khăn”.

NGUYỄN HUY

Anh yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc nồng nàn. Thế nên trong dịp chào đón 100 năm cải lương Việt Nam sắp diễn tại rạp Hưng Đạo, anh hăng hái góp sức mình trong một vai diễn vô cùng đặc biệt. Chính vai diễn này khiến cho Trung Dân nhớ lại cái thời ăn cơm cải lương, cơm ghe bè bạn khắp vùng thôn quê hẻo lánh.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nghe-si-trung-dan-toi-nho-mai-cai-thoi-hat-dinh-hat-mieu-21187.html