Nghệ sĩ Tuyết Minh: 'Bỏ 3 tỷ để làm 'Mỵ' không phải chỉ để giành huy chương'

Vở diễn lấy ý tưởng từ câu chuyện nổi tiếng 'Vợ chồng A Phủ' của nhà văn Tô Hoài vừa xuất sắc giành được giải Chương trình Ấn tượng và mang về cho nghệ sĩ Tuyết Minh giải Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Không chỉ vì những sáng tạo mới cho một câu chuyện cũ mà ngay từ khi dựng vở, nghệ sĩ Tuyết Minh đã hướng đến mục tiêu rõ ràng, đó là phải bán được vé và phát triển du lịch.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Mỵ”. Ảnh: TL

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Mỵ”. Ảnh: TL

Khán giả phải đứng để xem vở diễn

Không phải là đêm khai mạc Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhưng buổi công diễn vở nhạc kịch “Mỵ” tại Nhà hát thành phố, tỉnh Cao Bằng trở nên quá tải bởi lượng khán giả quá đông. Rất nhiều người đã chấp nhận đứng để được thưởng thức vở diễn. Lực lượng bảo vệ tuy có làm việc vất vả hơn đôi chút để đảm bảo trật tự cho khu vực sân khấu chứ nhất định không để bà con đến rồi phải ra về trong “tức tưởi”. Chưa tính đến chất lượng nghệ thuật thì với lượng khán giả đông như thế này đã được coi là một thành công lớn của Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Bởi, dù quy mô Liên hoan có lớn đến mấy, vở diễn nhiều “ngôi sao” cỡ nào mà khán giả không hào hứng cũng là một thất bại.

Vở diễn kết thúc sau hơn 2 giờ đồng hồ được các diễn viên “cháy” hết mình trên sân khấu. Những tiếng thì thầm “quá xuất sắc”, “huy chương vàng là chắc rồi”… xen lần trong tiếng vỗ tay ròn rã của bà con Cao Bằng. Từng dựng không biết bao nhiêu vở đi dự liên hoan, biểu diễn, gặt hái được không ít thành công nhưng nghệ sĩ Tuyết Minh vẫn không khỏi xúc động trước tình cảm của các diễn viên, bà con dành cho vở diễn. Vậy mà khi đề nghị được phỏng vấn, cô cứ hết lần này đến lần khác từ chối vì không muốn mình được nhắc đến nhiều, trong khi chỉ là một nhân tố trong một cuộc Liên hoan cấp chuyên nghiệp toàn quốc. Tính cách này khác hẳn với mấy năm trước, khi cô tỏ ra khá quyết liệt vì bị “đánh trượt” trong việc xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú ở vòng Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.

Dù đã có 20 năm trong lĩnh vực múa, đoạt 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc trong nước và quốc tế về múa (trong đó có cả huy chương cho vai trò diễn viên biểu diễn và vai trò biên đạo) nhưng khi nhắc lại câu chuyện cũ, nghệ sĩ Tuyết Minh bình thản: “Là do lúc đó tôi bị “dồn vào chân tường”, phản xạ đó cũng là tự vệ thôi. Còn bây giờ thì với tôi, việc có danh hiệu không còn quan trọng nữa mà sẽ chuyên tâm vào công việc chuyên môn, tìm kiếm các chất liệu mới để dựng vở, như vở Mỵ lần này chẳng hạn”. 12 đoàn nghệ thuật tham gia, nghệ sĩ Tuyết Minh là người duy nhất giành được giải Biên đạo múa xuất sắc.

Mục tiêu là... phát triển du lịch ?!

Từng biên đạo cho rất nhiều vở đi thi thố, biểu diễn nhưng đây là lần đầu tiên, nghệ sĩ múa Tuyết Minh hướng một vở diễn gắn với thu hút khách du lịch. Ngay từ khi được Bộ VH-TT&DL đặt hàng dựng vở để tham dự Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ Tuyết Minh và ê-kíp đã nghĩ đến “đầu ra”. Đó là lý do để Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc lựa chọn câu chuyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: “Thay vì chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm tổ chức thì thời gian gần đây, Nhà hát Lớn đã chủ động đứng ra thực hiện các đêm diễn mang chất lượng nghệ thuật cao. Cùng với đó là những tour thăm quan Nhà hát Lớn dành cho khách du lịch, sau đó thưởng thức vở diễn để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Chúng tôi chọn “Vợ chồng A Phủ” là bởi tác phẩm giàu chất liệu văn học, lại rất quen thuộc với số đông khán giả. Nhưng nếu dựng nguyên xi thì yếu tố mới không còn nữa. “Mỵ” lấy ý tưởng từ “Vợ chồng A Phủ”, nhưng chúng tôi không khai thác quá sâu nỗi đau, bi kịch của Mỵ. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa Mông đã được khắc họa sinh động. Đó là những phiên chợ tình, các trò chơi dân gian, những điệu múa, tiếng khèn đặc trưng của người Mông... Từ đó phê phán hủ tục lạc hậu cướp vợ, tìm thú vui bên những bàn đèn thuốc phiện, được đặc tả qua nhân vật A Sử, Thống lý Phá Tra. Ca khúc “Chạy đi” được dùng làm kết vở, cũng là cuộc sự trỗi dậy của Mỵ, chống lại sự đè nén của gia đình Thống lý, không chấp nhận “làm con trâu con ngựa, làm con rùa nuôi trong xó cửa nhà mày nữa đâu. Chạy đi, chạy xuyên màn đêm”- như lời của ca khúc. Kết thúc mở là một vùng đất mới, nơi không còn những hủ tục lạc hậu và sự đè nén, áp bức”.

Vì có mục tiêu rõ ràng nên phần phục trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu được “đặt hàng” các chuyên gia từ TPHCM. Phần âm nhạc có một số ca khúc được viết mới, do các nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn đảm nhiệm nhưng cái hay là đều được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa. Những đạo cụ hàng ngày cũng trở thành nhạc cụ, vừa gần gũi vừa mang đến sự tiếp nhận độc đáo cho khán giả.

Tuy nhiên, là vở diễn để phục vụ bán vé nên khi đưa vào Nhà hát Lớn, biên đạo múa sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với công chúng là khách nước ngoài. Thời lượng vở diễn sẽ được cắt gọt, xuống còn chừng 30 phút. Các bài hát độc lập được lồng vào nội dung chứ không đứng độc lập như khi dựng để dự Liên hoan. Theo nghệ sĩ Tuyết Minh, khi mang ra phục vụ khán giả, họ sẽ không cần hiểu quá sâu về một vấn đề. Với khách quốc tế, cách thức để dễ tiếp nhận nhất là bằng ngôn ngữ múa và âm nhạc nên việc hát quá nhiều sẽ làm giảm đi sự tiếp nhận.

3 tỷ đồng cho vở diễn nhưng để ra được với khán giả lại là một sự đầu tư mới. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã tìm được “bà đỡ” từ Công ty du lịch Nam Hưng - nơi sẽ tìm kiếm đầu ra, quảng bá và đưa vở diễn đến gần hơn với công chúng. Một tuần dự kiến biểu diễn 3 buổi, trong đó có một buổi công diễn toàn bộ 75 phút. Lịch trình biểu diễn sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 8/2018. Nếu hướng đi này phát huy được tác dụng, nghệ sĩ Tuyết Minh sẽ bắt tay vào chuyển thể “Truyện Kiều”, vẫn theo cách thức như của Mỵ.

Đánh giá về chất lượng của Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vừa kết thúc, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), Trưởng BTC cho biết: “Trong 1 tuần diễn ra Liên hoan, BTC nhận thấy, các đoàn đều có sự nghiêm túc trong chuẩn bị, đầu tư về chuyên môn, nội dung và hình thức thể hiện. Mỗi đoàn là một màu sắc riêng, giới thiệu được những đặc trưng nhất của văn hóa đặc sắc vùng miền, như đoàn Lào Cao hay đoàn chủ nhà Cao Bằng chẳng hạn, rất đặc sắc. Với vở “Mỵ” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, chúng tôi đánh giá cao sự sáng tạo khi chuyển thể một tác phẩm đã rất quen thuộc là “Vợ chồng A Phủ”. Tại Liên hoan này, Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao những tác phẩm có chủ đề nội dung tư tưởng rõ ràng, bố cục mạch lạc, khắc họa được nét đẹp văn hóa địa phương; mới lạ về phương pháp, xây dựng hình tượng nghệ thuật và kết hợp nhuần nhuyễn với các yếu tố ca múa nhạc trong hình thức thể hiện tác phẩm, được trình diễn điêu luyện với chất lượng nghệ thuật cao. Ngoài ra, Hội đồng Nghệ thuật cũng chú trọng đến yếu tố đầu ra của vở diễn và khuyến nghị các đoàn phải có sự linh hoạt, chủ động tìm kiếm thị trường sau mỗi kỳ cuộc Liên hoan”.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nghe-si-tuyet-minh-bo-3-ty-de-lam-my-khong-phai-chi-de-gianh-huy-chuong-2018071208235522.htm