Nghệ sĩ ưu tú Quang Khải: Duyên nợ với những vai diễn lịch sử

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo xứ Nghệ, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Quang Khải gắn bó với nghệ thuật cải lương như một cơ duyên. Những lúc nhọc nhằn, dù thoáng ý muốn rời xa nghiệp diễn nhưng niềm đam mê nghệ thuật từng bước đưa anh trở về với cải lương, nắm bắt cơ hội và hoàn thiện mình trong từng vai diễn.

- Sau 20 năm gắn bó với Nhà hát Cải lương Việt Nam, khán giả đã rất quen thuộc với anh qua các vai diễn nhân vật lịch sử như: Mai Hắc Đế (vở Mai Hắc Đế), Phan Đăng Lưu (vở Hừng đông), Phật hoàng Trần Nhân Tông (vở Vua Phật), nhạc sư Nguyễn Quang Đại (vở Thầy Ba Đợi), Hồ Quý Ly (vở Vì sao lạc xứ), Đặng Trần Thường (vở Người đi tìm minh chủ)... Vai diễn nào mang đến cho anh nhiều thách thức hơn cả?

- Thực sự mỗi vai diễn như một ngọn núi để chúng tôi leo lên, leo đến đâu lại phụ thuộc nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ cuối năm 2014, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã cùng với tác giả Bùi Hữu Dược xây dựng vở diễn Vua Phật nói về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hóa thân vào nhân vật Trần Nhân Tông là điều vô cùng khó khăn. Bản thân tôi là một nghệ sĩ, cảm nhận, trải nghiệm về một nhà tu hành thế nào là rất khó, huống chi là phải đạt đến ngưỡng khán giả khi xem phải tin được đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Những chuyến đi của tôi cùng tác giả Bùi Hữu Dược cũng như đạo diễn Triệu Trung Kiên đến Thiền viện Sùng Phúc để nghe các thượng tọa nói chuyện, trao đổi về Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho tôi nhiều hiểu biết. Tôi cũng quan sát kỹ các vị thượng tọa tại Thiền viện trong cuộc sống thường ngày để nắm bắt phong thái của họ.

Tuy vậy, có những lúc tôi cũng hoảng, không biết chìa khóa nào để hóa thân thành nhân vật. Thế rồi, vào thời điểm tôi đã nghĩ là mình không thể nhập tâm được thì chính những lời nói của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên mang đến cho tôi một sự kích thích. Tôi có cảm giác mình đã bước vào không gian của vở diễn. Anh Kiên bảo: “Tất cả mọi người lui ra để cho Khải tập tiếp”. Quãng 1 - 2 phút đó cho tôi chìa khóa nhập vai Phật hoàng Trần Nhân Tông.

- Kỹ năng diễn xuất, nhập vai là yếu tố rất quan trọng của mỗi diễn viên trên sân khấu. Với những vai diễn của mình, anh tìm kiếm cảm hứng như thế nào?

- Tôi nghĩ mình phải có sự phân định rõ ràng. Tôi có một nhược điểm, đó là nhanh quên. Nhưng nhiều khi trên sân khấu thì nhược điểm trở thành ưu điểm. Mình tưởng quên nhưng khi lên sân khấu mọi thứ lại ùa về. Nó giống như cánh cửa đóng lại rồi mở ra. Nhiều khi mình say đắm với nhân vật, quên mình là ai. Với riêng tôi, nhược điểm đó lại trở thành ưu điểm.

- Thế còn sự ngẫu hứng, phá cách khi diễn thì sao, thưa anh?

- Ngẫu hứng là sự thăng hoa của người nghệ sĩ thông qua nhân vật. Nó phải được dựa trên những nền tảng đúng từ khi tập luyện. Chẳng hạn, vai diễn Đặng Trần Thường trong vở Người đi tìm minh chủ của tôi là nhân vật mua quan bán chức rất tính cách, thể hiện rất nhiều mặt của đời sống xã hội. Khi nhập vai này, tôi rất thăng hoa, sự thăng hoa có được khi diễn viên cảm nhận đúng và được khán giả đón nhận.

- Anh đang là Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Cải lương thử nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ở đề tài lịch sử quen thuộc thì sự thể nghiệm diễn ra như thế nào, thưa anh?

- Nói về cải lương là nói về nghệ thuật “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Cải lương là tiếp biến, là thu nạp tinh hoa, cái mới, cái tinh túy của nhân loại để tạo ra sự phong phú. Cho nên, đề tài nào cũng cần sự thể nghiệm. Chúng tôi đã áp dụng công nghệ trong giai đoạn gần đây. Với những vở diễn như Mai Hắc Đế, Vua Phật, chúng tôi ứng dụng công nghệ vào xử lý hình ảnh.

Gần đây nhất là vở Ngàn năm mây trắng, chúng tôi đã xử lý hình ảnh không gian mang tính mỹ thuật trên sân khấu khác hoàn toàn so với thông thường. Bên cạnh đó là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như chèo, hát xẩm, ca Huế và nghệ thuật cải lương, tạo thành bản hòa ca.

- Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại?

- Hiện tại, tôi cùng anh chị em trong đơn vị cố gắng tạo ra những tác phẩm thú vị, tiếp tục trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức để hoàn thiện bản thân, để có sự sáng tạo tốt hơn trong những nhân vật kế tiếp.

Sắp tới chúng tôi sẽ kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam khởi công tác phẩm nghệ thuật mới Cây gậy thần (dựa theo tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung). Kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện, soạn giả Lê Thế Song chỉnh lý cho phù hợp với giai đoạn này và phù hợp với sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương. Vở diễn này sẽ do NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng đạo diễn.

- Chân thành cảm ơn anh!

Thúy Đinh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/978615/nghe-si-uu-tu-quang-khai-duyen-no-voi-nhung-vai-dien-lich-su