Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan: Không mệt mỏi trên con đường nghệ thuật

Khán giả cả nước những năm 70, 80 thế kỷ trước hầu như ai cũng biết đến diễn viên - Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan với vóc dáng cao sang, gương mặt thanh tú và nụ cười 'tỏa nắng'. Các vai diễn để đời của chị trong 'Biệt động Sài Gòn', 'Người về đồng cói', 'Bài ca ra trận', 'Phương án ba bông hồng', 'Bản đề án bị bỏ quên'... từng cuốn hút hàng triệu khán giả. Sau đây là những chia sẻ của Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan với phóng viên Báo Hà Tĩnh.

Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan luôn say mê với các hoạt động nghệ thuật

P.V: Rất vui được gặp chị trên mảnh đất Hà Tĩnh! Cơ duyên nào đã đưa chị trở lại vùng đất này và cảm nhận của chị về Hà Tĩnh?

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan: Sau 42 năm cống hiến cho nghệ thuật, tôi được nghỉ hưu và làm Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân, thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Kỳ đại hội vừa qua, tôi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Hôm nay, chúng tôi cùng đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ của Hà Nội về Hà Tĩnh cùng tham dự buổi làm việc của Viện Nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc với Ban Tổ chức kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc về kịch bản dân ca “Khoảng trời con gái” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Tôi được mời làm cố vấn nghệ thuật cho vở diễn này. Được về Hà Tĩnh, dù thời gian rất ngắn nhưng tôi rất vui. Đã nhiều lần đến đây công tác, tôi rất ấn tượng về con người, địa linh ở nơi đây.

P.V:Khán giả Hà Tĩnh vẫn còn nhớ đến các vai diễn của chị trong các bộ phim nổi tiếng, có phải chị chỉ là diễn viên điện ảnh?

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan: Tôi từng đóng 10 phim, trong đó, nổi bật là các vai Riêng trong “Người về đồng cói”, Lê trong “Bài ca ra trận”, Mai trong “Phương án ba bông hồng”… Khi đóng nhân vật Riêng và Lê, tôi đã là diễn viên của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị quân đội. Năm 1976, tôi là phát thanh viên của Truyền hình Quân đội. Năm 1979, tôi chuyển sang phát thanh viên của Truyền hình Công an. Lúc đóng ni cô Huyền Trang, tôi đã là phát thanh viên của Truyền hình Công an. Khi phim “Biệt động Sài Gòn” kết thúc quay (1986), tôi chuyển sang làm biên tập - đạo diễn của Điện ảnh Công an. Tôi được phong quân hàm Đại tá, được giao giữ chức Phó Giám đốc Điện ảnh Công an cho đến khi nghỉ hưu.

Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan với vai diễn Ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn”

Tôi từng làm đạo diễn nhiều phim tài liệu của ngành công an như: “Chân dung cố Bộ trưởng Công an Trần Hoàn” (ông Hoàn quê ngoại Hà Tĩnh), “Chuyện những nữ phạm nhân”. Gần đây, tôi viết kịch bản phim “Người lính không trở về” và được Hội Điện ảnh xếp giải A. Tôi cũng từng về Hà Tĩnh nhiều lần quay bến phà Linh Cảm và khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú. Nhiều năm liền tôi phụ trách chuyên mục “An toàn giao thông” của Truyền hình Việt Nam.

P.V:Và sau khi được nghỉ hưu, chị vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật?

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan: Không chỉ tiếp tục một cách đơn thuần, tôi còn hoạt động nhiều hơn, say mê hơn khi còn đương chức. Chị biết đấy, tôi đã đi rất nhiều. Như đợt này, chúng tôi đi Nghệ An, Hà Tĩnh rồi trở về Hà Nội trong đêm luôn. Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội có 6 tổ chức hội thành viên với số lượng hội viên hàng trăm người và tôi phải luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ với họ, cả về chuyên môn cũng như cuộc sống đời thường.

Vẻ đẹp mặn mà của Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan thời trẻ

P.V:Chị có thể chia sẻ một chút về việc hài hòa giữa con người nghệ thuật và thiên chức làm vợ, làm mẹ?

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan: Tôi cố gắng hài hòa giữa đam mê nghệ thuật và chức năng làm vợ, làm mẹ. Tôi luôn đặt tổ ấm gia đình lên trên hết. Chồng tôi là giáo sư Toán học và chúng tôi rất hạnh phúc. Các con đều ngoan ngoãn, trưởng thành. Năm nay tôi 67 tuổi rồi, dẫu đã lên chức bà, phải luôn vun đắp tổ ấm gia đình nhưng niềm đam mê nghệ thuật với tôi không vơi cạn.

P.V: Xin cảm ơn chị!

P.V

(thực hiện)

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/nghe-si-uu-tu-thanh-loan-khong-met-moi-tren-con-duong-nghe-thuat/157669.htm