Nghệ sỹ thời sống chậm

Làn sóng dịch thứ hai khiến các phòng trà, quán bar và tụ điểm âm nhạc tại TPHCM ngừng hoạt động. Các nghệ sĩ phải chật vật với cuộc sống không ánh đèn sân khấu trong thời COVID-19.

Phòng trà Đồng Dao biểu diễn trực tuyến, không khán giả. Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Phòng trà Đồng Dao biểu diễn trực tuyến, không khán giả. Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Ít nghệ sĩ nhận được tiền hỗ trợ

Ca sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn cho biết: “Các nghệ sĩ của phòng trà Đồng Dao, chưa ai nhận được tiền hỗ trợ COVID-19. Chúng em cũng không biết thủ tục để lĩnh tiền hỗ trợ như thế nào. Em nghĩ rằng mình còn trẻ và còn tự lo được, nên dành phần hỗ trợ ấy cho những người khó khăn hơn”.

Ca sĩ kiêm tay trống Tấn Trung, người từng thông báo nhận được giấy kê khai thiệt hại vì dịch COVID-19 cho biết: “Em đã kê khai, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ. Không rõ lý do gì”. Tấn Trung chỉ sống bằng nghề chơi nhạc tại các tụ điểm, song dịch bệnh xảy ra, tất cả các tụ điểm anh chơi hằng đêm đều đóng cửa.

Qua tìm hiểu thì chỉ có rất ít các nghệ sĩ phòng trà đã được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch thế kỷ. Nghệ sĩ Phương Yoko chơi nhạc cho phòng trà của danh ca Cẩm Vân nói: “Tôi được nhận tiền hỗ trợ do COVID-19 của đợt trước với số tiền là 1 triệu đồng”. Nghệ sĩ đã lập tức dùng số tiền ấy để đóng tiền điện trong những tháng cách ly xã hội.

Thiệt hại bạc tỷ

Các phòng trà tại TPHCM phần lớn đều nằm tại các phố trung tâm, có giá thuê mặt bằng rất cao, doanh thu dựa vào khách du lịch và khách nước ngoài. Việc hạn chế khách du lịch, cộng với giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người đã khiến cho các phòng trà đóng cửa dài dài. Nghệ sĩ Thanh Hải, chủ phòng trà tại Quận 1 nói: “Sau thời gian cách ly xã hội, phòng trà chúng tôi hoạt động trở lại nhưng cũng rất vắng khách, có đêm chưa tới chục khách”. Khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Đà Nẵng thì TPHCM dừng hoạt động các quán bar và phòng trà của anh lại phải đóng cửa lần thứ hai. Khó khăn chồng chất khó khăn. “Chúng tôi vẫn biểu diễn không khán giả, phục vụ cho khách xem trực tuyến mà không có nguồn thu gì cả, anh Thanh Hải nói, Phòng trà vẫn phải bỏ các chi phí ánh sáng âm thanh… dù rằng các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ khán giả đã tình nguyện không nhận thù lao”.

Một nghệ sĩ đề nghị dấu tên cho biết, Phòng trà của anh, tiền thuê mặt bằng là 300 triệu đồng/tháng. Những tháng cách ly xã hội, được giảm 50% tiền thuê, còn lại vẫn thu bình thường. Do ảnh hưởng COVID-19, khách chỉ bằng 30% so với lúc chưa xảy ra dịch. Dù không muốn nói ra, song thực tế là từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phải bù lỗ khoảng một tỷ đồng cho phòng trà của mình”.

Sống chậm

Ca sĩ Vân Khánh cho biết: “Tuy nhiều sô bị hủy nhưng tôi vẫn được mời thu âm ghi hình các chương trình ca nhạc và các chương trình truyền hình thực tế, cuộc sống cũng không đảo
lộn nhiều”.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết anh rất nhớ anh em đồng nghiệp, rất nhớ khán giả yêu thương của mình khi mà chỉ từ đầu năm tới nay, sân khấu Sax’ n Art của anh trải qua hai kỳ đóng cửa vì đại dịch: “Nhớ những giây phút được Jam cùng các nghệ sỹ Saxnart Jazz Club quá rồi đó ông bà Covid ơi!”, anh nói.

Nữ danh ca Cẩm Vân là người vô cùng yêu ca hát và dường như chị không thể thiếu được ánh đèn sân khấu. Cẩm Vân, Khắc Triệu mấy lần tổ chức phòng trà để ca hát. Dịch bệnh COVID-19 khiến cho chị phải tự thỏa nỗi nhớ sân khấu bằng việc hát tại nhà và phát trên mạng xã hội với sự tham gia của hai khách mời là nghệ sĩ Vĩnh Tâm, và Hy Đạt. Tiếc rằng, sau cách ly xã hội, phòng trà của vợ chồng chị mới mở đón khách trở lại được ít lâu, lại phải đóng cửa lần thứ hai để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chúng tôi tới thăm nghệ sĩ kèn Quách Tiến Dũng tại nhà riêng của anh trong những ngày tháng xa sân khấu này. Anh tự thiết kế một phòng thu âm nhỏ trong nhà và ngoài thời gian đi dạy nhạc tại Nhạc viện TPHCM, anh vùi đầu và sáng tác kể: “Trước khi xảy ra dịch COVID-19, tôi biểu diễn gần như là 365 ngày/năm, cứ thế nhiều năm rồi, đã thành một nhịp sống, thành thói quen. Đột ngột bây giờ cả tháng trời buổi tối không ra khỏi nhà. Không biết mình phải làm gì! Nhưng, chính những ngày tháng như thế này, tôi lại cảm thấy mình được sống trong khung cảnh gia đình, quây quần bên vợ con, thấy quý những giá trị cốt lõi của con người”.

Nghệ sĩ Quách Tiến Dũng sáng tác “năng lượng tích cực” trong thời COVID-19. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh)

Nghệ sĩ Quách Tiến Dũng dành thời gian sáng tác nhạc jazz, tên tác phẩm anh đề theo tháng: Tác phẩm Tháng Ba, tác phẩm Tháng Tư. “Tôi phải viết, phải ghi lại những suy nghĩ cảm xúc, để sau này các học trò tôi, con tôi lớn lên sẽ không quên những ngày tháng đại dịch COVID-19 này. Chúng sẽ hiểu thêm tâm trạng của những nghệ sĩ chúng tôi khi phải xa sân khấu, xa khán giả để bảo vệ an toàn cho cộng đồng và cho chính những người nghệ sĩ”,
Tiến Dũng nói.

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nghe-sy-thoi-song-cham-1712115.tpo