Nghề thêu hỗ trợ 'nghề Hội'

Nhìn thoáng qua, tưởng chừng thêu tay gia công có vẻ đơn giản và nhàn hạ, không vất vả như nhiều việc khác nhưng quả thật, công việc của một thợ thêu gia công không hề dễ dàng chút nào. Bên cạnh các phẩm chất cần cù, nhẫn nại, khéo léo, người thợ thêu tay cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ cao.

Khi nhắc đến Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hòa (huyện Châu Thành, Bến Tre), ai cũng khen ngợi vì Vân không chỉ là một cán bộ Hội trẻ năng động mà còn có đôi bàn tay vàng thêu thùa rất khéo. Tiếng lành đồn xa, nhiều chị em phụ nữ đã đến xin học nghề của Vân. Vào những lúc rảnh rỗi, Vân vừa chỉ vẽ nghề thêu cho chị em, vừa nhận hàng về cho họ gia công để có thêm thu nhập gia đình.

Hồng Vân được học thêu tay từ rất bé, khi còn là học sinh tiểu học, trong các tiết học mĩ thuật, năng khiếu của trường. Mặc dù rất yêu thích thêu nhưng Vân không chọn con đường thêu thùa để lập nghiệp. Năm 2013, cô bén duyên với công tác Hội phụ nữ sau khi ra trường với tấm bằng cao đẳng. Trong những lần đi công tác ở cơ sở xuống ấp, cô cán bộ Hội trẻ nhận thấy, còn rất nhiều chị em phụ nữ ở quê mình nhàn rỗi, cuộc sống khó khăn nhưng lại thiếu việc làm.

Hồng Vân thêu áo cho khách

Thông qua công tác Hội phụ nữ, với phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, năm 2015, Vân mạnh dạn tìm nguồn hàng gia công ở TP.HCM rồi đứng ra vận động và tập hợp chị em phụ nữ đem hàng về nhà để thêu gia công. Ai chưa biết thêu, muốn học nghề thì Vân sẵn sàng hướng dẫn tận tình từ việc cầm cây kim, luồn sợi chỉ cho đến các mũi thêu cơ bản, đến khi nào thêu thành thục.

Khi được hỏi, làm thế nào để có thể sắp xếp được công việc cơ quan và việc làm then một cách hài hòa, Vân chia sẻ: “Với em, công việc ở Hội phụ nữ là công việc chính, việc thành lập ra tổ thêu tay thời gian qua đã hỗ trợ cho em trong phong trào Hội rất nhiều. Tổ thêu không chỉ giúp giải quyết việc làm cho phụ nữ mà còn là chất keo giúp chị em gắn kết với Hội nhiều hơn. Nhiều chị em nhờ thêu tay mà biết đến Hội và tự nguyện trở thành hội viên rất nhiệt tình của hội”.

Quả thực, như lời Vân nói, khi trò chuyện với chị em thành viên tổ thêu, chúng tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của mọi người dành cho nhau. Họ coi đây là mái nhà chung để chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. “Lúc đầu tôi đăng kí làm vì muốn kiếm thêm thu nhập những lúc rảnh rỗi nhưng dần dà gắn bó, nơi đây như một mái nhà chung và tôi yêu luôn cái nghề tay trái này”, chị Giang - thành viên tổ thêu có nghề chính là làm tóc ở Tam Phước cho biết.

Hiện tại, tổ thêu của Vân đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 40 chị em phụ nữ trong xã và các vùng lân cận, thu nhập mỗi chị trung bình từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Riêng với Vân, thêu tay gia công mang lại thu nhập cho cô hàng tháng khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng. Với số tiền này, Vân có thể phụ mẹ lo cho cuộc sống gia đình mình đỡ vất vả hơn.

Thoạt nhìn thoáng qua tưởng chừng thêu tay gia công có vẻ đơn giản và nhàn hạ, không vất vả như công việc nhưng quả thật, công việc của một thợ thêu gia công không hề dễ dàng chút nào. Bên cạnh các phẩm chất cần cù, nhẫn nại, khéo léo, người thêu tay cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ cao.

Vì vậy, thêu tay gia công có thể được xem là một nghề thủ công truyền thống cần được gìn giữ giữa xã hội hiện đại ngày nay, vì số lượng người biết và làm được nghề này rất ít. Người ta tìm đến với công việc này đôi lúc không hẳn là vì mưu sinh mà một phần còn vì sự yêu thích.

Thanh Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/san-pham-hong/nghe-theu-ho-tro-nghe-hoi-post45543.html