Nghề thủ công truyền thống Nhật Bản được các thương hiệu quốc tế tín nhiệm

Theo trang Nikkei Asia, các thương hiệu xa xỉ trên thế giới như Louis Vuitton rất muốn kết hợp với nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản để phát triển dòng sản phẩm mới.

Các thương hiệu nước ngoài lựa chọn thủ công Nhật Bản

Trong khi dân số Nhật Bản ngày càng già đi và số người học việc ít dần thì thợ lành nghề ở Nhật Bản đang giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Mạng lưới Craftswomen Link trưng bày các tác phẩm tại triển lãm hàng thủ công truyền thống ở Nagoya, miền trung Nhật Bản vào ngày 27/4. Ảnh: Yuki Kohara

Để đối phó với xu hướng này, các nhà sản xuất hàng thủ công, nhà bán lẻ và thợ thủ công đang thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm ra nước ngoài.

Masataka Hosoo, Chủ tịch của Nhà máy dệt Hosoo, chuyên sản xuất hàng dệt Nishijin-ori ở Kyoto là một ví dụ.

Hàng dệt Nishijin-ori được dệt bằng sợi dọc và sợi ngang lụa nhuộm, và đan xen với lá vàng và bạc. Nhà máy dệt Hosoo cũng cung cấp vải cho một số thương hiệu xa xỉ nổi tiếng ở Châu Âu, bao gồm Christian Dior, Chanel và Gucci để sử dụng trong các sản phẩm và nội thất cửa hàng.

Năm ngoái, Hosoo đã phát triển quan hệ đối tác với công ty LVMH Metiers d'Art. Trong thời gian dài, LVMH Metiers d'Art đã giúp công ty dệt may Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật với tư cách là thành viên của tập đoàn LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton của Pháp. Động thái này như một lời hứa hẹn của công ty Pháp về việc hồi sinh ngành dệt lụa ở Nhật Bản.

Thị trường nước ngoài đóng vai trò quan trọng

Bà Emina Morioka, Giám đốc đơn vị LVMH Metiers d'Art tại Nhật Bản, đơn vị đang phát triển nguyên liệu vải lụa và đào tạo nhân lực hợp tác với Hosoo, cho biết kỹ năng tiên tiến của thợ thủ công Nhật Bản là không thể thiếu đối với các thương hiệu châu Âu.

Tuy nhiên, giá trị vận chuyển hàng thủ công truyền thống Nhật Bản vẫn tiếp tục giảm, chủ yếu là do lối sống thay đổi của người Nhật. Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu của 241 mặt hàng thủ công truyền thống Nhật Bản, bao gồm hàng dệt Nishijin-ori và đồ gốm Bizen, đã giảm xuống còn 87 tỷ yên (560 triệu USD) trong năm tài chính 2020, giảm hơn 80% so với mức đỉnh điểm vào những năm 1980.

Khi dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm xuống dưới 100 triệu người vào những năm 2050 thì thị trường nội địa chắc chắn sẽ bị thu hẹp hơn nữa.

Ông Aya Sengoku, Chủ tịch của công ty dệt may Nakagawa Masashichi Shoten có trụ sở tại thành phố Nara phía tây Nhật Bản và điều hành khoảng 60 cửa hàng trên toàn quốc nhấn mạnh thị trường nước ngoài rất quan trọng với tư cách là khách hàng mới của chúng tôi.

Công ty Nakagawa Masashichi Shoten chuyên bán đồ gia dụng, chủ yếu là sản phẩm thủ công Nhật Bản. Theo ông Sengoku, việc đáp ứng nhu cầu từ khách hàng nước ngoài là cấp thiết đối với các nhà sản xuất thủ công truyền thống Nhật Bản.

Công ty đã mở cửa hàng tại Sân bay Narita, sân bay quốc tế chính của Tokyo vào tháng 3 năm nay, trưng bày hơn 600 mặt hàng, bao gồm ấm đun nước bằng sắt, bát đĩa và khăn lau bát đĩa, chủ yếu hướng tới đối tượng là khách du lịch nước ngoài. Công ty hiện cũng mở các cửa hàng tạm thời ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1 năm nay.

Beams, một nhà bán lẻ kinh doanh quần áo và các hàng hóa khác có trụ sở tại Tokyo, chuyên bán sản phẩm thủ công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tại triển lãm của công ty ở Paris vào tháng 1, các mặt hàng như maneki neko (tượng mèo vẫy tay), búp bê daruma và đồ chơi kendama đã thu hút những ánh nhìn ngưỡng mộ.

Takeshi Asami, nhân viên phụ trách hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Beams cho biết mọi người luôn tin tưởng mạnh mẽ vào tay nghề thủ công của người Nhật Bản. Nhưng cho dù là các nhà sản xuất sản phẩm thủ công nổi tiếng khắp thế giới, cũng sẽ rất khó để tồn tại nếu không xuất hiện thế hệ thợ thủ công mới.

Bảo tồn ngành thủ công truyền thống

Thống kê ước tính khoảng 3.730 thợ thủ công nhận được công nhận ở Nhật Bản trong năm tài chính 2020, giảm 16% so với một thập kỷ trước đó. Với tốc độ này, số lượng thợ thủ công sẽ giảm khoảng 40% vào những năm 2050 xuống còn khoảng 2.200. Số lượng lao động trong các ngành liên quan cũng dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 21.000 vào những năm 2050, giảm 60% so với mức 54.000 vào năm 2020.

Nếu số lượng thợ thủ công tiếp tục giảm, nghề thủ công truyền thống có thể biến mất ở một số vùng miền của Nhật Bản. Điều này cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế địa phương vì sản xuất thủ công phụ thuộc vào sự phân công lao động phức tạp và được hỗ trợ bởi nhiều ngành công nghiệp liên quan, bao gồm các nhà cung cấp nguyên liệu thô, nhà sản xuất công cụ và nhà phân phối.

Thợ thủ công là nữ giới ngày càng trở nên quan trọng hơn bởi họ là những người mang tiêu chuẩn cho các nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản. Tỷ lệ phụ nữ trong tổng số thợ thủ công ghi nhận 16,5% trong năm tài chính 2020, tăng khoảng 6 điểm phần trăm so với 20 năm trước.

Ngày nay, những thợ thủ công tài năng là phụ nữ đang mang đến những góc nhìn mới mẻ. Chẳng hạn như Link, một nhóm gồm 9 thợ thủ công làm việc với giấy washi Nhật Bản, đồ sơn mài và các nghề thủ công truyền thống khác ở vùng Tokai, đang nỗ lực quảng bá sản phẩm của họ tại các triển lãm chung và theo những cách khác nhau.

Bà Keiko Nasu, người khắc hoa văn trên giấy nến Nhật Bản dùng trong nhuộm vải, cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu kinh doanh hơn thông qua các hoạt động của Link.

Trong khi đó, Asuka Kajiura, người đứng đầu Link, từng làm phát thanh viên tại một đài truyền hình trước khi trở thành thợ thủ công làm netsuke ở quận Mie. Netsuke là những chiếc móc chạm khắc dùng để treo túi hoặc đồ đựng nhỏ khác. Bà Kajiura đã phát triển một loại netsuke xuyên thấu, hiện được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

"Chúng ta cần hợp tác để nâng tầm quan trọng của nghề thủ công truyền thống, phá bỏ những định kiến tiêu cực rằng nghề thủ công đã trở nên lỗi thời", bà Kajiura nói thêm.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghe-thu-cong-truyen-thong-nhat-ban-duoc-cac-thuong-hieu-quoc-te-tin-nhiem-20240513112634789.htm