Nghệ thuật đánh công kiên trong trận Đồng Xoài

Thắng lợi của Chiến dịch Đồng Xoài năm 1965 nói chung và trận tiến công Chi khu Đồng Xoài-trận then chốt chiến dịch (ngày 9 và 10-6-1965) nói riêng đã đánh dấu sự trưởng thành về nghệ thuật đánh công kiên (tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc) của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Thị trấn Đồng Xoài (địch gọi là quận lỵ Đôn Luân) thuộc tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) nằm trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài (Bắc Sài Gòn), được xây dựng thành căn cứ quân sự (gồm Chi khu Đồng Xoài, khu biệt động quân, khu cơ giới và khu ấp chiến lược), có hệ thống lô cốt, hầm ngầm, công sự vững chắc. Tại đây, địch có 3 đại đội biệt kích, 1 đại đội bảo an, 1 đại đội dân vệ, 1 trung đội pháo binh, 1 trung đội cảnh sát, 2 chi đội xe cơ giới AM, 42 cố vấn quân sự Mỹ, 300 công an dân vụ và lực lượng tề điệp.

 Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đi khảo sát thực địa chuẩn bị cho Chiến dịch Đồng Xoài. Ảnh tư liệu

Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đi khảo sát thực địa chuẩn bị cho Chiến dịch Đồng Xoài. Ảnh tư liệu

Sau đợt 1, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định mục tiêu chủ yếu của đợt 2 là tiêu diệt Chi khu Đồng Xoài và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Bộ binh 2 (chủ lực miền Đông Nam Bộ) được tăng cường Tiểu đoàn Bộ binh 8, Trung đoàn Bộ binh 3 (chủ lực miền Đông Nam Bộ) và một số đơn vị hỏa lực của chủ lực miền Đông Nam Bộ. Trong số các đơn vị đánh trận này, chỉ có Tiểu đoàn Bộ binh 5 (Trung đoàn Bộ binh 2) được huấn luyện chiến thuật công kiên. Trong cuốn “Lịch sử chiến thuật công kiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), NXB QĐND, HN, 2008, nêu rõ: Sau một ngày đêm tiến công, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 tên địch (có 42 cố vấn Mỹ); bắn rơi 7 máy bay trực thăng, bắn bị thương 2 chiếc; thu 148 súng các loại, 4 xe AM, gần 16.730 viên đạn và nhiều đồ dùng quân sự...

Trận tiến công Chi khu quân sự Đồng Xoài thể hiện nghệ thuật đánh công kiên đặc sắc. Trước hết là nghệ thuật tạo lập thế trận tiến công vững chắc ngay từ đầu. Mục đích của trận tiến công Chi khu Đồng Xoài là tiêu diệt chi khu quân sự, làm chủ trận địa; đồng thời tạo thời cơ diệt viện cho chiến dịch. Trận đánh được chuẩn bị chu đáo, từ khâu trinh sát nắm địch, địa hình đến việc xây dựng kế hoạch chiến đấu phù hợp, sát thực tiễn, nhất là sử dụng lực lượng hình thành thế tiến công trên các hướng ngay từ đầu. Trong đó, hướng tiến công chủ yếu từ phía Tây và Tây Bắc đánh vào chi khu do Tiểu đoàn Bộ binh 5 đảm nhiệm; hướng tiến công thứ yếu từ phía Bắc và Tây Bắc đánh vào khu biệt động quân do Tiểu đoàn Bộ binh 4 đảm nhiệm; hướng phối hợp tiến hành bao vây ở phía Đông và Nam chi khu do Tiểu đoàn Bộ binh 8 đảm nhiệm. Về đội hình tiến công, ta tổ chức 2 thê đội: Thê đội 1 gồm 3 tiểu đoàn bộ binh (4, 5, 8) và thê đội 2 do Tiểu đoàn Bộ binh 6 đảm nhiệm. Sau khi được pháo binh và súng cối bắn kiềm chế pháo và cối địch, bộ binh ta trên các hướng đánh vào trung tâm chi khu, nhanh chóng tiêu diệt từng bộ phận, từng hỏa điểm, tiến đến tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Cùng với đó, ta đã tập trung binh hỏa lực, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch khi thực hành tiến công. Quán triệt nguyên tắc cơ bản của chiến đấu công kiên, sử dụng đại bộ phận binh hỏa lực trong đội hình để thực hành tiến công. Trên hướng tiến công chủ yếu, ta tập trung lực lượng vào phía Tây và Tây Bắc chi khu, mặc dù hướng này, công sự phòng ngự của địch vững chắc hơn và hỏa lực mạnh hơn các hướng khác, nhưng chúng cũng có nhiều sơ hở, nhất là về mặt địa hình, lại không có dân nên ta triển khai binh hỏa lực giữ được bí mật tốt hơn so với các hướng khác. Trên hướng tiến công thứ yếu và hướng phối hợp, ta bố trí lực lượng tiến công, lực lượng bao vây đón lõng; đồng thời có lực lượng dự bị mạnh sẵn sàng chi viện cho hướng chủ yếu. Nhờ vậy, trong quá trình tiến công, ta đã phân tán được một phần hỏa lực và sự đối phó của địch ra các hướng để phát triển tiến công tiêu diệt địch.

Nét độc đáo trong trận tiến công Chi khu Đồng Xoài là quân ta đã vận dụng hiệu quả các thủ đoạn tác chiến. Qua nắm tình hình, ta thấy địch đóng quân trong Chi khu Đồng Xoài khác hẳn với đóng quân dã ngoại. Chúng tổ chức hệ thống công sự, vật cản, cùng nhiều lớp hàng rào kết hợp nhiều bãi mìn, cả đè nổ, vướng nổ và mìn định hướng ở xung quanh. Dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh chiến dịch, Trung đoàn Bộ binh 2 quyết định lựa chọn chiến thuật công kiên và cách đánh gần, đánh đêm, bí mật cơ động áp sát mục tiêu, bất ngờ nổ phá mở cửa... Đặc biệt là ta đã vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, như: Đột phá, bao vây, thọc sâu, đón lõng, chia cắt quân địch, kết hợp với vu hồi đánh vào bên sườn, sau lưng, khu trung tâm đề kháng của chúng, diệt các ổ đề kháng, lực lượng ứng cứu, giải tỏa đường bộ và đường không... để giành thắng lợi, kết thúc trận công kiên Đồng Xoài, cũng là trận then chốt chiến dịch.

Chiến dịch Đồng Xoài là lần đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam Bộ nói riêng và chiến trường miền Nam nói chung, ta tổ chức trận công kiên quy mô trung đoàn tăng cường có nhiều binh chủng tham gia và đã giành thắng lợi giòn giã. Nghệ thuật đánh công kiên trong Chiến dịch Đồng Xoài tiếp tục được Quân đội ta vận dụng sáng tạo và phát huy hiệu quả trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

NGỌC SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-danh-cong-kien-trong-tran-dong-xoai-730141